Thủ tướng Merkel dự báo nguy cơ 70% người Đức có thể sẽ nhiễm COVID-19

12/03/2020 - 10:00

PNO - Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra cảnh báo rõ ràng như trên tại cuộc họp báo hôm 11/3 cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, theo đó khoảng 58 triệu người Đức có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19.

Bà Thủ tướng nhấn mạnh, vì bệnh viêm đường hô hấp cấp chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin ngăn ngừa, nên trọng tâm đối phó là làm chậm lại quá trình lây lan của virus để giành chủ động về thời gian.

Thủ tướng Merkel họp báo chung với Bộ trưởng Y tế Jens Spahn về việc nước Đức đối phó thế nào với đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Merkel họp báo chung với Bộ trưởng Y tế Jens Spahn về việc nước Đức đối phó thế nào với đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/3 đã công bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu”, nhưng như lời bác sĩ  Mike Ryan, giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, việc sử dụng từ “đại dịch” không làm thay đổi bản chất phản ứng của WHO đối với dịch bệnh này.

Nay khi chính thức là “đại dịch toàn cầu”, sự bùng phát của bệnh đường hô hấp cấp có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang buộc nước Ý - điểm nóng của COVID-19 ở châu Âu và thế giới - phải phong tỏa trên quy mô toàn quốc, đóng cửa các quán bar, tiệm làm tóc và nhà hàng, trong khi các quốc gia khác đóng cửa trường học và hủy bỏ các sự kiện thể thao, các cuộc tụ họp đông người khác.

Khi công bố đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý, “Ý và Iran đang ở tuyến đầu và chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, nhưng các quốc gia khác cũng sẽ sớm rơi vào tình hình này”.

Kênh truyền hình Anh BBC cho biết, nhận định của Thủ tướng Merkel được đưa ra khi nước Ý đã bước vào ngày thứ hai phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố đóng cửa các trường học, phòng tập gym, bảo tàng, hộp đêm và các địa điểm giải trí khác trên khắp đất nước, trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã vượt quá con số 10.000. Thủ tướng Conte đã cam kết dành 25 tỷ euro để giải quyết vụ dịch, tăng từ mức 7,5 tỷ euro được công bố tuần trước.

Trong khi đó, ở bên kia địa cầu, nước Mỹ cũng áp dụng những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thống đốc New York hôm 11/3 tuyên bố quân đội sẽ được gửi đến New Rochelle, một thị trấn phía bắc tiểu bang để tham gia ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19. Các lễ hội âm nhạc và các sự kiện lớn khác ở Mỹ, bao gồm lễ hội Coachella ở California, đã bị hoãn hoặc hủy bỏ. Tổng số các trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 tính ở Mỹ đến ngày 11/3 đã vượt quá 1.000 người.

Nước Anh đã ghi nhận 456 ca lây nhiễm virus và 8 ca tử vong, đáng chú ý có trường hợp nghị sĩ Bảo thủ Nadine Dorries, thứ trưởng y tế Anh, xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và hiện đang tự cách ly tại nhà.

Nước Đức hôm 11/3 xác nhận ca tử vong thứ ba liên quan đến COVID-19 tại quận Heinsberg của bang Bắc Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Người tử vong đầu tiên là một phụ nữ 89 tuổi ở thị trấn Essen, người thứ hai là một người đàn ông 78 tuổi có bệnh từ trước, qua đời ở Heinsberg.

Theo số liệu do Viện kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (RKI) mới công bố, đến nay Đức ghi nhận 1.908 ca nhiễm virus, với tổng số ca nhiễm mới sau một ngày là 343 người. Tuy nhiên, RKI nói rằng virus đại dịch gây nguy cơ "vừa phải" đối với người Đức.

Phát biểu cùng ông Lothar Wieler, chủ tịch của RKI, tại cuộc họp báo đầu tiên của Thủ tướng Đức về tình hình đại dịch, bà Merkel cảnh báo rằng việc đóng cửa biên giới không đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus, bà không theo gương Áo cấm du khách đến từ Ý, một điểm nóng của đại dịch ở châu Âu.

Thủ tướng Merkel nói, "đây là một bài trắc nghiệm về sự đoàn kết, về ý thức chung và sự quan tâm của chúng ta dành cho nhau, và tôi hy vọng chúng ta sẽ vượt qua lần kiểm tra này". Bà Merkel cũng tuyên bố bà công khai loại bỏ quy tắc "số không đen" của Đức để cho phép chính phủ mới vay tiền. Bà nói rằng đó đây "một tình huống đặc biệt" và ưu tiên hàng đầu là chấm dứt dịch bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khác của Đức không chia sẻ nhận định của bà Thủ tướng về quy mô lây nhiễm, họ nói rằng khó có khả năng hai phần ba người Đức sẽ bị nhiễm COVID-19.

Nhà virus học Alexander Kekulé, cựu cố vấn của chính phủ liên bang về kiểm soát dịch bệnh, nói với truyền thông Đức rằng trong trường hợp xấu nhất, tối đa 40.000 người ở nước này sẽ nhiễm virus. Ông cho biết ước tính này dựa trên số ca mắc bệnh ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ nhiễm mới đang chựng lại. Trước đó, ông từng nói rằng chính phủ Đức đã bỏ lỡ các cơ hội ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh bằng biện pháp đóng cửa trường học và hủy bỏ các sự kiện.

Chính quyền thành phố Berlin hôm 11/3 đã cấm toàn bộ các sự kiện có hơn 1.000 người tham gia cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

Giám đốc y tế Berlin, ông Dilek Kalayci, nói rằng, COVID-19 tiếp tục lây lan nên trong giai đoạn này cần hạn chế các sinh hoạt công cộng. Ông cho biết, “sự lây lan của dịch bệnh có thể được làm chậm lại bằng cách cắt giảm các sự kiện lớn, biện pháp này rất quan trọng khi dịch bệnh mới bùng phát”.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI