TPHCM: Hơn 11.700 vụ án bị khởi tố, gần 5.000 phiên tòa được xét xử trực tuyến

24/07/2025 - 12:29

PNO - Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình tội phạm tại TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp, song các cơ quan tố tụng của thành phố đã nỗ lực đảm bảo an ninh chính trị, xét xử nghiêm minh, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tư pháp.

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND TPHCM Lê Văn Đông, từ đầu năm đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 11.785 vụ án với hơn 19.600 bị can. Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội chiếm tỷ lệ cao với 3.464 vụ, hơn 6.500 bị can. Tội phạm ma túy tiếp tục là vấn đề nhức nhối với 3.361 vụ, hơn 8.200 bị can.

- Ảnh: Ngọc Trăm
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 2 HĐND TPHCM khóa X (nhiệm kỳ 2021–2026) diễn ra sáng 24/7 - Ảnh: Ngọc Trăm

Tội phạm kinh tế, môi trường cũng gia tăng với gần 4.850 vụ. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã thụ lý và giải quyết hơn 13.600 nguồn tin tội phạm, trong đó khởi tố gần 6.900 vụ. Việc điều tra, truy tố được thực hiện thận trọng, đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

TAND TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Tòa án 2 cấp tại thành phố đã thụ lý hơn 106.000 vụ việc và giải quyết hơn 63.200 vụ. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng vụ việc tăng mạnh, cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với hệ thống tòa án.

Đáng chú ý, thành phố đã tổ chức 4.856 phiên tòa và phiên họp theo hình thức trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ trong xét xử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt trong các vụ án lớn như vụ Trương Mỹ Lan và sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Tòa án 2 cấp cũng đã ban hành hơn 16.400 quyết định thi hành án hình sự, xét giảm án cho hơn 3.200 bị án và tha tù trước thời hạn cho 50 người. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, đạt tỉ lệ giải quyết trên 81%.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, TAND TPHCM nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại như tỷ lệ hòa giải thành còn thấp ở một số đơn vị; án dân sự, hành chính giải quyết còn chậm do áp lực công việc.

Thời gian tới, tòa án 2 cấp sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tuân thủ nghiêm thời hạn tố tụng, hạn chế tối đa tình trạng án quá hạn do lỗi chủ quan.

Việc siết chặt kỷ luật, cải tiến quy trình làm việc, tiếp tục ứng dụng công nghệ sẽ là hướng đi trọng tâm nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công tâm, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Thanh Tâm - Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI