TPHCM kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhiều vướng mắc

27/07/2022 - 14:39

PNO - Ngày 27/7, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn.

Với các vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội cần đề xuất kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, TPHCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm, thống nhất về chủ trương để TP phối hợp bộ ngành sớm tham mưu đề xuất trình Quốc hội xem xét.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc cụ thể của TPHCM - Ảnh: Hương Thảo.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc cụ thể của TPHCM - Ảnh: Hương Thảo.

Với các vướng mắc cụ thể của TPHCM thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TPHCM cũng nêu các đề xuất cụ thể. Điển hình như việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép UBND TPHCM được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Về quản lý nhà đất, TP kiến nghị Thủ tướng cho phép được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Đồng thời giao Bộ Tài chính sớm hướng dẫn TP thực hiện việc giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất 167 trên địa bàn, hướng dẫn TPHCM phương pháp xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê các tài sản trên.

TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đề xuất quỹ đất thanh toán các hợp đồng BT; bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế (khoảng 4.500 tỷ đồng) cho dự án 3 bệnh viện cửa ngõ của TP; bố trí bổ sung phần vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án tuyến đường sắt số 1…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trình Metro 1 vào sáng 27/7. TPHCM cũng kiến nghị được bố trí phần vốn ODA còn lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trình Metro 1 vào sáng 27/7 - Ảnh: Tam Nguyên

Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị quyết triển khai thực hiện đường vành đai 3 và bố trí vốn cho dự án này; chỉ đạo về quy mô đầu tư, hình thức đầu tư và thời gian thực hiện dự án đường vành đai 4. Dự án đường vành đai 4 có 2 dự án thành phần đi qua TPHCM và Long An có giá trị khối lượng giải phóng mặt bằng là trên 10.000 tỷ đồng, thẩm quyền thuộc Quốc hội. Do đó, TPHCM đề xuất giao cho một trong các địa phương hoặc Bộ Giao thông và Vận tải làm đầu mối chuẩn bị dự án này trình Quốc hội để đảm bảo đồng bộ và tiến độ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, TPHCM đang tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để trình Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho TPHCM. Theo đó, TPHCM chưa lường hết được những khó khăn, nhất là sau 1 năm thực hiện chính quyền đô thị tiếp tục bộc lộ một số vướng mắc. Từ đó, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho định hướng TPHCM xác định các cơ chế vượt trội để Trung ương xem xét cho phép TPHCM chủ động hơn trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách tài chính, tổ chức bộ máy…

Về đề xuất của TPHCM trong việc tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết quan điểm tiếp tục phân cấp mạnh cho TP theo quán triệt của Thủ tướng, trong đó cần nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP về biên chế công chức, viên chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý nên nghiên cứu chính sách đặc thù này theo hướng nhìn nhận thực tiễn rằng “dân số một phường của TPHCM có khi bằng một huyện ở tỉnh khác”. Cho nên cần nghiên cứu theo hướng tăng biên chế công chức, viên chức hoặc có cơ chế tăng lương, đãi ngộ để động viên công chức, biên chức làm việc.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI