Thế giới đang rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí hậu, ông Joe Biden hứa sẽ "vào cuộc"

14/12/2020 - 11:16

PNO - Hôm 12/12, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói trong hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu rằng, thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt mức phát thải ròng CO2 bằng 0. Trong khi đó, ông Joe Biden - người được cho là tổng thống đắc cử - cam kết sẽ đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris vào những ngày đầu nhiệm kỳ.

Ngày 12/12, tại Paris, Pháp, tòa thị chính thành phố đã thắp lên ánh sáng xanh để kỷ niệm 5 năm hiệp ước quốc tế nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu  Ảnh: AP
Ngày 12/12, tại Paris, Pháp, tòa thị chính thành phố đã thắp lên ánh sáng xanh để kỷ niệm 5 năm hiệp ước quốc tế nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu Ảnh: AP

Cần ban bố tình trạng khẩn cấp 

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Liên Hiệp Quốc, Anh và Pháp đồng tổ chức, ông António Guterres đề nghị các chính phủ nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu cho đến khi thế giới đạt mức phát thải CO2 ròng bằng 0.

Ít nhất 38 quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, phần lớn thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp giúp các nước khẩn trương đẩy mạnh những hành động giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Ngày càng nhiều chính phủ đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, nhưng ít nước có kế hoạch chi tiết về cách đạt được điều đó. 

Ngược lại, nhiều quốc gia đang đổ tiền vào các hoạt động phát thải lượng CO2 cao. Ông Guterres lưu ý rằng, các nước G20 đã chi hơn 50% gói kích cầu của mình vào khai thác nhiên liệu hóa thạch và những lĩnh vực sử dụng nhiều CO2 . Ông tuyên bố: “Hàng ngàn tỷ USD để phục hồi kinh tế sau COVID-19 là khoản tiền mà chúng ta đang vay từ các thế hệ tương lai. Đây là một bài kiểm tra đạo đức”.

Hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới đã tham dự hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu, đánh dấu 5 năm kể từ thỏa thuận khí hậu mang tính bước ngoặt ở Paris. Theo thỏa thuận Paris, các quốc gia nhất định phải giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng thấp hơn 20C so với thời tiền công nghiệp. 

Tuy nhiên, cam kết mà các nước đưa ra là không đủ. Hiện tại, nạn cháy rừng ở Amazon, Úc và Mỹ, lũ lụt ở Bangladesh và Đông Phi, nhiệt độ tăng kỷ lục ở Bắc Cực đã làm tăng hơn 30C. Chính vì thế, tại hội nghị thượng đỉnh hôm 12/12, các nhà lãnh đạo thế giới hứa sẽ cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa ra các mục tiêu dài hạn là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060.

Mỹ sẽ quay lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Mỹ không có đại diện tại hội nghị thượng đỉnh bởi hội nghị chỉ mở cửa cho các nước sẵn sàng đưa ra cam kết mới mạnh mẽ, điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khước từ. Tuy nhiên, ông Joe Biden đã báo hiệu ý định trở lại trong tương lai.

“Mỹ sẽ tham gia lại Hiệp định Paris vào ngày đầu tiên tôi làm tổng thống. Tôi sẽ ngay lập tức làm việc với các đối tác trên khắp thế giới để làm tất cả những gì chúng tôi có thể, bao gồm cả việc triệu tập các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trong vòng 100 ngày đầu tiên tôi nhậm chức”. Ông Biden nhắc lại cam kết tranh cử của mình rằng, chính quyền của ông sẽ đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải của Mỹ xuống mức bằng 0 “không muộn hơn năm 2050”.

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc gọi động thái từ ông Biden là “một tín hiệu rất quan trọng”. Ông Guterres nói: “Chúng tôi mong đợi sự lãnh đạo tích cực của Mỹ trong hành động về khí hậu từ bây giờ. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, điều này hoàn toàn cần thiết cho mục tiêu mà chúng ta cần đạt được”. 

Tấn Vĩ (theo AP, Guardian, Reuters)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI