Thúng xôi bắp của bà Tư

30/11/2020 - 06:43

PNO - Không ai biết bà Tư bao nhiêu tuổi, con cháu ở đâu, chỉ biết bà bán xôi từ rất lâu, lâu đến nỗi, thỉnh thoảng, ba má tôi lại kể về gói xôi của bà từ thuở còn đi học.

Cơ quan mới tọa lạc gần một ngã tư lớn, gần nhiều tòa nhà văn phòng. Sáng, không như trước - phải ngó nghiêng tìm "cái gì ăn được" mua đến cơ quan, giờ chỉ cần dong xe đến gần chỗ làm, tạt vào chợ "ăn sáng" tự phát cạnh đó là tôi có cả trăm món để chọn. Chăm chăm chọn món, trả tiền và phóng xe đi, nên đến vài ngày trước, tôi mới phát hiện hàng xôi bắp ở một góc khuất.

Gọi là hàng cũng được được, gọi là xe cũng xong vì để tiện di chuyển, người bán chất "gánh hàng" lên chiếc kệ gỗ đặt ngang yên sau xe, khách đến hỏi mua, thì người bán nhanh tay lấy hộp xôi bắp trong chỗ ủ nóng, thêm miếng đậu xanh nhuyễn, gói hành phi, gói muối mè là đã có thể một tay giao xôi một tay nhận tiền.

Để giao dịch nhanh chóng, người bán múc sẵn xôi bắp vào hộp, hành phi, muối đậu vào túi.
Để giao dịch nhanh chóng, người bán múc sẵn xôi bắp vào hộp, hành phi, muối đậu vào túi.

Phương thức bán, gói xôi, cả người bán đều không giống; vậy mà, nhìn xe xôi, tôi lại nhớ đến bà Tư bán xôi bắp của ngày rất xưa. Không ai biết bà Tư tên thật là gì, bao nhiêu tuổi, con cháu ở đâu, tại sao lưu lạc đến phố núi nhỏ xíu ấy. Chỉ biết bà có mặt tại thị tứ rất lâu và cái góc nhỏ trước chợ là nơi dành riêng cho bà.

Bà Tư nấu xôi ngon, bán rẻ (500 đồng một gói, theo thời giá lúc ấy), mọi người cũng thương bà lớn tuổi vẫn phải tỉ mẩn thức khuya, dậy sớm mà thúng xôi của bà luôn hết sớm nhất.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ những hạt bắp trắng nõn, khi nhai sần sật mà ngọt, mà mềm. Những hạt bắp ấy, nếu không có thứ gạo nếp dẻo thơm kết dính, người ta dễ lầm tưởng là bắp hầm.

Kể cũng ngộ, cũng là xôi, nhưng nếu xôi đậu, thì dù là đậu đen, đậu xanh hay đậu trắng, người ta vẫn nhận rõ sự hiện diện của nếp, của xôi, còn xôi bắp ngược lại, gọi là xôi nhưng phần xôi thì tìm mỏi mắt mới thấy và có công dụng kết dính là chính.

n

Xôi bắp có vị mặn của hành phi, vị ngọt của đường, của đậu xanh

Thúng xôi bắp của bà Tư giản đơn với nồi xôi nóng hổi, ít lá chuối, hủ hành phi, hủ muối đậu, dừa nạo. Khi có người mua, bà Tư chọn tấm lá chuối, múc xôi bắp lên rồi lần lượt cho đậu xanh, hành phi, dừa nạo và muối đậu lên. Xong phần nguyên liệu, bà đắp một miếng lá chuối nhỏ lên trên xôi. bẻ hai đầu lá, gấp vuông vức rồi giao cho khách kèm một chiếc muỗng nhỏ được cắt từ lá thơm dài khoảng 6 - 8cm. Miếng lá thơm ấy, một đầu để bằng, một đầu được vạt hơi xéo, kết hợp cùng độ cong tự nhiên của lá, thành một chiếc muỗng hoàn hảo.

Dùng muỗng lá thơm, xúc thẳng vào gói xôi, sao cho tất cả thành phần đều lọt thỏm vào "đường cong mềm mại" ấy rồi đưa lên miệng, mùi xôi bắp, mùi hành phi, mùi lá chuối gặp xôi nóng tỏa ra hương thơm thật dễ chịu. Những hạt bắp tròn, sau tiếng bụp là vị ngọt, vị thơm, thanh. 

Những hạt bắp tròn, trắng nõn.
Những hạt bắp tròn, trắng nõn

Gánh xôi bắp tôi tìm thấy, người bán cho vào hộp xốp, tất cả các thành phần cũng được cho sẵn vào túi ni-lông. Mang vào chỗ ngồi, lần lượt đổ vào hộp, xúc một muỗng. Người bán nấu khá khéo, món xôi có thể khiến người ta gật đầu khen ngon hay muốn mua tiếp cho bữa sáng vào một ngày khác. Tôi không ngoại lệ, nhưng trong đầu tôi vẫn nghĩ đến phần xôi bắp gói lá chuối ăn cùng muỗng lá thơm ngày xưa của bà Tư.

Nhớ và tự hỏi, ngày ấy, làm cách nào để bà Tư một mình mà có thể "tạo" ra chừng đó cái muỗng, và tại sao, dù lúc đó, ni-lông đã rất phổ biến, bà vẫn chiều chiều đi cắt lá chuối, về tách khỏi tàu, lau sạch. Nếu nói lý do là tiền thì không hẳn đúng, vì ni-lông và muỗng nhựa khá rẻ so với công cắt lau lá chuối hay vạt muỗng từ lá thơm. Hay bà muốn níu giữ một chút gì đó của ngày cũ với kiểu bán đó?

Có thể vậy, có thể không, chỉ bà Tư biết mà bà Tư cũng đã đi xa, rất xa. Bà Tư ra đi trong một giấc ngủ ngắn, nhẹ nhàng và thanh thản. Bà Tư ra đi trong sự tiếc nhớ và tiễn đưa của bà con trong xóm. Đến giờ, tôi vẫn chưa nghe ba mẹ hay hàng xóm một lần nhắn đến người thân của bà. Chỉ thỉnh thoảng, trong câu chuyện, mẹ kể ngày đi học, gói xôi của bà Tư có giá chưa tới 100 đồng.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI