Tranh luận về giới khi bé trai ở Trung Quốc mặc váy đến trường

17/07/2021 - 14:57

PNO - Các chuyên gia cho rằng bản dạng giới là một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều ở Trung Quốc, và vẫn còn nhiều người cho rằng nhận diện về giới khác với truyền thống là một quan niệm “du nhập từ phương Tây”.

Một cậu bé mặc váy đi học đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về bản dạng giới - Ảnh: AP
Một cậu bé mặc váy đi học đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về bản dạng giới - Ảnh: AP

Khi một cậu bé 7 tuổi nói rằng em muốn mặc váy đến trường "vì nó thoáng và đẹp", cha mẹ của em đã không quá bất ngờ. Họ đi đến trung tâm mua sắm cùng con trai và cậu bé chọn một chiếc váy màu xanh dương.

Nhưng khi người cha viết về trải nghiệm này trên mạng xã hội, nó đã làm dấy lên một cuộc thảo luận về giáo dục phân biệt giới tính ở Trung Quốc.

Người cha, một người Bắc Kinh 31 tuổi, xưng tên là Haixing, tháng trước đã viết trên trang web hỏi đáp Zhihu (Tri hô) về trải nghiệm của con trai mình. “Vợ tôi và tôi đã sẵn sàng đối diện với câu chuyện ngày hôm nay và ngưỡng mộ lòng dũng cảm của con trai vì nó biết con gái mặc váy”, người cha viết.

Nhưng khi con trai của họ bước vào cổng trường, cậu bé đã bị nhân viên bảo vệ và một số giáo viên ngạc nhiên chỉ trỏ: “Đó không phải là… váy sao?”

Về nhà sau buổi học, cậu bé đã khóc. Cậu nói rằng một số bạn cùng lớp trêu chọc, nhưng cậu không bận tâm, điều cậu thực sự buồn lòng là việc một cậu bé khác vén váy lên xem.

Đến chiều, một giáo viên đã công khai chỉ trích cậu bé mặc váy trong giờ học bằng tuyên ngôn - "Một cậu bé cần phải giống như một cậu bé, chúng không mặc váy”. Một vài nữ sinh trong lớp đứng lên nói con trai có quyền tự do mặc váy và ngược lại, nhưng giáo viên vặn lại “đó là ở Mỹ, ở Trung Quốc không có "thứ tự do" như vậy”.

Bài đăng trên Zhihu gây tranh cãi trên toàn quốc. Trong khi một số người ca ngợi cha mẹ vì sự cởi mở và sẵn sàng phá bỏ định kiến, những người khác lại công kích người cha và nói rằng ông đã cởi mở “thái quá”. Một người viết trên Zhihu: "Bạn đang sử dụng con trai mình như một công cụ". Những người khác gọi người cha là ngu dốt và nói rằng "tự do" cần phải được hạn chế lại.

Cui Le, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục và Công tác xã hội của Đại học Auckland (New Zealand), một chuyên gia về giới tính và giáo dục, cho biết nhận thức của công chúng về bài đăng phản ánh mức độ gây tranh cãi lớn về giáo dục giới tính ở Trung Quốc.

“Trái ngược hoàn toàn với cách giáo dục tôn trọng tính đa dạng của người cha, cậu trẻ đã gặp phải đủ loại áp lực ở trường, bao gồm chỉ trích của nhiều giáo viên, chất vấn từ nhân viên bảo vệ, sự chế nhạo và bắt nạt từ bạn học cùng lớp”, anh nói, và nhận định: “Những trở ngại này cho thấy ở các trường học của Trung Quốc, quy chuẩn giới tính truyền thống vẫn giữ vị trí thống trị”.

Những người không thuộc xu hướng “chính thống” vẫn khó thể hiện bản thân, và các cơ quan chức năng vẫn thiếu nhận thức về giới và điều này làm dấy lên lo ngại về trải nghiệm của học sinh là người đồng tính, song tính, chuyển giới và bản dạng giới khác biệt (LGBT), đặc biệt là những người chuyển giới ở trường.

Mới tuần trước, hàng chục tài khoản WeChat của những người LGBT đã bị đóng cửa trong một động thái chưa từng có tiền lệ, nhưng được nhiều người hoan nghênh và tán thưởng. Lý do của họ bao gồm những dòng kỳ thị đồng tính như "bạn có thể là người đồng tính, nhưng xin đừng ảnh hưởng đến giới trẻ của chúng ta" và "đó không phải là điều gì đáng tự hào, nếu tôi bị tật nguyền, liệu tôi có xuống đường diễu hành để quảng cáo cho việc này?”.

Ở phương Tây, giáo dục giới tính ngày càng có nhiều sự đồng thuận hơn trong việc áp dụng tư duy phản biện đối với “các chuẩn mực giới tính nhị phân” về việc phá bỏ định kiến ​​giới và tôn trọng tính đa dạng về giới, Cui nói.

Ông giải thích: “Ví dụ, ở New Zealand, giáo dục giới tính quy định rằng các trường học phải cung cấp đồng phục phân biệt giới tính và học sinh có thể chọn đồng phục và phòng tắm dựa trên ý chí tự do và bản dạng giới của họ, và giáo viên nên tránh các biểu hiện “phân đôi giới tính” trong giảng dạy, chẳng hạn như phân chia học sinh thành “nam và nữ”.

Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục vẫn bị chi phối bởi những quan điểm theo chuẩn mực giới tính truyền thống, đặc biệt là ở cấp độ chính thức.

Hồi tháng 2, một tài liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc nói rằng các lớp học thể dục sẽ được cải tổ để làm cho các nam sinh Trung Quốc trở nên "nam tính hơn". Đó là một động thái nhằm đáp lại những bình luận từ các cố vấn chính trị rằng đàn ông Trung Quốc đã trở nên "yếu đuối, hèn nhát và nữ tính".

“Rõ ràng là còn một chặng đường dài trước khi sự đa dạng và bình đẳng giới có thể được chấp nhận và thực hành trong lĩnh vực giáo dục ở Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Cui nói.

Quế Lâm (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI