Tiếng cười trong bữa cơm

29/11/2020 - 05:32

PNO - Tiếng cười… đưa cơm. Cười no. Ai có chuyện gì vui, đều để dành vào bữa cơm mà kể. Tuyệt nhiên chẳng ai nói chuyện không vui.

12, 13 tuổi, tôi nhận thấy gia đình mình khó khăn hơn những nhà hàng xóm, nhưng ba mẹ lại rất thảnh thơi. Tôi không nghĩ rằng, cũng chính vì ít việc để làm, nên gia đình mình có thu nhập thấp. Dù vậy, tôi rất vui vì ba mẹ có nhiều thời gian dành cho ba chị em tôi. 

Cho tới khi chúng tôi vào trung học phổ thông, cũng là lúc ông bà nội ở quê già yếu, ốm đau triền miên, thì ba mẹ tôi mới cuống cuồng. Mẹ nhận báo cáo thuế cho vài doanh nghiệp nhỏ về làm, còn ba thuê địa điểm mở lớp dạy võ gần nhà. Trước, mẹ tôi cũng có một công việc, bằng chứng là mẹ vẫn giữ cuốn bảo hiểm xã hội làm kỷ niệm. Mẹ suýt tử vong khi sinh em tôi, và mẹ nghỉ việc từ đó. Ba tôi cũng từng là giáo viên thể chất ở một trường đại học, nhưng vì lý do tế nhị, ba nghỉ, về mở lớp dạy thêm. 

Mẹ làm việc ban đêm là chính, thời gian còn lại thì lo việc nhà, đưa rước con cái. Ba tôi làm bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Lương bổng của ba và mẹ đủ trang trải cho cuộc sống tầm trung. Khi nhu cầu học hành của chúng tôi ngày một cao, và cũng muốn chúng tôi đủ đầy, mẹ tôi đòi ra chợ buôn bán. Tôi không chịu. Tôi thương mẹ, không muốn mẹ vất vả, tôi vốn sĩ diện, rằng người như mẹ, không thể làm… con buôn. Ngược lại, tôi ủng hộ mỗi khi ba tôi làm vài cuốc xe ôm.

Tôi nghĩ, đàn ông trụ cột, phải mưu sinh kiếm tiền nuôi vợ con là chuyện bình thường. Có nhiều khi gia đình tôi cần một số tiền lớn, lại càng thấy thương và nể phục khả năng chắt bóp của mẹ, sự xoay xở khéo léo của ba.

Bữa cơm thiếu vắng tiếng cười sẽ thấy nặng nề, mệt mỏi
Bữa cơm thiếu vắng tiếng cười sẽ thấy nặng nề, mệt mỏi

Chúng tôi trải qua những tháng năm êm đềm, hài lòng với cuộc sống nhẹ nhàng, tình cảm mà mọi người dành cho nhau. Gia đình tôi ít khi nào ra ngoài ăn tiệm, vì ít có điều kiện, nhưng mâm cơm mẹ nấu vẫn đầy đủ dưỡng chất, và tiếng cười vẫn rộn ràng trong bữa ăn hằng ngày. Tiếng cười… đưa cơm. Cười no. Ai có chuyện gì vui, đều để dành vào bữa cơm mà kể. Tuyệt nhiên chẳng ai nói chuyện không vui.

Trong ba chị em, tôi là đứa ít có khiếu kể chuyện. Nhiều câu chuyện vui tôi kể, chị và em trai hay đùa “cù lét cũng không cười nổi”, nhưng ba mẹ thì khen chuyện của tôi dù ít yếu tố gây cười, nhưng sâu sắc. Lúc đó, tôi đưa mắt về phía “đối thủ”, ý muốn nói “đã nghe ba mẹ nhận xét chưa!”.

Khung cảnh êm đềm trong mỗi bữa cơm nhà, tôi không bao giờ đánh đổi với bất cứ điều gì. Dù vậy, đôi khi vẫn thấy chạnh lòng khi nhìn bạn bè mình có nhiều điều kiện hơn, nhưng rồi tôi kịp “phanh” suy nghĩ ấy lại, bởi khả năng và hoàn cảnh của ba mẹ tôi như là… định mệnh rồi. Cuộc sống “nửa thầy nửa thợ” là một thử thách đôi khi quá sức với ba mẹ. Họ chấp nhận sự an bài. Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Gia đình bạn bè tôi, không phải ai khá giả cũng hạnh phúc. Nhà thằng Mạnh, có người anh nghiện ma túy, suốt ngày đập phá, vòi tiền, khiến người thân luôn sống trong hồi hộp, lo sợ. Nhà nhỏ Giang thì bố mẹ ly thân, vẫn chung nhà nhưng thường xuyên bất hòa. Nhà nhỏ Hằng sắp bán nhà chuyển nơi khác vì ba mẹ nó làm ăn thất bại, từ chỗ giàu có, nay trở nên trắng tay.

Sống trong hoàn cảnh như thế, các bạn tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tâm lý, nên đôi khi họ ao ước một cuộc sống giản dị như gia đình tôi. Từ đó, tôi càng không bận tâm về hoàn cảnh mình nữa, mà quyết sau này phải bám lấy nghề, biết cân nhắc trong mọi việc sao cho hợp tình hợp lý, như cách nhắn nhủ của mẹ. 

Tôi hiểu việc ba mẹ bỏ nghề là chẳng đặng đừng, nhưng chấp nhận số phận cũng không phải điều hay. Từ hoàn cảnh gia đình mình, tôi tự nhủ bản thân phải phấn đấu thật nhiều. Riêng ba mẹ luôn lấy bài học của họ để nhắc nhở chúng tôi cố gắng, nhưng không phải bằng mọi giá mà để đánh mất chính mình. 

Lê Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI