Chuối mốc mà nhúng với chao

25/11/2020 - 06:23

PNO - Chao mằn mặn, béo béo, cay cay kết hợp cùng vị ngọt, thơm của chuối chín dừ, ăn mà cay, mà nhớ.

Mấy ngày nay, trời thu dìu dịu, lòng người cũng dìu dịu. Thời tiết này, khiến người ta thích ăn hơn, ăn nhiều hơn và tất nhiên sau đó là chuỗi ngày dễ no ngang hay ngán những thứ thịt thà, cá mắm.

Lũ trẻ tròn mắt khi mẹ lột chuối cho vào chén chao.
Lũ trẻ tròn mắt khi mẹ lột chuối cho vào chén chao

Lười ăn, lười nấu nên mãi đến trưa, khi lũ nhỏ sắp tan học, chồng sắp kết thúc nửa ngày công của một thợ hồ, chị mới tất tả vào bếp.

Lũ nhỏ thích canh và chồng thích giò heo nên chị bật bếp hầm mớ giò heo mua lúc sáng - vừa có rau, vừa có thịt, vừa có nước; phần chị là con cá kho còn lại của tối hôm qua. Bỗng ánh mắt chị dừng lại ở nải chuối đã chín mềm, vài giây sau, chị lục ngăn tủ, tìm hủ chao mà chị nhớ đã mua khá lâu.

Trưa đó, ngoài cá và thịt, mâm cơm của gia đình nhỏ còn có đĩa chuối chín và chén chao. Lũ trẻ vốn đã quen tráng miệng "loại trái cây bổ rẻ" từ những ngày còn rất nhỏ nên không để ý đến khi chị lột chuối, bỏ vào... chén chao.

Ngược với lũ trẻ, chồng chị nhìn trái chuối lọt thỏm trong chén chao, nhìn chị dùng đũa xắn chuối thành nhiều miếng nhỏ, ánh mắt xa xăm. Chị biết, anh đang nhớ về những ngày xa lắm.

Xưa, để đàn con khỏi tranh nhau, má phát cho mỗi đứa một trái chuối, rồi múc ít chao cho hẳn lên chén cơm.
Xưa, để đàn con khỏi tranh nhau, má phát cho mỗi đứa một trái chuối, rồi múc ít chao cho hẳn lên chén cơm

Nhà chị với nhà anh ở gần nhau và cùng xóm dân Quảng Ngãi đi kinh tế mới. Lúc đó, cả xóm chỉ có hơn chục nhà, bao quanh là rừng. Công việc chính của mọi người là mỗi ngày mang cuốc, mang rựa khai hoang đất. Khai hoang đến đâu, cắm mì (sắn) và rau lang đến đó.

Thuở đó, nồi cơm một phần gạo ba phần củ, măng ngâm mắm cái thay món chính. Mấy món đó, giờ nhà giàu mới được ăn, chứ lúc đó, ăn đến ngao đến ngán, nên thỉnh thoảng, má dọn lên mâm cơm nải chuối với chén chao lỏng bỏng tí ớt là đã thấy hạnh phúc.

Sợ lũ con giành nhau, má phát cho mỗi đứa một trái, rồi phát thêm miếng chao có dầm trái ớt chín để ăn cùng. Chao mằn mặn, béo béo, ớt cay cay mà ăn kèm với chuối chín vừa thơm, vừa ngọt. Ta nói, ăn hết trái mà vẫn thòm thèm nhìn vào phần chuối của ba trong chén.

Anh bảo chuối nhúng chao không còn ngon như ngày xưa nữa.
Anh bảo chuối nhúng chao không còn ngon như ngày xưa nữa

Ba dễ tính, thường cười, thấy ánh mắt của đàn con, xắn chuối thành lát, chia đều rồi ăn cơm với măng ngâm mắm cái. Cảnh đó, ngày vui, má cười hạnh phúc, ngày mệt, má  liếc ba một cái, bảo: "Ông chiều hư con". Phải đến khi những cây chuối trong vườn ra trái, đến khi cả buồng chuối mốc (chuối sứ), chín rũ ra, ăn theo định mức ngày hai trái không thể hết, chống lãng phí, má mới cho lũ con ăn thoả thích món chuối nhúng chao.

Những ngày đó, lũ con hạnh phúc ngập tràn. Rồi tăng dần đều khi hàng xóm biết trong nhà có chuối chín, mang đồ sang đổi, khi rau, khi củ, khi cái trứng gà. Mỗi lần vậy, món ăn trong bữa cơm lại được cải thiện.

Lùa miếng chuối nhỏ cùng cơm vào miệng, chị gật gù, chao ngày nay không mặn như xưa, vị béo cũng tăng, cơm cũng được nấu bằng thứ gạo dẻo thơm chứ không xấu như trước... Rõ ràng là ngon hơn ngày xưa, thế nhưng chị vẫn thấy thiếu thiếu thứ gì đó và không thể trọn vẹn.

Anh sau khi ăn một miếng, bảo "ngày xưa nghèo khổ, ăn thấy ngon, giờ không ngon nữa", rồi chuyển sang món canh cùng lũ trẻ. Chị chậm rãi gắp, chậm rãi nhai, nhưng chị đã như không còn ngồi ở bàn cơm cùng chồng con nữa mà đang trở về quá khứ, ngồi trên chiếc ván gỗ cùng các anh chị em khác, hau háu dõi theo bàn tay múc chao của má để đến lượt mình là lập tức đưa chén ra sợ mất phần.

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI