Trẻ đang học cách dối trá từ người lớn?

03/08/2023 - 15:08

PNO - Chúng ta “im miệng” để thủ thân. Chúng ta thỏa hiệp, chấp nhận những điều dối trá là một phần của cuộc sống.

Một giáo viên ở TPHCM hướng dẫn một học sinh lớp Mười tham gia cuộc thi Genius Olympiad và đoạt giải, sau đó bài thi này bị học sinh tố đạo văn. Sự việc làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc chúng ta dạy con trẻ thế nào khi chính người lớn đang tạo ra những môi trường dung dưỡng sự dối trá. Làm sao dạy con tôn trọng sự thật khi nói dối đang là cách trẻ tự vệ?

Càng lớn càng dễ chấp nhận dối trá?

Hôm trước, đội bóng lớp con tôi ở trường cấp III bị hụt 1 cầu thủ. Cậu bé tên H. bỏ thi đấu vì không chấp nhận việc lớp mượn 2 bạn trường khác vào “đá lậu”. Con tôi cũng khó chịu với điều này nhưng cháu chấp nhận vì đó là ý của tập thể. Thầy chủ nhiệm biết học trò của mình nghĩ gì nhưng làm ngơ.

Đây là một ví dụ về việc dối trá điển hình trong nhà trường. “Mượn gà” thi đấu, quay cóp tài liệu, nhìn bài, lấy đáp án trên mạng, dùng AI viết bài luận… có vẻ như phổ biến tới mức việc ai đó kiên quyết nói không, thể hiện thái độ bài trừ như cậu bé H. bỗng thành… của hiếm. 

Tôi biết, nếu ở độ tuổi nhỏ hơn, con tôi sẽ phản đối cái xấu quyết liệt như bạn nhưng càng lớn, cuộc sống càng dạy con “im miệng”. Thỉnh thoảng, con về nhà bức xúc chuyện nhóm bạn làm dự án sao chép trên mạng nên được điểm cao hoặc chuyện một bạn sống màu mè, ra vẻ mình tốt nhưng thực chất thì trái ngược… “Thật thà thường thua thiệt” - con bực bội nhận xét khi nhóm bạn “đạo” bài mạng cuối năm đều là học sinh giỏi, trong khi nhóm “thật thà” chật vật với danh hiệu tiên tiến.

Trước các tình huống của con, tôi thực sự bối rối, không biết bình luận sao cho không bị “hớ”. Một đứa trẻ 17 tuổi luôn “tố” người khác liệu có ổn trong tập thể? 

Chúng ta chấp nhận sự “im miệng” để thủ thân ấy từ nhà trường tới môi trường đi làm. Cuối cùng, chúng ta thỏa hiệp, chấp nhận những điều dối trá là một phần của cuộc sống.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vì đâu trẻ nói dối?

Việc nói dối của trẻ có thể gom về 3 nguyên nhân chính: nói dối vì trí tượng tưởng dẫn dắt; nói dối để đạt mục đích, lợi ích; nói dối do… thấy người khác nói dối. 

Ở nguyên nhân thứ nhất, tôi đã gặp nhiều bà mẹ lo lắng hỏi: “Liệu con tôi có bình thường không, sao nó bịa chuyện như thật?”. Thực tế, có những đứa trẻ sở hữu trí tưởng tượng phong phú. Chúng kể lại chuyện mà chúng tưởng tượng một cách ngây thơ và cam đoan điều đó có thật. Nếu vội gạt đi: “Con lại bịa chuyện rồi”, “Cháu nó nói dối đấy”, bạn sẽ gây tổn thương tâm lý cho trẻ.

Con gái 4 tuổi của tôi sau buổi đi học về kể rằng có một chú đi sát xe của mẹ và chạm tay vào người con. Thế nhưng tôi nghiêm khắc nhắc lại là cả quãng đường chở con, tôi không thấy chiếc xe máy nào đi gần; càng không có ai chạm tay vào con vì con ngồi ghế mây phía trước, gọn lỏn trong vòng tay tôi. Tôi thử dò hỏi: “Con nghe từ chuyện của ai đó trên ti vi phải không?…”, con liền vui vẻ cho biết đó là chuyện một bé gái bị quấy rối con nghe từ các cô bảo mẫu ở trường.

Một số tài liệu nói trường hợp nói dối do tưởng tượng thường xảy ra ở giai đoạn trẻ từ 3-6 tuổi. Do trí óc trẻ phát triển mạnh ở độ tuổi này, cộng thêm việc các bé nghe, đọc, xem phim, lướt mạng nhiều… nên thêu dệt thành câu chuyện của riêng mình. Chỉ cần cha mẹ, thầy cô vừa khéo léo vừa nhẫn nại uốn nắn, đứa trẻ sẽ từ từ phân biệt được thế giới tưởng tượng và thế giới thực. Tới một lúc, trẻ sẽ hiểu cuộc đời bên ngoài không phải thế giới cổ tích mẹ kể lúc đi ngủ.

Nếu xem xét nguyên nhân thứ hai - trẻ nói dối để đạt mục đích nào đó, giả sử như mục đích tự vệ - ta thử nhớ lại quá khứ của chính mình xem vì sao chúng ta bắt đầu nói dối. Có phải vì sợ đòn roi của cha mẹ, thầy cô; vì sợ bạn bè “bo xì” hoặc sợ bị coi thường hay vì lý do nào đó mà chúng ta mong muốn mọi thứ tốt đẹp hơn nên đã bịa chuyện?

- Bin, con lại làm vỡ cái ly mắc tiền của mẹ rồi.

- Con đâu biết, hồi nãy có con mèo nhảy qua. Đúng rồi, con mèo đó mẹ!

Đứa trẻ nói dối, đổ cho con mèo vì nó sợ cơn thịnh nộ của mẹ. Nó nói dối để được an toàn. 1-2 lần thấy hiệu quả, trong đứa trẻ sẽ hình thành cơ chế tự bảo vệ. Khi gặp tình huống bất lợi, nó nói dối để giảm tránh lỗi lầm, để không bị mẹ la mắng, để không bị cơn tiếc tiền tiếc của mẹ đổ lên đầu.

Như vậy, việc người mẹ “truy hỏi” chính là nguyên nhân dồn ép khiến trẻ nói dối. Nếu người mẹ nói: “Ồ, vỡ cái ly quý rồi nhưng không sao, chúng ta sẽ mua cái mới. Con cẩn thận kẻo đứt chân, chờ xíu mẹ dọn sạch giúp con nhé” thì kết quả sẽ khác.

Anh mang tính minh họa - Shutterstock
Anh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi người mẹ không tập trung “truy tìm thủ phạm”, đứa trẻ sẽ không tập trung vào thủ phạm gây bể ly nữa. Nó có thể lập tức nói: “Xin lỗi mẹ, con đã không cẩn thận. Lần sau, con hứa cẩn thận. Bây giờ, con sẽ dọn cùng mẹ” và thế là trẻ tránh được một tình huống phải nói dối, người mẹ cũng không phải vất vả truy tìm thủ phạm.

Ở nguyên nhân thứ ba - lớn lên trong môi trường dối trá - tôi từng gặp nhiều đứa trẻ nói dối mặt không biến sắc, do trẻ thấy việc nói dối là… bình thường.

Hồi cuối năm học, con gái đang học tiểu học của tôi bị giáo viên phàn nàn chậm hoàn thành bài tập mỹ thuật. Tôi hỏi con thì con nói nhiều bạn đem bài về nhà, được cha mẹ giúp nên làm rất nhanh, rất đẹp. Con cho biết, các cuộc thi kế hoạch nhỏ cũng là cha mẹ giúp nhưng học sinh đạt thành tích tốt lại được tuyên dương. Những chuyện xảy ra ở lớp, cô giáo cấm các con về nhà kể lại với cha mẹ.

Ở lớp có tai nạn, có bắt nạt, có cho vay tiền lãi cao… nhưng cha mẹ hỏi, con vẫn nói dối “không có gì đâu” theo lời cô dặn.

Kỹ năng khơi gợi, giúp trẻ dũng cảm “phê và tự phê”, các trường sư phạm đều dạy nhưng không phải giáo viên nào cũng muốn thực hiện hoặc kiên nhẫn áp dụng. Vì thế, ngoài gia đình, một trong những nơi trẻ nói dối nhiều là lớp học. 

Với các câu hỏi: “Ai vẽ bậy lên bảng?”, “Ai ném đống rác này ra đây?”…, học sinh tuổi ngây thơ sẽ nhanh chóng nói tên bạn vi phạm nhưng học sinh lớp lớn hơn sẽ nói “không biết” để tránh sự trả thù hoặc ác cảm của “thủ phạm”.

Gần đây, tôi đọc được khá nhiều bài viết trên mạng bài trừ cách dạy con bằng “mẹo”, “chiêu”. Các tác giả phê phán việc đưa những câu chuyện Trạng vào chương trình phổ thông vì có thể giúp trẻ ứng phó linh hoạt nhưng mặt khác lại gián tiếp dạy trẻ tính lươn lẹo, trí trá. 

Tôi nhớ trong các sách kỹ năng chăm sóc trẻ bệnh, bác sĩ và chuyên gia tâm lý luôn nhắc cha mẹ tuyệt đối không nhét viên thuốc đắng vào trái chuối, cũng như không dụ trẻ “thuốc này rất ngọt” bởi khi trẻ bị sốc vì đắng, chúng sẽ hờn giận vì bị lừa dối. Từ bị lừa dối, chúng có thể suy diễn rằng đó là điều được phép và học theo. 

Ví dụ trẻ từng nghe mẹ gọi điện thoại nói dối rằng nhà có việc bận để nghỉ làm, nói dối rằng con bị bệnh nhưng thực chất là cho con nghỉ học để đi du lịch; nói dối với người bán hàng về việc từng mua món đồ giá thấp hơn để mặc cả… Nghe - chấp nhận - bắt chước là một tiến trình của tâm lý nếu trẻ không được ngăn cản, dạy dỗ, hướng dẫn sửa chữa.

Sai đâu phải sửa đó, phải can thiệp sớm và dứt khoát làm đứt gãy tiến trình kia. Hãy kiên trì ngày qua ngày phân tích cho con hiểu rằng các bài điểm cao thực ra là bài làm của cha mẹ; thành tích kế hoạch nhỏ thực ra là thành tích của người lớn cũng như việc đội bóng của lớp “thuê gà” thì đó là sự gian lận… Mà sự gian lận thì luôn giống cái kim trong bọc, sớm muộn sẽ có ngày lòi ra. 

Trong các buổi “sinh hoạt nghiệp vụ” ở nhà tôi liên quan đề tài nói dối, tôi hay kể đi kể lại truyện ngụ ngôn Cậu bé chăn cừu. Vì lừa dối dân làng việc sói đến bắt cừu, cậu bé làm mất lòng tin nơi mọi người. Khi sói đến thật, cậu hô hoán nhờ giúp nhưng chẳng ai buồn chạy tới nữa.

Để trẻ không dối trá, chúng ta buộc phải dạy con tôn trọng sự thật, học cách chấp nhận mọi việc đúng như vốn có, dạy con dũng cảm nhận lỗi nếu sai, dù việc ấy có khó thế nào… Hơn tất cả, chính người lớn phải là tấm gương trung thực mới mong dạy được trẻ những điều trên. 

Châu Giang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI