Thoát nghèo nhờ trồng chuối

24/04/2014 - 15:07

PNO - PNO - Từ 1ha đất đồi bỏ không, chị Đinh Thị Bé (57 tuổi), một phụ nữ Chăm ở làng Suối Mây, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh, Bình Định) đã thoát nghèo, chăm lo học hành cho con cái.

edf40wrjww2tblPage:Content

Quanh năm làm lụng nhưng gia đình chị Bé vẫn thiếu ăn thiếu mặc, đi làm thuê làm mướn trong khi đất nhà bỏ hoang vì canh tác không hiệu quả. Năm 2012, chị Bé lặn lội đến xã Canh Hòa, Canh Thuận (Vân Canh) học hỏi mô hình kinh tế vườn rừng của các gia đình nơi đây. Từ những gì học được, chị Bé quyết tâm thoát nghèo từ 1ha đất vườn đồi của gia đình.

Thoat ngheo nho trong chuoi
Mô hình phát triển kinh tế của chị Bé là điển hình để Hội PN nhân rộng 

500 cây chuối chị Bé xin giống của bà con về trồng thử nghiệm trên đất đồi. Lấy ngắn nuôi dài, thời gian đầu chị xen canh các cây ngắn ngày như sả, ớt, đu đủ. Qua ba tháng, giống cây ngắn ngày cho thu hoạch, chị Bé bắt đầu có thu nhập từ mô hình của mình. Chị Bé nói: “Tháng 4.2012, tôi bắt đầu mua chuối giống và các cây ngắn ngày về trồng xen nhau. Qua ba tháng chăm sóc, chuối phát triển tốt mà các giống cây trồng xen cho thu hoạch. Thời điểm đó, ớt thu được bán giá từ 30.000đ - 40.000đ/kg, cây sả bán được từ 5.000 - 10.000đ/ bó. Hết mùa ớt, mùa sả thì cây thơm, cây đủ đủ cho quả. Cứ thế sau 3 tháng, vườn rừng của tôi cho thu hoạch thường xuyên, mỗi ngày thu nhập từ 80.000đ - 100.000đ. Tháng 4/2013, cây trồng chủ đạo là chuối bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Chuối ngày thường có giá 50.000đ - 70.000đ/ buồng. Ngày rằm, tết thì có giá từ 100.000đ/ buồng chuối trở lên. Đặc biệt dịp tết Nguyên Đán vừa qua, mỗi buồng chuối tôi bán được từ 300.000đ - 500.000đ. Riêng vụ chuối tết, gia đình tôi thu về 70 triệu đồng”.

Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, qua một năm làm kinh tế vườn đồi, cuộc sống gia đình chị Bé thay đổi hoàn toàn. “Trước đây, 4 mẹ con tôi bữa đực, bữa cái, làm thuê làm mướn chẳng đủ sống. Chống mất sớm, một mình nuôi 3 đứa con tuổi ăn, học vất vả vô cùng. Từ năm nay, tôi sẽ đầu tư chăm sóc cây trồng theo phương pháp khoa học, mua giống mới, đầu tư sâu hơn. Ba đứa con tôi nay đã khôn lớn, hai đứa vào đại học, một đứa đi nghĩa vụ công an tại huyện”, chị Bé tự hào nói.

Bà Mông Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vân Canh, cho biết: “Mô hình phát triển kinh tế của chị Bé là điển hình mà Hội PN địa phương cần nhân rộng cho chị em. Chúng tôi sẽ phối hợp với hội, đoàn thể tổ chức tập huấn các lớp kỹ thuật cho chị em để phát triển kinh tế gia đình tốt hơn, cần nhân rộng mô hình kinh tế thoát nghèo như thế này".

Theo lời bà Sinh, chị Bé không những làm kinh tế giỏi mà còn là một hội viên tích cực của Hội phụ nữ thị trấn. Ban ngày đi làm, buổi tối chị tranh thủ đến từng nhà, nói chuyện, vận động chị em phụ nữ trong làng làm kinh tế thoát nghèo. Chị gõ cửa các gia đình, nói chuyện về những mô hình phụ nữ tích cực như CLB nói không với thuốc lá, CLB xây dựng gia đình bên vững... Chị Bé trở thành một trong những tấm gương phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đảm việc nhà, giỏi việc làng nước.

THU DỊU - ĐÌNH DẶM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI