Hợp đồng hôn nhân

20/01/2022 - 10:30

PNO - Chị mua sắm hay đi đâu cũng phải xin phép chồng. Nếu tuân thủ hợp đồng cuối năm chị mới được trả lương, chồng mất chị sẽ được cấp vốn

                         

Hàng xóm mới dọn về cạnh nhà tôi là một cặp… lệch pha. Bác Hải tuổi ngoài 70 nhưng cô vợ chỉ chừng ba mươi mấy. Nghe nói vợ bác vừa mất không lâu, bác liền cưới ngay cô vợ mới này.

Bác Hải cao tuổi, nhưng có vẻ rất chịu chơi, lúc nào cũng sơ mi trắng đóng thùng, chạy xe phân khối lớn. Mái tóc bạc trắng bác để dài rồi buột túm sau gáy, trông rất nghệ sĩ.

Mỗi sáng bác Hải mặc đồ thể thao, xách vợt đi đánh tennis. Nhìn bác chắc khỏe, ngời ngời sức sống, chẳng có vẻ gì là… già, khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đám phụ nữ trong xóm nhìn bác rồi soi ông chồng bụng phệ, suốt ngày bia rượu, quanh năm chẳng rờ tới cây vợt mà chê bai, so sánh. Mấy ông chồng tức ấm ách mà không cách gì phản bác.

Vừa dọn về được một tuần, bác Hải làm vài bàn tiệc mời lối xóm để mừng tân gia và kết tình thân. Suốt mấy tháng dịch giã, nhà nào đóng cửa im ỉm nhà nấy nên giờ lối xóm có tiệc tùng, ai cũng hớn hở tới chung vui, coi như tiện dịp xả stress, tám chuyện với lối xóm.

Ai cũng nghĩ tiệc thường thôi vì thời buổi khó khăn, nhưng rồi ai cũng chưng hửng vì… quá sang, thức ăn toàn loại đặc sản quý hiếm, chứng tỏ bác Hải tài chính rất vững. Bữa tiệc rất vui vẻ nhờ bác thân thiện, dễ gần, lại biết cách thăm hỏi, pha trò.

Vợ bác - chị Nga (ai cũng gọi bằng chị vì quá trẻ) cũng rất biết chiều khách, nhất là chiều ông chồng có tính hay sai vặt. Thỉnh thoảng bác Hải lại kêu: “Nga ơi chỗ này thiếu đá”, “Nga ơi ra đón khách cho anh”, “Nga ơi bàn kia chưa đủ người”… Chị Nga miệng dạ dạ, xông xáo đi giải quyết vấn đề.

Cánh phụ nữ thấy chị Nga đối đáp với chồng ngoan ngoãn lễ phép thì e dè nhìn nhau, ái ngại. Chồng gọi mà vợ “dạ” hình như chỉ diễn ra lúc người ta mới cưới. Thường thì “gì anh” hay “anh cần gì”… hoặc có khi trống không “nghe rồi”.

Phe đàn ông thì khỏi nói, ngưỡng mộ bác Hải ra mặt. Làm chồng phải uy quyền kiểu ấy mới… sướng. Các ông liếc các bà vợ, với ẩn ý "học hỏi người ta đi"

Chồng tôi về nhà vắt tay lên trán, tấm tắc: “Thấy vợ người ta phát ham. Ngọt ngào, dễ bảo thấy sợ”. Tôi cười khì, phản bác: “Anh đưa em cục tiền, em chẳng cần đi làm, ngồi nhà rảnh rang bảo đảm… ngọt hơn chị Nga”. Chồng nín khe.

Cùng già đi bên nhau, hạnh phúc đến bạc đầu là điều ai cũng mong mỏi (Ảnh minh họa)
Cùng già đi bên nhau, hạnh phúc đến bạc đầu là điều ai cũng mong mỏi (Ảnh minh họa)

Bác Hải thuê người giúp việc nhà. Mỗi ngày chị Nga chỉ có mỗi việc đi chợ, rồi giao việc cho người làm. Cách chị đi chợ cũng… ngon hơn phụ nữ trong xóm, có tài xế đưa rước, xách đồ vào tận bếp. Cánh phụ nữ lại một phen “ngưỡng mộ”. Đàn bà có chút nhan sắc, chỉ cần ngồi không hưởng thụ, không phải sáng sớm mở mắt đã sấp ngửa lo chen chúc xuống đường đưa con đi học, tới sở làm. Chiều về bù đầu rước con, dọn nhà, nấu cơm…

Tôi xem qua mạng, thấy chiếc đầm rất sang, rủ chị Nga mua. Mắt chị sáng lên khi nhìn chiếc đầm, nhưng sau đó liền tối thui. Chị nói: “Đợi ổng về chị hỏi xin, ổng cho chị mới được mua”.

Trời đất ơi, mua có chiếc đầm mà nhiều thủ tục vậy sao? Thì ra không phải bác Hải có nhiều tiền là chị sướng, được tự do mua sắm theo ý thích. Người giàu, bỏ tiền ra là có tính toán, đâu có dễ ăn không của họ.

Thân quen rồi, chị Nga mới kể với tôi, giữa chị và bác Hải có hợp đồng hôn nhân. Chị chịu trách nhiệm chăm sóc bác Hải, rủi bác đau ốm hay mất trí nhớ, chị cũng không được rời khỏi. Chị mua sắm thứ gì cũng phải hỏi ý bác, đi đâu cũng phải xin phép. Nếu tuân thủ hợp đồng thì mỗi năm chị sẽ được trả tiền công, khi bác Hải mất chị sẽ được số vốn kha khá đủ để làm lại cuộc đời.

Chị ly hôn đã lâu, một mình nuôi con ăn học rất tốn kém, tiền nhà trọ thì mỗi năm mỗi tăng, chị còn cha mẹ già ở quê cần phụng dưỡng… Đồng lương công nhân cộng với tiền chị làm thêm vẫn không đủ xoay sở. Giọng chị nhỏ dần, nghèn nghẹn khiến tôi mủi lòng, không nỡ trách chị.

Bây giờ lối xóm hết ganh tỵ với chị Nga, vì thật ra chị đâu có sướng. Chị cũng “lao động” để đổi lấy miếng cơm, chỉ khác là “lao động” của chị thuộc dạng “việc nhẹ lương cao”.

Phụ nữ xóm tôi chia hai phe. Phe ủng hộ chị Nga thì bảo rằng làm gì cũng được, miễn có tiền nuôi con. Làm vợ hai đâu phải chuyện xấu. Có hợp đồng hôn nhân để mọi việc rõ ràng thì càng tốt. Phe phản bác thì bảo làm vợ kiểu vậy khác gì làm Ôsin, chẳng có chút quyền hành, càng không có chỗ cho yêu thương nảy mầm.

Tôi thấy tiếc giùm chị Nga, vì với sức khỏe ấy, nhan sắc ấy, chị có thể chọn công việc khác, người chồng phù hợp. Điều mọi phụ nữ mưu cầu là người đàn ông yêu thương, trân trọng mình, mang đến hạnh phúc, chỗ dựa ấm êm. Việc nhàn nhưng tủi cực, hao mòn nhân cách người đàn bà tự trọng. Những khi trái gió trở trời, những lúc chông chênh, liệu bác Hải có là chỗ dựa bình yên để chị dựa vào và tự vực mình đứng lên?

Khoảng trống phía sau hợp đồng hôn nhân ấy vời vợi lắm, không biết chị Nga có nghĩ vậy không?

                                                                                                                                                                                                                                                                    Thu Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI