Thư của con: Cha và con, những mùa bông tết

29/01/2022 - 13:13

PNO - 28 tuổi, con vẫn mê tết như ngày còn thơ bé. Sống ở TP.HCM chục năm chẵn nhưng những ngày này, con lại thả hồn vào những chuyến xe đò với đầy ắp người về quê, tay xách nách mang đủ thứ.

Dĩ nhiên, tết ở thành thị có cái vui riêng, cha ạ! Đèn màu, cây cảnh đầy đường phố như khoác lên tấm áo mới cho đất trời. Nhưng với kẻ lớn lên từ miệt ruộng vườn, tết quê luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, để rồi đi đâu về đâu người ta vẫn nhớ thương da diết.

Ngày còn bé, con thích trở thành người lớn để tự do. Vậy nhưng khi đã trưởng thành, con chỉ ước được bé lại để tận hưởng những niềm vui mà không vướng bận lo toan. Có lẽ vì thế, mùa tết của những năm tháng tuổi thơ vẫn luôn hiện diện trong con rõ ràng, rành mạch, mặc cho nhiều ký ức đã bị bụi thời gian phủ mờ.

***

Sắc vàng tươi hay đỏ cam rực rỡ từ vườn hoa của cha báo hiệu một mùa xuân mới lại về
Sắc vàng tươi hay đỏ cam rực rỡ từ vườn hoa của cha báo hiệu một mùa xuân mới lại về

 

Từ 23 tháng Chạp trở đi, không khí nhộn nhịp bao trùm khắp quê mình. Đây cũng là lúc vườn vạn thọ sau hè bắt đầu tỏa hương, khoe sắc. Hầu như trong tất cả lễ cúng của mùa tết, vạn thọ không thể vắng mặt. Sắc vàng tươi hay đỏ cam rực rỡ báo hiệu một mùa xuân mới lại về; gói trọn ước mong sức khỏe, bình an. 

Từ chợ lớn cho đến chợ chồm hổm, vạn thọ có mặt khắp nơi. Những ngày này, nhà mình không ngơi tay trong khi người người nhà nhà xúm xít đi chơi, nghỉ ngơi sau một năm làm lụng. Cha thường bảo đời làm nông là vậy, sẽ khó có được những ngày không bận rộn. Chỉ có thế mới mong có cái ăn, cái mặc đủ đầy. 

Những ngày cận tết, trời trở lạnh, đôi khi rét buốt đến độ chỉ cần phà nhẹ hơi thở vào lòng bàn tay cũng thấy “khói” bốc lên. Trời chưa tỏ mặt người, cả nhà đã kéo nhau ra vườn chuẩn bị bông cho kịp buổi chợ sớm mai. Ở góc bếp nhỏ hướng ra vườn, bếp lửa đã đỏ tự bao giờ. Bình trà lài thơm phức như đánh thức những gương mặt vẫn còn đê mê trong giấc ngủ. 

Trời sớm tinh mơ trong lành đến khó tả, chỉ cần hít một hơi đầy chợt thấy khoan khoái, dễ chịu. Không khí tết ở miền quê có những mùi hương rất lạ, khó thể nói chính xác đó là gì nhưng hễ nghe thấy lại biết xuân về. Sương đọng trên tán nhãn tròn xoe, chỉ cần chạm nhẹ đã rơi đầy trên áo rồi va vào những chiếc lá khô tạo thành những tiếng lộp độp vui tai. 

Đôi tay cha thoăn thoắt nhổ từng bụi bông bám đầy bùn đất rồi khẽ đặt nhẹ lên những mảng cỏ sạch. Con và chị lẽo đẽo theo sau gỡ lá úa, tỉa gọn gốc rồi dùng dây chuối bó lại gọn gàng. Mùi thơm nồng nồng của những chùm bông buổi ban mai khiến những đứa nhỏ nôn nao đến chiều 30 tết hay đêm giao thừa. Mâm cúng ông bà sẽ chất đầy món ngon, bánh mứt; bên trên lại điểm xuyết mấy nhánh bông xanh mướt. Chỉ cần nhang tàn, cả đám lại xúm xít để thưởng thức hết, có những món cả năm mới có cơ hội ăn một lần.

Bông được mang rửa sạch gốc, sau đó chất thành từng bó lớn chừng 30 cây. Có bông to bằng cái chén nhỏ, dùng tay áp nhẹ lên có cảm giác mịn màng như nhung. Ngâm tay trong nước những sớm cuối năm thật không dễ chịu chút nào. Thế là hai chị em lại oẳn tù tì, ai thua đương nhiên sẽ phải ngồi rửa còn người thắng chỉ việc xếp bông lại cho ngay ngắn. 

Những bó bông được chất gọn gàng lên chiếc xe đẩy, trên được phủ một tấm lưới mỏng. Cha mặc vội cái áo khoác cũ đã rách bươm phần cổ, đẩy nhẹ chiếc xe lên dốc rồi bon bon trên con đường lởm chởm ổ gà. Cái lạnh khiến đôi tay cha có lúc khẽ run lên, phải dừng xe lại xoa vào nhau. 

 

***

Những tia sáng đầu tiên dần ửng lên trên bầu trời, xua tan màn đêm tĩnh mịch. Con lon ton chạy theo sau với đầy sự háo hức. Chợ luôn là thế giới diệu kỳ với bất kỳ đứa trẻ miền quê nào nhưng với người lớn thì khác. Họ, trong đó có cả cha, luôn mang theo nhiều nỗi niềm mà khi trưởng thành, con mới hiểu hết.

Mỗi người được chia một ô nhỏ chừng 2 mét vuông. Cạnh bông là những quýt, bưởi và hàng chục thứ trái cây được ưa chuộng trong ba ngày tết. Thứ nào cũng hấp dẫn. Có lúc, vừa bán được mấy ngàn đồng, con lại “nướng” hết vào mấy trái quýt hồng tròn trịa, da căng bóng, chỉ nhìn đã thèm không chịu được. Niềm vui được đi chợ chỉ bấy nhiêu là đủ. 

Chợ tết người qua kẻ lại, trả giá đủ đường. Sắc mặt của cha cũng thay đổi dần theo dòng người qua lại. Bởi lẽ cái áo cho con, cái quần cho chị hay nồi thịt kho ngày tết gần như phụ thuộc hết vào đây. Những năm bông rẻ, bán tháo bán đổ, cha tặc lưỡi tiếc thầm. Tiếc tiền một nhưng tiếc công đến mười. Vậy nhưng những lo toan bộn bề của người lớn dường như ít khi lưu lại trong tâm trí con trẻ được lâu. 

Để có vườn bông tết, cha phải đi mua giống từ rằm tháng Mười, chăm chút từng ngày từ cây non cho đến khi trổ bông. Chuyện làm nông chưa bao giờ dễ. Năm nào trái gió trở trời, bông trổ muộn hay trổ sớm đều khiến cha thấp thỏm lo âu. Tất cả đều gom vào đôi mắt hay những tiếng thở dài. Có lẽ tâm tính đàn ông là vậy, bao nhiêu nỗi niềm cứ giấu hết vào trong. Chúng con chưa bao giờ hỏi nhưng con tin cha cũng chưa bao giờ bận lòng bởi mọi nhọc nhằn ấy đều được quy đổi thành tình yêu thương cho những đứa trẻ của cha. 

Những mùa tết cứ thế trôi qua. Đôi tay của những thành viên trong nhà mình chưa bao giờ đẹp bởi những vết cứa chằng chịt của rễ hay những mảng bám đen xì của nhựa cây để lại. Đêm 30, khi người người hân hoan đón năm mới thì nhà mình mới kịp cảm nhận những buồn vui sau một mùa làm lụng vất vả. Sự nhọc nhằn có lẽ cũng giúp những đứa trẻ hiểu và trân trọng hơn đồng tiền. Sự nhọc nhằn ấy trở thành hành trang sống khi chúng con vào đời.

***

Những mùa bông tết gần chục năm qua, cha lủi thủi một mình khi chị và con bận rộn với công việc. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, một mảng đất trống sau nhà lại được dành riêng để phủ lên những màu hoa vàng cam bắt mắt. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đã không còn hiện diện. Những bông hoa trở thành món quà dành tặng cho đứa con phương xa trở về.

Mùa tết năm nay, thằng Mỡ đã lẽo đẽo theo ông ngoại ra vườn. Đôi chân nhỏ xíu của nó len lỏi vào những hàng lá xanh non đang đung đưa theo từng cơn gió heo may. Nó lén nhìn ông ngoại rồi ngắt vội mấy nụ hoa với đôi mắt đầy tinh nghịch, ê a mấy chữ chẳng rõ đang nói gì nhưng có lẽ trong lòng đang vui lắm. Thằng nhỏ khoái chí còn ông ngoại thì nhíu mày nhưng cũng đành “bó tay”. 

Từ mảnh đất này, những đứa trẻ đã và đang lớn lên. Những mùa hoa tết cứ nối nhau đưa bước cha qua nửa con dốc còn lại của cuộc đời. Nhìn lại, con chợt giật mình. Đời người có bao nhiêu lần mười năm? Những con số tưởng chừng nhẹ tênh ấy đôi lúc khiến lòng người nặng trĩu. Mùa xuân về mang theo niềm vui, hy vọng nhưng cũng có những nỗi niềm khắc khoải khó thể nói hết. 

Đâu ai trong chúng ta tránh khỏi quy luật sinh tử của cuộc đời. Chỉ mong rằng những mùa hoa vàng như nắng xuân sẽ cứ trải rộng trên mảnh đất quê nhà để lòng người con ly hương lại nôn nao với chuyến hành trình về với quê mẹ. Cha vẫn ở đó, nhổ từng bụi cỏ, chăm từng chiếc lá để vườn bông khoe sắc rực rỡ. Niềm hạnh phúc của người trưởng thành đôi khi nhỏ bé thế thôi.

Những buồn đau của năm cũ xin gửi lại quá khứ. Chỉ ít ngày nữa thôi, con sẽ về lại quê nhà, thong dong ngắm những bông hoa rực rỡ đung đưa trong nắng gió ngày xuân. Cha con mình sẽ lại cùng nhau bàn chuyện mùa hoa tết năm nay thế nào, sẽ kỳ rửa thật kỹ những chậu vạn thọ bám đầy rong rêu, sẽ cẩn thận nhổ từng cây bông đem biếu nội ngoại. Con sẽ lại ngồi sau lưng cha để giây phút nào đó được bé lại như đứa trẻ năm nào. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI