TPHCM: Bệnh viện lo thiếu thuốc bảo hiểm y tế

27/05/2022 - 06:26

PNO - Một số bệnh nhân đang điều trị ung thư, huyết học… phản ánh nhiều bệnh viện TPHCM đã hết thuốc đặc trị bảo hiểm y tế. Do vậy, người bệnh đang phải mua thuốc bên ngoài với giá cao.

Nhiều phương án tạm thời

Bệnh viện (BV) TP. Thủ Đức là một trong những BV có nhiều phản ánh của bệnh nhân về tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Đại diện BV cho biết: ngay sau giai đoạn giãn cách vì COVID-19, số bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám và điều trị tăng từ 80% đến hơn 100% so với giai đoạn dịch bùng phát.

Cụ thể, nếu trong tháng 8/2021, bệnh nhân BHYT khám ngoại trú chỉ 28.048 lượt thì đến tháng 4/2022, con số này đã tăng lên 75.459 lượt. Trong khi đó, gói thầu mua sắm thuốc năm 2020 - 2021 của BV đã kết thúc vào ngày 29/12/2021. 

Khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức - ẢNH: PHẠM AN
Khu vực phát thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện TP. Thủ Đức - Ảnh: Phạm An

Đến ngày 14/4/2022, BV đã có kết quả đấu thầu bổ sung bằng hình thức mua sắm trực tiếp, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị, đảm bảo người bệnh có thẻ BHYT không phải mua thuốc ngoài đối với thuốc nằm trong danh mục BHYT thanh toán.

Đại diện BV nói thêm: “Chúng tôi thừa nhận BV có thiếu thuốc đặc trị và cũng đã có báo cáo Sở Y tế TPHCM. Đây là tình hình chung ở hầu hết BV chứ không riêng gì BV TP.Thủ Đức. Thời điểm này, tình hình cung ứng thuốc cho BV gặp một số khó khăn như số lượng người bệnh tăng nhanh vào đầu năm 2022, dịch COVID-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác đặt hàng mua sắm thuốc và một số công ty không cung ứng đủ theo nhu cầu của BV”.

Hiện tại, BV đưa ra nhiều phương án như liên hệ với nhiều công ty phân phối thuốc để có đủ nguồn thuốc, mượn thuốc từ các BV khác, đổi qua thuốc cùng nhóm, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên… Ở phương án nào, bác sĩ điều trị đều tư vấn kỹ cho bệnh nhân quyết định. Hiện tại, các khoa của BV tạm thời đủ thuốc điều trị, nhưng một số khoa như ung bướu, truyền máu huyết học… đang thiếu vài loại thuốc đặc trị. 

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu BV TP. Thủ Đức - cho biết: “Ban giám đốc và Khoa Dược của BV đang rất cố gắng liên hệ nhiều công ty dược để giải quyết. Một số loại thuốc điều trị ung thư đang trên đường về trong tuần này, chúng tôi đã giải thích rõ cho bệnh nhân và người nhà”.

Hiện Khoa Ung bướu có một số phương án, bệnh nhân có thể chờ thuốc hoặc mua thuốc bên ngoài trong khi đợi thuốc về. Trong tình huống gấp, có loại thuốc buộc phải mua ngoài, các bác sĩ sẽ hội chẩn từng trường hợp để xác định mức độ và tư vấn cụ thể cho từng người bệnh nhằm giảm chi phí mà hiệu quả điều trị không chênh lệch nhiều. 

Về việc vì sao tháng 4/2022 đã kết thúc đấu thầu nhưng mới cuối tháng 5/2022 đã thiếu thuốc, BV cho biết đang làm việc lại với các công ty dược trúng thầu để có kết luận cụ thể.

Lên kế hoạch để không “đứt” thuốc

Là BV quản lý bệnh mạn tính và bệnh thông thường, số lượng thuốc điều trị tại BV Q. Gò Vấp tạm thời ổn định. Tuy nhiên, BV cũng đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch đấu thầu thuốc cho năm 2023 để đảm bảo bệnh nhân đủ thuốc BHYT. Sở dĩ BV lên kế hoạch dự trù thuốc cho năm sau bởi dịch COVID-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đấu thầu, nhập thuốc từ nước ngoài về.

Bác sĩ Hồ Văn Hân - Giám đốc BV - cho biết: “Do chưa điều trị bệnh đặc thù nên đến nay thuốc điều trị chưa xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Năm nay, BV tạm đủ thuốc, nhưng Khoa Dược và Phòng Tài chính - Kế toán đang lên kế hoạch trù bị cho tình huống thiếu thuốc. Chúng tôi sẽ rà soát lại các hợp đồng đấu thầu thuốc, điều khoản, thời gian gia hạn hợp đồng, yêu cầu các công ty dược trúng thầu phải thực hiện gói thầu thuốc trong cung ứng, cũng như mua bổ sung với nhiều hình thức khác…”. 

Trước đó, tháng 4/2022, BV Chợ Rẫy cũng xảy ra tình trạng hết thuốc chống thải ghép do BHYT chi trả. Bệnh nhân ghép thận đến ngày tái khám phải mua thuốc bên ngoài với chi phí rất cao. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV - cho biết: đến ngày 6/5, BV đã khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng cho người bệnh BHYT. Dù vậy, những bệnh nhân ghép thận vẫn khá lo lắng sau khi tình trạng “đứt” thuốc xảy ra trước đó. Bởi đây là loại thuốc người ghép mô tạng bắt buộc uống suốt đời để duy trì tạng ghép trong cơ thể.

Đại diện một công ty dược trúng thầu tại BV tuyến thành phố chia sẻ, khi đã tham gia đấu thầu cung ứng thuốc, tất cả công ty dược đều cố gắng để chuẩn bị đủ số lượng thuốc cung cấp cho BV. Với thuốc điều trị bệnh thông thường, công ty luôn có đủ và đáp ứng vượt 30% so với số lượng thuốc trong hợp đồng.

Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, việc nhập khẩu thuốc đặc trị, đặc biệt thuốc sử dụng cho bệnh nhân ung thư, huyết học… đang rất khó khăn. Đã từng có tình huống công ty đối tác ở nước ngoài cung cấp nhỏ giọt, thậm chí chấp nhận bồi thường hợp đồng do tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất. 

Nhiều BV cho biết, thiếu thuốc BHYT đang là tình hình chung của cả ngành, những phương án nói trên chỉ là tạm thời trong khi chờ cơ quan quản lý có giải pháp tổng thể.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM: Cơ sở y tế không dám mua sắm

Cử tri, đặc biệt là cử tri ngành y tế đang hết sức tâm tư. Trong thời gian qua, sau chống dịch, chúng ta tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng trong đại dịch, nhưng những tháng gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phát hiện một số sai phạm. Bây giờ, trên truyền thông, mạng xã hội đang có xu hướng nhìn bất kỳ việc mua sắm nào của y tế cũng đều có chủ ý sai phạm. Từ đây ảnh hưởng tới uy tín của ngành. 

Chúng ta phải lãnh đạo, định hướng như thế nào để phát hiện, xử lý được những vụ việc vi phạm, nhưng phải bảo vệ được uy tín của ngành. Chúng ta làm sao để các cơ sở y tế đừng ngại, không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, việc chăm sóc sức khỏe người dân không đảm bảo. 

Đây là việc rất cấp bách, cần phải có trao đổi, giải pháp. Chúng tôi vừa phải trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, phải làm sao đề xuất mua được thuốc, hóa chất để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh hằng ngày của người dân thành phố. 

Qua nắm tình hình về BHYT, chúng tôi thấy vấn đề thuốc điều trị cho người bệnh trong lĩnh vực y tế không đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cụ thể nhưng bác sĩ, cơ quan điều trị nói không có, người dân đi mua ở ngoài nhưng không thanh toán được. Rắc rối này do giữa bảo hiểm xã hội và cơ sở điều trị là ngành y tế chưa phối hợp chặt chẽ từ việc đấu thầu thuốc dẫn đến bức xúc của người dân tham gia BHYT. Vận động người dân mua BHYT nhưng chăm lo cho người tham gia gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

Huyền Anh (ghi)

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI