Để dẹp video nhảm, phải bịt lỗ hổng pháp lý trước

07/10/2020 - 06:28

PNO - "Xác định lỗi và chế tài xử lý còn vướng mắc. Chế tài dù mạnh hơn nhưng không xác định được lỗi vi phạm thì rất khó để áp dụng".

Án phạt 7,5 triệu đồng - vì hành vi đăng clip nấu cháo gà nguyên lông - chưa “ráo mực”, chủ kênh YouTube Hưng Vlog tiếp tục gây xốn mắt cộng đồng mạng khi đăng tải clip “làm hư trẻ em” với nội dung “troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”. Đây không phải clip duy nhất Hưng “dạy” trẻ em trộm tiền.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM) liên quan đến chế tài xử phạt các vlogger, youtuber đăng tải những nội dung nhảm nhí, phản giáo dục…

Phóng viên: Sau khi bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, chủ kênh Hưng Vlog vẫn tiếp tục vi phạm. Dư luận cho rằng, mức phạt không đủ sức răn đe, điều đó có đúng không, thưa luật sư?

Luật sư Trần Minh Hùng: Theo khoản 1, điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ xã hội, xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tải, cung cấp các clip cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; các clip có tác động xấu đến người xem như kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Mức xử phạt cao nhất là 20.000.000 đồng. Theo tôi, hành vi của Hưng Vlog là “đăng tin phản cảm” và cơ quan chức năng nên xử phạt theo quy định này thì thuyết phục hơn.

Vừa bị phạt 7,5 triệu đồng, Hưng Vlog vẫn không chịu… rút kinh nghiệm khi đăng tải clip dạy trẻ em ăn cắp tiền
Vừa bị phạt 7,5 triệu đồng, Hưng Vlog vẫn không chịu… rút kinh nghiệm khi đăng tải clip dạy trẻ em ăn cắp tiền

* Nhưng ngay cả án phạt 7,5 triệu đồng, có người cho rằng, anh ta có thể “kiện” lại quyết định đó. Lý do cũng bởi, “phản cảm” hay “vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc” là những cụm từ rất chung chung… Xin hỏi luật sư, điều này đã được ghi nhận trong văn bản pháp luật nào chưa?

- Thuần phong mỹ tục là phong tục tốt đẹp và lành mạnh, những quy chuẩn xã hội nào cũng phải có, được hình thành theo thời gian, từ lối sống của con người. Tôi cho rằng, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục là phải làm phá vỡ những phong tục tốt đẹp của cộng đồng, dân tộc, làm tổn thương đời sống tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, hành vi đăng tải clip nấu cháo gà nguyên lông của kênh Hưng Vlog chưa phải là vi phạm thuần phong mỹ tục. Việc xử phạt 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Văn Hưng cũng chưa phù hợp với quy định pháp luật. Theo tôi, cơ quan chức năng chỉ nên nhắc nhở, làm cam kết, yêu cầu không tái phạm. Nếu vẫn còn tái phạm, cơ quan chức năng mới xử phạt và xử phạt theo lỗi vi phạm khác chứ không phải chung chung là “vi phạm thuần phong mỹ tục”.

Hiện, khái niệm “thuần phong mỹ tục” chưa được ghi nhận trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, đặc biệt tại lĩnh vực xử lý hành chính. Trước đây, điều 3 Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL có hướng dẫn về việc đặt tên doanh nghiệp không vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực từ tháng 8/2016. 

Thời gian qua, trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, có rất nhiều hành vi bị xử phạt với tình tiết “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Nhưng, khái niệm không được quy định rõ thì rất khó áp dụng để xử lý. Chúng ta nên có hướng dẫn, quy định rõ ràng; đừng áp dụng một khái niệm mơ hồ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải giải thích, hướng dẫn cụ thể về khái niệm này. Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ hoàn thiện pháp luật và có cơ sở xử phạt, chứ không áp dụng chung chung, cảm tính, dễ gây tranh cãi.

* Theo ông, việc xử lý hành chính đối với các trường hợp như vậy là hợp lý chưa? 

- Tôi thấy việc xử phạt hành chính như vậy là hợp lý. Bởi, hành vi đăng các clip nhảm, nội dung thử thách nguy hiểm không phải hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nội dung các clip phụ thuộc vào ý thức của người làm ra và người xem các clip đó. Để kiểm soát nội dung các clip đăng tải, cơ quan chức năng cần phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xã hội như YouTube, Facebook… chứ không chỉ chăm chăm vào chế tài xử phạt người đăng tải.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video rác. Trước đó, báo chí đã phản ánh việc mạng xã hội tràn lan những video nhảm nhí, giật gân nhằm câu view.

Đáng nói, những video này đã thu hút hàng triệu lượt xem, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, nhân cách trẻ em; phần nào kéo văn hóa nghe - xem đi xuống. Song vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát.

* Pháp luật Việt Nam quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới (YouTube, Facebook, Google) đối với nội dung các clip dạng này ra sao, thưa luật sư?

- Điểm i, khoản 3, điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc “Tổ chức thiết lập mạng xã hội không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật”. Như vậy, pháp luật Việt Nam có quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp này đối với nội dung clip được đăng trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng, cụ thể; nên việc áp dụng, xử lý vẫn còn khó khăn; trong đó xác định lỗi và chế tài xử lý còn vướng mắc. Bởi lẽ, chế tài dù mạnh hơn nhưng không xác định được lỗi vi phạm thì rất khó để áp dụng.

Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xã hội như YouTube, Facebook để điều chỉnh pháp luật và chính sách về nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều lỗ hổng pháp lý, quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể các khái niệm, hành vi vi phạm đối với việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ những thông tin, hình ảnh… gây ảnh hưởng xấu. Chỉ có như vậy, mới xác định lỗi và áp dụng chế tài xử lý phù hợp. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn các clip nhảm, vô bổ, nội dung độc hại.

* Cảm ơn luật sư. 

Sơn Vinh (thực hiện)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • HoLy 07-10-2020 21:26:51

    Hình như clip sau gần với clip vừa bị phạt có xíu xíu. Thiệt báo chí đăng lên nhìn thấy cái miệng họ cười mà mình buồn nôn. Buồn cho tương lai... Văn hóa nếp nhà gì nữa thể loại này tran ngập.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI