Trao đi mầm sống từ phôi thai đông lạnh

29/11/2022 - 06:31

PNO - Mới đây, một cặp vợ chồng tại Mỹ chào đón cặp sinh đôi khỏe mạnh nhờ phôi thai hiến tặng được đông lạnh từ 30 năm trước. Thực tế, sau khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm (IVF), các cặp đôi thường dư ra một số phôi thai. Họ có thể quyết định hiến tặng chúng để mang lại điều kỳ diệu cho người khác.

Điều kỳ diệu từ 30 năm trước

Rachel Ridgeway và chồng cô - Philip, vô cùng thích thú khi biết cả hai chỉ lớn hơn vài tuổi (về mặt kỹ thuật) so với những đứa trẻ sơ sinh của mình. Cặp sinh đôi một trai và một gái của họ - Timothy và Lydia - từ phôi thai được đông lạnh vào tháng 4/1992, chào đời hôm 31/10/2022. Đó có thể là những phôi thai được đông lạnh lâu nhất từng được sử dụng thành công - theo dữ liệu từ Trung tâm Hiến phôi quốc gia Mỹ (NEDC). NEDC được thành lập vào năm 2002 như một cách giúp mọi người bắt đầu hoặc mở rộng thêm gia đình của họ. 

Gia đình Ridgeway chào đón cặp song sinh khỏe mạnh nhờ phôi thai đông lạnh từ Trung tâm Hiến phôi quốc gia Mỹ - Ảnh: Insider 
Gia đình Ridgeway chào đón cặp song sinh khỏe mạnh nhờ phôi thai đông lạnh từ Trung tâm Hiến phôi quốc gia Mỹ - Ảnh: Insider 

Philip chia sẻ: “Thật kinh ngạc khi nghĩ về điều kỳ diệu này”. Vợ chồng Ridgeway nói rằng họ không quan tâm liệu những phôi thai 30 tuổi có được coi là hoàn hảo hay không. Trường hợp giữ kỷ lục phôi thai đông lạnh lâu nhất được biết đến trước đó là bé Molly Gibson, sinh năm 2020 từ một phôi thai đã được đông lạnh trong gần 27 năm. Molly đón nhận kỷ lục được chuyển giao từ chị gái Emma, đứa trẻ sinh ra từ phôi thai đông lạnh 24 năm. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) theo dõi tỉ lệ thành công và dữ liệu xung quanh các công nghệ sinh sản, cơ quan này không theo dõi thời gian phôi được đông lạnh. Vì vậy, cũng có thể một phôi đông lạnh lâu hơn từng được sử dụng trước đây. 

Cha mẹ ruột của cặp sinh đôi nhà Ridgeway, những người giấu tên, đã hiến số phôi còn sót lại của họ sau khi trải qua quá trình IVF. Chúng được lưu trữ trong ni-tơ lỏng cùng với hàng ngàn phôi khác. Khi một cặp đôi trải qua quá trình IVF, họ có thể tạo ra nhiều phôi hơn số cần dùng. Phôi thừa có thể được bảo quản lạnh để tiếp tục sử dụng trong tương lai, nếu họ muốn có thêm con. Các chuyên gia cho biết, có khoảng 80% tỉ lệ sống sót khi rã đông phôi đông lạnh. 

Ở Mỹ, quy trình chuyển phôi đông lạnh vào tử cung (FET) rẻ hơn đáng kể so với chu trình cấy phôi mới bằng IVF. Chi phí FET trung bình là 2.500 USD, rẻ hơn khoảng 10.000 USD so với ca IVF thông thường. Ngoài ra, mức căng thẳng về thể chất và tinh thần do FET đem đến cũng thấp hơn so với việc trải qua một chu trình IVF đầy đủ thêm lần nữa. 

Món quà quý giá cho người hiếm muộn

Nếu không có nhu cầu sinh thêm con, cặp đôi cũng có thể lựa chọn tặng phôi chưa sử dụng cho một cặp vợ chồng hiếm muộn khác. Điều này đôi khi được gọi là “nhận con nuôi” bằng phôi. Giống như bất kỳ hoạt động hiến tặng mô người nào khác tại Mỹ, phôi phải đáp ứng một số hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), bao gồm cả việc kiểm tra các bệnh truyền nhiễm. 

Cặp vợ chồng nhận phôi không phải trả bất kỳ khoản thanh toán tài chính nào cho phôi được hiến tặng, ngoài một số phí cho quy trình hiến phôi. Việc hiến phôi có thể được xử lý thông qua một cơ quan hoặc phòng khám hỗ trợ sinh sản địa phương. Riêng các cơ quan có thể cung cấp cho người hiến tặng thông tin chi tiết hơn về người sẽ nhận phôi.

Một lựa chọn khả thi khác là tặng phôi còn dư cho nghiên cứu khoa học hoặc công tác đào tạo y khoa. Cặp đôi có thể yên tâm rằng phôi hiến tặng cho khoa học sẽ không phát triển thành trẻ sơ sinh, bởi chúng sẽ bị tiêu hủy trong quá trình nghiên cứu. Thông qua sự hy sinh này, lượng kiến thức thu được có thể mang lại cho người khác một cơ hội mới trong cuộc sống. Cuối cùng, cặp đôi cũng có thể yêu cầu phòng khám rã đông và tiêu hủy phôi nếu không còn nhu cầu sử dụng.

Câu hỏi thường khiến mọi người quan tâm là liệu những em bé sinh ra từ phôi đông lạnh có khỏe mạnh không? Một nghiên cứu công bố năm 2012, được thực hiện bởi Hiệp hội Sản khoa Anh - với 384 trẻ sinh ra từ phôi tươi và 108 trẻ sinh ra từ chuyển phôi đông lạnh - chỉ ra rằng, trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh có thời gian mang thai dài hơn và nặng cân hơn, trung bình khoảng 253 gram so với những trẻ được sinh ra từ phôi tươi. Trong khi đó, một nghiên cứu lớn ở Bắc Âu vào năm 2022 - được công bố trên tạp chí PLOS Medicine - cho thấy, trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 1,6-1,7 lần so với trẻ sinh ra nhờ phôi tươi và thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, tỉ lệ chỉ cho thấy 2/1.000 trẻ sinh ra nhờ phôi đông lạnh sẽ bị ung thư, không lệch nhiều so với mức nguy cơ 1,5/1.000 ở nhóm trẻ còn lại. Do vậy, các bậc cha mẹ vẫn có thể an tâm khi sử dụng phôi đông lạnh đã qua kiểm tra nguy cơ di truyền và bệnh truyền nhiễm. 

Linh La (theo CNN, Euro News, Insider, Harvard Health)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI