Trầu cay nguôi nỗi nhớ thương chồng

17/02/2023 - 15:30

PNO - "Ăn trầu từ hồi chưa đầy 30 tuổi, giờ bà đã ăn trầu năm mươi mấy năm rồi. Không ăn đâu được, buồn sao chịu nổi, con ơi".

Hình ảnh bà già têm trầu tưởng đã chìm trong cổ tích, trong câu ca dao xưa hay chỉ được tái hiện trên màn ảnh, sân khấu “năm một ngàn chín trăm hồi đó”. Thế nhưng khi về thăm quê hương Đồng Khởi những ngày đầu xuân Quý Mão, tôi chợt nao lòng khi tận mắt nhìn cụ bà ngoáy trầu bên hiên, bỏm bẻm môi hồng, đưa mắt nhìn dòng người du xuân tấp nập.

Tôi càng ấn tượng khi bà vừa ăn trầu, vừa hăm hở trò chuyện qua màn hình điện thoại thông minh với người quen, các con cháu ở xa gọi về mừng tuổi. Xưa và nay, già và trẻ, truyền thống và hiện đại hội tụ bên cơi trầu nhỏ.

Bà Lê Thị Vị say mê tận hưởng hương trầu cay
Bà Lê Thị Vị say mê tận hưởng hương trầu cay

Bà Lê Thị Vị (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) vừa tỉ mẩn quệt vôi têm trầu vừa nói: “Giờ hiếm còn ai ăn trầu. Hồi xưa nhiều bà gom lại ăn trầu vui lắm. Mấy bả giờ bỏ bà đi hết rồi. Năm nay bà 84 tuổi. Ăn trầu từ hồi chưa đầy 30 tuổi, giờ bà đã ăn trầu năm mươi mấy năm rồi. Không ăn đâu được, buồn sao chịu nổi, con ơi”.

Về làm dâu ở tuổi 19, bà Vị đã thấy mẹ chồng ăn trầu. Từ nhỏ, thấy ai ăn trầu bà cứ sợ sợ. Sợ nhưng bà lại tò mò, rón rén xem mẹ chồng bổ cau, chọn trầu. Mẹ chồng chỉ bảo “lá trầu già quá bị hôi, còn non quá thì bị chảy nhiều nước khi nhai” rồi kêu bà Vị ăn thử cho thơm miệng, chắc răng. Mấy lần quệt vôi quá nhiều vì chưa có kinh nghiệm, bà bị bỏng miệng mà không dám than.

Những khi sinh con, bà Vị lại được mẹ ruột và mẹ chồng têm trầu ăn cho ấm người. Riết quen, đi đâu bà cũng lận theo bọc trầu cau. Đi làm ruộng về, bà sà xuống vừa lấy trầu ra nhai, vừa cho con bú. 

Dù rủ rê bà cùng ăn, nhưng khi thấy bà bắt bén, mẹ chồng rầy: “Mày ăn riết như hạm vậy. Còn trẻ mà ăn trầu chi con”. Về phần chồng bà thì luôn cự tuyệt nên khi ăn trầu, bà phải ăn lén, đem bọc trầu giấu trong đống cây, ống tre. Vậy mà ông vẫn đánh hơi được rồi lấy liệng xuống mương. Bà thèm nhớ trầu nên hờn dỗi chồng: “Sao lại liệng của tui? Lát ăn cơm xong, không có trầu để ăn chắc chết”. 

10 năm nghĩa vợ tình chồng, ông bà không chung sống được bao lâu vì chiến tranh ly cách. Ông tham gia cách mạng, mỗi khi đi công tác, ông lại nói với bà là đi… “đám giỗ”. Sáng cũng giỗ, khuya cũng giỗ, rồi ông đi “đám giỗ” tới tận Campuchia. Bà lặn lội thăm ông, lần nào cũng bị ông liệng bọc trầu và lần nào về, bà cũng… ốm nghén.

Ông hy sinh ở tuổi 32, bà chỉ mới 29 với 2 con trai, 1 gái. Buồn nhớ ông, bà càng tìm quên trong hương trầu. Màu đỏ son của trầu - cau - vôi khi quyện vào nhau như tình thắm của ông bà, chưa một lần cãi vã, ngoài là hờn dỗi chuyện bọc trầu cau ông quăng, bà tiếc.

Dĩa trầu cau đơn sơ do bà Vị têm
Dĩa trầu cau đơn sơ do bà Vị têm

Những chiều mưa, ngồi ôm con bên hiên nơi tiễn đưa ông, bà nhai trầu như để cố ngăn dòng nước mắt. Mỗi lần bà lên đơn vị thăm, ông đều cầm tay dặn dò: “Em về ráng nuôi con. Mai này hòa bình, anh về mua chiếc xuồng rồi vợ chồng mình sống đời gạo chợ nước sông”. 55 năm trôi qua, hơi bàn tay còn ấm, lời ông còn vang vọng, bà có quên được đâu. 

Một nách 3 con, bà tảo tần hôm sớm, không có thời gian để ngồi ăn trầu và đàm đạo với các bà già trầu cạnh nhà. Bà cứ têm trầu, vừa nhai vừa làm công chuyện: giã gạo, quét sân, đi cấy, phơi thuốc lá…

Bà có biệt tài mò cá tôm. Cứ canh nước ròng xuống nửa sông là bà lại ôm trái bầu khô, rỗng ruột (dùng để đựng tôm cá), trầm mình mò bắt cá bằng tay không. Bất kể sớm khuya, bất kể nắng gắt hay mưa giông, nghề mò cá tôm của bà cứ xoay vần theo con nước. Mỗi buổi bà kiếm được mấy ký tôm cá, bán lấy tiền mua gạo, nuôi con. 

Ngâm mình dưới sông hàng giờ, bà vẫn không lạnh vì có mang theo “bửu bối” là bọc trầu cau được vấn khăn gọn gàng trên đỉnh đầu cho khỏi ướt. Có trầu, bà ấm, bà vui và thêm động lực để thay chồng gồng gánh đàn con thơ. 

Vào ngày tết, giỗ, bà Vị luôn nhắc con cháu mua trầu để bà têm cúng. Trang trí đơn sơ chỉ là một dĩa bày vài miếng cau, thuốc lá ở giữa, vài lá trầu đã quệt vôi được xếp xung quanh. Cứ để trên bàn thờ, cúng đến héo lá thì bà lấy xuống ăn. 

Lại ngoáy trầu ăn cho đỡ buồn miệng, bà tươi cười nói: “Ăn trầu chỉ là nhai nhai rồi nhả bã trầu chứ có nuốt gì đâu mà ngưng ăn thì ghiền, thì nhớ. Chắc là ghiền nhai, ghiền mùi thơm. Mà thời nay ăn trầu tốn tiền lắm con. Trầu cũng phải mua, thuốc xỉa cũng phải mua”.

Giàn trầu nhà bà đã chết rụi sau đợt nước mặn vài năm trước. Cứ khoảng 1 tuần, con cháu lại đến tận vườn của một bà già trầu khác để mua về cho bà ăn. Các con cháu chọc ghẹo: “Bà sao mà ăn hao quá!”. Nhưng thấy trầu gần vơi, con cháu lại mua về, không đợi bà nhắc. Các con cháu chỉ mua khoảng 20.000 đồng, không mua nhiều, sợ để quá tuần, trầu sẽ héo, hết ngon.

Cau thì có người quen cho cả buồng. Bà rất thích ăn cau tươi, nhưng nếu có quá nhiều thì phải bổ ra, phơi khô, để dành ăn dần. Trong xóm có đám cưới là thế nào bà cũng sẽ được tặng trầu cau vì ngoài bà, đâu còn ai biết thưởng thức “món quen mà lạ” này nữa.

Bầu bạn hơn nửa thế kỷ, bà vịn vào hương trầu để vững vàng qua bao biến cố gia đình, mất mát người thân, giờ là niềm vui của bà trong buổi hoàng hôn của đời người. 

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI