Tuổi già, sao cho vui?

Tình bạn già

12/02/2023 - 07:10

PNO - Tình bạn và mối quan hệ chằng chịt kiểu nhiều thế hệ như thế khiến chúng tôi không bao giờ buồn.

Chúng tôi lớn lên, đi xa làm ăn. Cha mẹ tôi ở lại Hải Phòng, được cô em gái không lập gia đình chăm sóc.

Nhà tôi trong một khu tập thể nhỏ của bộ đội, chỉ có 4 gia đình cán bộ cao cấp  ở một quận gần như ven đô, có ruộng vườn, ao hồ và đình chùa, các phiên chợ… như tất cả làng quê quen thuộc khác.

Khi con cái đi làm cả, chỉ còn các ông bà già ở nhà. Ai còn khỏe mạnh thì nuôi gà, làm vườn, trông nom con cháu, cơm nước. Ai già yếu như mẹ tôi thì có khi bị khóa cửa ở trong nhà, nhìn ra vườn qua song cửa sổ. Vậy mà mẹ tôi kể, nếu không mưa gió rét mướt quá thì ngày nào mẹ cũng có bạn đến thăm.

Cha mẹ quen nhau, con cái chúng tôi cũng chơi thân với nhau (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik
Cha mẹ quen nhau, con cái chúng tôi cũng chơi thân với nhau (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik)

 

Bạn đến thăm, nhìn nhau qua song cửa sổ, vì cửa chính đã khóa, khách cũng không có yêu cầu vào nhà. Các câu hỏi thăm và nội dung trả lời giống giống ngày hôm qua. Chỉ vài thông tin chẳng có gì mới là đến giờ khách ra về.

Khách cũng cao tuổi. Đó là bác Chín - một ông cụ đi bộ, chống gậy rất chậm. 9 giờ, sau khi ăn sáng, uống thuốc xong, bác đi bộ chầm chậm đến nhà tôi, hỏi thăm bà bạn ở trong nhà, hỏi xong ra về là vừa. Đi chậm nhưng cũng kịp về nhà bữa cơm trưa. Mà không phải thăm một lần. Mẹ tôi bảo sáng nào bác cũng đến, trừ những ngày bác yếu đau hay mưa gió thất thường. Cứ như vậy trong nhiều năm tháng, cho đến khi bác đã yếu hẳn, không thể đi được nữa.

Họ từng là bạn đồng nghiệp với nhau. Bác là cha của nhà văn Thụy Kha. Ở Hải Phòng, cha mẹ chúng tôi có nhiều bạn trí thức. Tôi nghe mẹ kể trong số đó có cô Hồng - phu nhân của cố bộ trưởng kiêm nhạc sĩ Trần Hoàn, có bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Có cả luật sư Vũ Trọng Khánh - người có nhiều đóng góp cho bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ sau khi cách mạng thành công.

Mẹ thân và giúp bạn bè tới mức chúng tôi thấy lạ. Ví dụ xưa phải đi gánh nước, vậy mà có đôi thùng mẹ cũng cho bạn một chiếc vì bạn nghèo quá. Thế là cả hai nhà đều không đủ thùng mà gánh, cả hai nhà đều… xách nước bằng một chiếc thùng, vẹo cả sườn.

Cha mẹ quen nhau, con cái cũng chơi thân với nhau. Anh chị em nhà tôi thân với các anh em nhà bác Mai Lĩnh (ông chủ Nhà xuất bản Mai Lĩnh nổi tiếng, xuất bản những tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng…) cho đến tận bây giờ vẫn trò chuyện với nhau.

Chúng tôi đã sẻ chia buồn vui qua năm tháng (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Rawpixel.com
Chúng tôi đã sẻ chia buồn vui qua năm tháng (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Rawpixel.com)

Khi tôi sống ở Hà Nội, có lần chị gái của nhà văn Thụy Kha chạy vào nhà tôi trong đêm, người có vết thương. Tôi đã ôm con nhỏ ngồi suốt đêm với chị ấy, nghe chị nói chuyện kiểu người có bệnh về tâm trí, thương bạn quá. Sau này thì được tin chị mất.

Những tình bạn và mối quan hệ chằng chịt kiểu nhiều thế hệ như thế khiến chúng tôi dù đi đâu cũng thương nhớ Hải Phòng.

Cha mẹ tôi và bạn bè đã đoàn tụ nơi thế giới bên kia lâu rồi, nhưng tôi nhớ mãi câu chuyện tình bạn của họ. Càng về già, người ta càng cần đến bạn bè. 

Nguyễn Thị Ngọc Hải
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI