Trẻ mất mạng vì YouTube: Xin đừng "mất bò mới lo làm chuồng"

17/10/2020 - 06:52

PNO - Cái chết của bé gái 5 tuổi ở TPHCM vì học theo trò treo cổ trên YouTube một lần nữa cho thấy tác hại từ các kênh YouTube độc hại dành cho trẻ em.

Chưa hết thở phào nhẹ nhõm vì nhiều kênh YouTube nhảm nhí, độc hại của các YouTuber nổi tiếng như Hưng Vlog, NTN Vlogs đã bị cơ quan chức năng tuýt còi, dư luận lại tiếp tục lo lắng vì nhiều kênh YouTube có nội dung xấu khác vẫn tồn tại khi tuần qua, xuất hiện thông tin một đứa trẻ đã thiệt mạng vì bắt chước trò treo cổ được hướng dẫn trên mạng.

Theo đó, tài khoản Ngô Nguyệt thuật lại sự việc cháu gái 5 tuổi của chị đã qua đời sau khi học theo trò chơi treo cổ tự tử trên YouTube. Cháu bé dùng khăn voan treo vào thành giường tầng trong phòng ngủ và khi gia đình phát hiện, bé đã bất tỉnh. Các bác sĩ ở bệnh viện đã tận tình cứu chữa nhưng cháu bé đã ngưng thở, ngưng tim, chết não sau 4 giờ đồng hồ cấp cứu.

Đáng lưu ý, trước đó, bé đã vài lần có hành động dại dột tương tự nhưng nhờ người lớn phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng. Gia đình cho biết, họ không biết bé bắt chước theo kênh YouTube nào nhưng chương trình bé hay xem là Peppa Pig.

Một hình ảnh ghê rợn từ video clip có nhân vật chú heo Peppa
Một hình ảnh ghê rợn từ video clip có nhân vật chú heo Peppa

Peppa  Pig với nhân vật chính là chú heo Peppa là một chương trình hoạt hình rất quen thuộc với trẻ em ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hình ảnh chú heo màu hồng với ngoại hình mũm mĩm và tính cách dễ thương rất được lòng các bé. Vì vậy đã xuất hiện nhiều video clip Peppa Pig nhái, lấy hình ảnh nhân vật chú heo Peppa nhưng đi kèm là những hành động phản cảm, bạo lực như dùng dụng cụ gọt hoa quả tự cứa tay, dí súng vào người khác.

Có thời gian, trong clip có heo Peppa còn xuất hiện quái vật Momo xúi trẻ em làm theo những trò nguy hiểm chết người và đe dọa chúng khiến nhiều trẻ sợ hãi, trầm cảm, tìm đến những biện pháp cực đoan để hành hạ bản thân.

Trở lại với sự việc đau lòng của bé gái kể trên, đây không phải là lần đầu tiên dư luận rùng mình vì trẻ bắt chước trên mạng trò chơi treo cổ tự tử. Vụ việc tương tự từng xảy ra vào năm ngoái. Bắt chước màn ảo thuật thắt cổ vẫn thở được giới thiệu trên mạng, một bé 8 tuổi ở TPHCM dùng khăn quàng treo cổ và rơi vào trạng thái hôn mê khi được phát hiện. Rất may bé được cứu sống.

Tưởng rằng câu chuyện lần đó, cùng với một vài sự vụ khác từng xảy ra, như chuyện một cháu bé bị đứt mạch máu tay vì bắt chước nhân vật người nhện trên YouTube dùng tay đập vỡ kính mà không hề hấn gì, sẽ khiến người lớn cảnh giác hơn với những nội dung mà trẻ em xem trên mạng, nhưng chuyện đau lòng vẫn xảy ra.

YouTube gần đây đã mạnh tay hơn trong việc kiểm soát những kênh, video clip có nội dung liên quan đến trẻ em để bảo vệ an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, động thái của gã khổng lồ này vẫn không đủ sức chặn đứng sự tồn tại của những kênh, chương trình mang nội dung độc hại, có thể làm hại trẻ em khi xem.

Mặc dù đã có kênh YouTube Kids dành riêng cho các bé nhưng việc YouTube quản lý nội dung chưa thật sự chặt chẽ khiến những video không lành mạnh vẫn lọt vào. Chỉ khi nào có người dùng phát hiện và báo cáo thì nội dung đó mới được YouTube xử lý. 

Oái ăm ở chỗ, những người có khả năng phát hiện lại không phải là đối tượng mà các video độc hại nhắm tới. Đối tượng nhắm tới chính là trẻ em, độ tuổi hay tò mò, nhận thức non nớt, không thể phân biệt thật-giả.

Quái vật Momo từng xuất hiện trong video nhái heo Peppa
Quái vật Momo từng xuất hiện trong video "nhái" heo Peppa

Không thể phủ nhận mặt tốt của YouTube ở khía cạnh là nguồn cung cấp kiến thức sâu rộng cho trẻ nhỏ nhưng bên cạnh đó, YouTube cũng có mặt trái. Việc cài đặt ứng dụng YouTube Kids cho trẻ dùng theo độ tuổi tưởng là biện pháp để dễ kiểm soát chúng, nhưng cách này cũng không hiệu quả vì các bé có thể tắt ứng dụng YouTube Kids và mở ứng dụng khác xem khi người lớn không để ý.

Cách làm "không quản được thì cấm" không thể áp dụng với các bé trong thời đại công nghệ lên ngôi như hiện nay, do đó, vấn đề nằm ở việc giám sát của phụ huynh. Cho phép dùng nhưng hạn chế thời lượng và có giám sát, khuyến khích trẻ xem những nội dung bổ ích và hướng bé vào các hoạt động ngoài đời sống để tránh xa thế giới ảo là những việc cấp bách nên làm. Xin đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp xử lý mạnh những video clip giật gân, phản cảm. Sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt, hai kênh Hưng Troll và Hưng Gamer của Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog) cũng biến mất trên YouTube. Đây là động thái cần thiết của chính phủ nhằm làm lành mạnh hóa môi trường internet, bảo vệ người dùng, nhất là trẻ em- đối tượng dễ bị tổn thương.

Bên cạnh sự mạnh tay của nhà nước cũng cần có thêm bộ lọc từ phía phụ huynh để những video độc hại hết đường sống, những cái chết của trẻ thơ vì bắt chước những gì xem được trên mạng mới chấm dứt.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI