Trang và những ngày “không sợ sống”

21/04/2023 - 10:02

PNO - "Đừng để trước khi chết vì ung thư, ta đã không còn sống nữa vì mỗi ngày đi qua với tràn ngập sự sợ hãi”.

“Chị thấy đấy, tôi vẫn xinh!” là câu nói đầu tiên của Thùy Trang ở cuộc gặp của chúng tôi.

Mà Trang xinh thật. Điểm vốn hút người đối diện nơi cô là nụ cười. Nụ cười đó vẫn làm sáng bừng không gian như đã từng, dù cô vừa đi qua chặng đường hơn 3 năm cận kề cửa tử, kể từ ngày phát hiện mình bị ung thư vú. 

xfngfhh
Trang luôn xinh tươi với nụ cười bừng sáng

1. Đó là một buổi khám sức khỏe định kỳ hằng năm của Báo Người Lao Động - nơi Trang công tác đã 20 năm với công việc của một phóng viên mảng giải trí.

Vẫn như năm trước hay năm trước nữa, cô cẩn thận đăng ký tầm soát mọi thứ, nhất là ung thư vú. Chỉ khác là lần này, sau khi siêu âm, bác sĩ đề nghị cô đi khám chuyên sâu hơn và “nên đi liền”. Cô đi liền, ngay trong hôm ấy, dù vẫn tin nó chỉ là một mô mỡ hay khối u lành tính nhỏ xíu nào đó. Nhưng, bác sĩ của Bệnh viện Ung Bướu đã cho cô một kết quả khác.

Trang nói, 40 năm sống trên đời cho đến thời điểm nhận kết quả đầu tiên ấy, cô luôn thấy mình là người may mắn. Cô có căn hộ riêng, có công việc tốt và thu nhập ổn định. Cuộc sống cô không nhiều bất trắc. Nó diễn ra theo cách cô chấp nhận nó như điều vốn dĩ: có kẻ thương, có người ghét, đôi khi có điều không như ý nhưng không ít chuyện hài lòng.

Khi 2 từ “ác tính” trên kết quả xét nghiệm đập vào mắt, cô khóc, hoảng loạn cùng câu hỏi “tại sao lại là mình?”. Vậy nhưng, sau giây phút đó, một lần nữa cô cảm thấy mình may mắn. “Vì tôi chưa có gia đình, chưa có con. Thật may là số người thân đau đớn vì tôi cũng ít hơn một chút. Tôi cũng không để lại trên đời đứa trẻ bơ vơ nào trong trường hợp lỡ tôi ra đi…” - cô nói. 

Cô đã chọn đối diện, nói đúng hơn là chiến đấu với ung thư theo cách tỉnh táo nhất. Cô không đến cơ sở y tế khác kiểm tra lần nữa hầu mong tìm điều may trong khả năng sai sót của máy móc như bao nhiêu người từng nhận kết quả ung thư. Cô cũng không mảy may nghĩ đến việc tìm thuốc nam như một vài người khuyên. Cô ngay lập tức, đồng ý cắt bỏ ngực phải, nơi có khối u như bác sĩ đề nghị.

“Cũng có người hỏi tôi tại sao, vì hầu như ai cũng đi tìm phép màu trong một lần xét nghiệm khác ở một bệnh viện khác, thậm chí họ kiểm tra lần 3, lần 4... Tuy nhiên, tôi không muốn mất thời gian. Các tế bào ung thư sẽ phát triển từng ngày, tôi không muốn cho chúng cơ hội đó” - Trang nói.

Không chỉ thế, cô đề nghị cắt bỏ cả ngực trái dù chưa dấu hiệu nào cho thấy khối u cũng có thể xuất hiện ở đó. Bác sĩ bảo có lẽ cô cần thêm thời gian để cân nhắc về quyết định này nhưng cô từ chối.

Cắt bỏ cả hai không có nghĩa là ung thư sẽ không đến nữa nhưng cô đã hạn chế thấp nhất khả năng “gặp lại” ung thư vú trong đời mình, như điều minh tinh Angelina Jolie đã làm: cắt bỏ toàn bộ mô vú có khả năng mang mầm ung thư - căn bệnh từng cướp đi tính mạng của mẹ nữ diễn viên. 


2. Ung thư, chỉ 2 chữ đó đủ để người ta hình dung về những ngày đầy nước mắt. Khóc vì có quá nhiều điều mình chưa kịp làm và giờ có thể không còn cơ hội làm, khóc vì cơ thể đau đớn sau mỗi đợt hóa trị và khóc vì nhìn thấy người thân tan nát khi chứng kiến sự đau đớn của mình. Trang cũng thế. Cô còn quá nhiều điều chưa làm, cho chính mình và cho người thân.

Cơ thể cô nhận những cơn đau như thể cái đau của cả đời gộp lại mỗi khi vô thuốc nhưng điều làm cô đau nhất vẫn là hình ảnh mẹ cô sụp xuống khi cô báo tin mình có khối u ác tính. Kể từ ngày đó, dáng đi của bà liêu xiêu hơn. 

Cô quyết định bước vào phòng phẫu thuật một mình, không cho ai trong gia đình hay, khấn cầu ơn trên hãy ở bên mình khi băng ca được đẩy đi. Cô không muốn hình ảnh cuối cùng cô nhìn thấy trước khi mất ý thức vì thuốc mê là gương mặt cố kìm nén tuyệt vọng của một ai đó, đặc biệt là mẹ.

Vậy mà, người mẹ ấy, bằng linh tính nào đó, khi gọi mãi cho con gái mà không ai bắt máy, đã tìm đến bệnh viện và nhìn thấy tên cô trên bảng điện tử chạy tên những người phẫu thuật. 

Trước và sau 8 tiếng cô chìm vào giấc ngủ của thuốc mê với chi chít vết kim tiêm trên người là 2 quãng đời thật khác. Từ một người đến vết mụn trên mặt hay đuôi tóc xơ rối cũng làm cô mất ngủ, giờ cô chứng kiến tóc mình rụng thành nắm và sau đó là cái đầu trọc lóc.

Từ một người không bao giờ chịu nổi việc thiếu vận động, giờ chỉ vài bước chân trong khuôn viên bệnh viện, cô cũng không thể. “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên được cảm giác bất lực khi đưa tay lên cài nút áo mà không được” - Trang nhớ lại.

Chưa kể, ung thư đến với cô khi COVID-19 bắt đầu hoành hành. Dịch bệnh đã mang đi cả những thanh niên khỏe mạnh, trong khi kháng thể của cô gần như bằng 0. 

Có những khi Trang
Có những khi Trang không thể đưa tay cài nút áo 

Nhưng rồi cô đã đi qua. Cô trở thành chuyên gia dinh dưỡng cho chính mình, từ uống gì để đủ chỉ số máu cho đợt hóa trị tiếp theo, ăn gì để đừng “nuôi” tế bào ung thư. Cô lý tính và tỉnh táo đến không tưởng, tuân theo phác đồ điều trị một cách tuyệt đối. Những chiếc áo vừa khít trước đây giờ cũng gây ra đau đớn khi chỉ cọ nhẹ vào da, không sao cả, cô chọn áo rộng hơn để mặc.

Sau này, khi đã dần dần hồi phục, cô vẫn phải từ bỏ các hoạt động thể lực như gym, tennis… vì không thể dùng lực tay. Cũng không sao, cô chọn học bơi với sức mạnh dồn vào đôi chân là chính… Thay vì lãng phí thời gian vào việc buồn bã với những thứ bị tước bỏ, cô tìm những điều mình có thể nắm lấy. 

Trang đã khiến ung thư dần lùi bước.

 

3. Giờ thì mọi sinh hoạt của Trang đã gần như quay về như trước khi có bệnh, trừ việc cô phải theo dõi sức khỏe định kỳ theo lịch của bác sĩ. Trang nói, bây giờ, điều cô thích nhất là sờ lên tóc mình. Chúng vẫn còn ngắn ngủn nhưng là những cọng tóc chưa hề tiếp xúc với thuốc nhuộm, uốn… Chúng được tái tạo cuộc đời mới nên nguyên sơ, mềm và êm như nhung. Cô cũng không còn để tâm trên mặt mình có đốm tàn nhang nào không, mình đang nặng bao nhiêu, người khác đang nhìn mình như thế nào… 

vdfdgnfgh
Trang thích mái tóc của mình hiện tại

Cô không có cuộc đời mới hoàn toàn nguyên sơ như tóc nhưng hành trình sống của cô đã mới mẻ hoàn toàn. Điều đầu tiên cô làm sau khi hồi phục là xin nghỉ việc không lương vài tháng để sang Cebu (Philippines) học tiếng Anh. Chẳng vì mục tiêu hay tham vọng nào cả, chỉ đơn giản là từ nhiều năm trước, cô đã muốn mình có thể giao tiếp với nhiều người trên thế giới và đây là lúc cô thực hiện ước muốn đó. Cô muốn thật sự sống cho bản thân. 

Sau khóa học và chuyến du lịch Mỹ, cô bắt tay làm điều tiếp theo, cũng là thứ cô đã muốn làm từ rất lâu: giúp đỡ những bệnh nhi khó khăn. Cô chọn viết lại hành trình vừa qua của mình.

Tiền nhuận bút, bán sách sẽ được cô dành tặng cho những trẻ em bị ung thư ở Bệnh viện Ung Bướu. Nơi đó, cô đã có những khoảnh khắc đời sống thật đẹp, không chỉ trở thành động lực để đi qua nỗi đau của mình mà còn giúp cô nhận diện những ý nghĩa sống mà trước đó cô chưa từng thấy. Đó là đứa bé ngồi trên xe lăn với bình thuốc truyền lủng lẳng, đôi mắt trắng xóa vì hóa trị nhoẻn cười với cô ở hành lang bệnh viện; là người phụ nữ 40 tuổi từng là bệnh nhân ung thư vú giờ trở thành người chăm sóc bệnh nhân… 


“Thật ra, một lý do nữa để tôi quyết định kể lại hành trình của mình, là vì tôi biết có rất nhiều phụ nữ vì sợ chữ “ung thư” mà nấn ná, không dám đi kiểm tra dù cơ thể có dấu hiệu. Ung thư không phải là hết. Quan trọng hơn cả, đừng để trước khi chết vì ung thư, ta đã không còn sống nữa vì mỗi ngày đi qua với tràn ngập sự sợ hãi” - Trang chia sẻ. Cô nói, cuốn sách Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống không phải là một tác phẩm văn chương. Ở đó chỉ có một trải nghiệm thật, có sự yếu đuối và tự gào thét mình phải cố gắng mỗi ngày.

Đến giờ, trong ví Thùy Trang vẫn là căn cước công dân mà trong đó là chân dung cô với cái đầu trọc. Cô có thể làm lại căn cước mới với nhân diện hiện tại nhưng cô không muốn. Thật ra, lúc chụp ảnh để làm căn cước, người chụp đã đề nghị Trang đội tóc giả nhưng cô từ chối. Bức ảnh đó giữ lại những ngày tháng khốc liệt nhất của đời cô và cũng là ngày tháng cô nhận ra sức mạnh nội tại của mình.

- Chị thấy đấy, tôi vẫn xinh! - Trang lại nói và lại cười thật tươi. 

V.T.H.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI