Tôi chọn vất vả không than vãn

15/07/2019 - 05:30

PNO - Tôi cứ nhớ mãi câu nói ồn ào trên mạng xã hội từ một bậc cha chú: "Tôi nuôi con tôi, còn con tôi nó phải nuôi con nó" . Trách nhiệm nuôi con là của hai vợ chồng, chứ không phải của ông bà nội ngoại.

Mới sáng sớm đến cơ quan đã thấy Linh - cô em đồng nghiệp cùng phòng mặt mũi bí xị như đưa đám. Ôm cái bụng bầu gần tám tháng, em cứ liên tục than vắn thở dài: “Phải làm sao đây chị ơi, sắp đến ngày sinh rồi mà bà nội bà ngoại đều bận, chẳng ai sắp xếp vào chăm em ở cữ cả”.

Tôi cười bảo: “Thế hai vợ chồng tự chăm nhau, bí quá thì thuê thêm người giúp việc, có gì mà phải xoắn lên thế”. Như không tìm thấy sự cảm thông từ tôi, em hờn dỗi: “Nói như thế thì nói làm gì, có phải ai cũng siêu nhân như chị đâu”. 

Thật tình, tôi quá quen với tính cách của Linh, trong công việc và cuộc sống thường ngày bao giờ cũng than vãn nếu như không có ai hỗ trợ giúp đỡ ở bên cạnh.

Toi chon vat va khong than van
Không có ai đỡ đần bên cạnh nhưng tôi có cảm giác dễ chịu vì chủ động trong mọi việc. Ảnh minh họa

Linh mới cưới chồng được gần một năm nhưng đã có nhà cửa đầy đủ, thu nhập tương đối ổn. Ngày trước, Linh công tác ngoài Bắc, sau khi cưới mới theo chồng vào thành phố.

Hai gia đình nội ngoại đều ở xa, chỉ hai vợ chồng tự xoay xở. Linh luôn đem điều đó ra so sánh với những chị em trong phòng có ông bà nội ngoại ở gần. Từ khi mang thai đến giờ, không ít lần Linh khóc thút thít vì tủi thân. Nhìn người ta bầu bì được mẹ ruột lẫn mẹ chồng thay nhau chăm sóc bồi bổ, nấu hết món nọ đến món kia cho ăn, Linh chạnh lòng vì mình chẳng có ai ngoài ông chồng, cũng phải bận đi làm.

Đến gần ngày sinh mẹ người ta sắm sửa quần áo sơ sinh cho cháu, ngâm rượu gừng nghệ hạ thổ các kiểu cho con ở cữ, còn Linh phải tự mần mò công thức trên mạng để làm, cô lại khóc tấm tức.

Tôi hiểu cảm giác tủi thân đó, nhưng cơ bản do Linh quen sống an toàn trong vòng tay bao bọc của ba mẹ. Đến khi lấy chồng mới đi xa lập nghiệp nên hụt hẫng khi việc gì cũng phải tự thân vận động.

Mỗi lần Linh than, tôi đều động viên nửa đùa nửa thật: “Em không thiếu tiền mà. Vậy tự mua đồ mà bồi bổ, đồ dùng sinh nởthì  hai vợ chồng cùng đi sắm, chị thấy tự túc là hạnh phúc nhất đó. Sao cứ  nhắc tới ba mẹ hoài vậy, lớn thế này rồi mà”.

Nhưng Linh phụng phịu: “Tiền là một chuyện, cảm giác được quan tâm đỡ đần lại quan trọng hơn nhiều. Có mẹ bên cạnh vẫn hơn chứ”.

Linh nói không sai, nhưng chẳng phải mẹ chồng lẫn mẹ ruột của em ngày nào chẳng gọi điện hỏi han các kiểu đấy thôi. Chỉ có điều hai bà ở xa, lại đang làm việc nhà nước nên không quan tâm chăm sóc em theo cách ở gần được. Giờ hai vợ chồng son đã thế, sau này có con nhỏ, thêm trăm thứ việc phải lo, thì sống sao nổi khi suốt ngày lo lắng bi quan, nghĩ ngợi rằng mình thiệt thòi đủ đường.

Tôi thì khác hẳn. Dù nội ngoại đều ở gần, nhưng sinh nở hai đứa con đều tự lo liệu mọi thứ. Tôi không muốn phiền đến mẹ chồng, còn mẹ ruột đã già yếu, nhờ mẹ thấy thương quá. Tự mình xoay xở cũng vất vả, nhưng bù lại, sẽ có niềm vui riêng vì chủ động mọi việc. Con còn nhỏ thì bỏ tiền thuê người giúp việc, con lớn hơn cho đi nhà trẻ rồi tự cân đối thời gian làm việc nhà và việc công ty.

Toi chon vat va khong than van
Tập cho bản thân thói quen sống chủ động rất cần thiết với phụ nữ đã có gia đình. Ảnh minh họa.

Con cái được chăm theo chế độ tự ăn, tự chơi từ sớm vì mẹ không thể ôm hết việc nên dễ hình thành khả năng tự lập khi còn nhỏ. Vả lại, tôi chẳng bao giờ lo rơi vào tình huống bị động như đột nhiên bà nội giận dỗi không giữ con hay bà ngoại về quê có việc. Lúc ấy lại lao đao không biết gửi con cho ai.

Dù phải thức khuya dậy sớm hơn, đi làm về lại lao vào nấu nướng dọn dẹp chứ không có sẵn cơm ngon canh ngọt nhưng cảm giác tự chủ của tôi cũng rất dễ chịu. Bởi mọi việc tính toán cuộc sống gia đình đều ở trong tầm tay của mình, luôn có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, không phụ thuộc vào bất cứ ai.

Tôi cứ nhớ mãi câu nói hồi nào ồn ào trên mạng xã hội của một phụ huynh: "Tôi nuôi con tôi, còn con tôi nó phải nuôi con nó" . Trách nhiệm nuôi con, chăm lo cho gia đình riêng là của hai vợ chồng, chứ không phải của ông bà nội ngoại.

                                                                                                       Trúc Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI