Thế giới đã biết những gì về mũi vắc xin thứ tư?

16/05/2022 - 14:18

PNO - Khi số ca COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhiều quốc gia chọn cung cấp liều vắc xin thứ tư (mũi bổ sung thứ hai) cho các nhóm nguy cơ như người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu.

Hiện đã có một số nghiên cứu về hiệu quả của liều vắc xin COVID-19 thứ tư, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về việc khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu, và liệu mũi tiêm có mang lại lợi ích cho các bộ phận dân số khác hay không. Sau đây là những gì dữ liệu thể hiện cho đến nay.

Liều thứ tư cho người cao tuổi có hiệu quả như thế nào?

Hầu hết dữ liệu đến từ Israel, quốc gia tiên phong tiêm mũi thứ tư cho những người từ 60 tuổi trở lên, cũng như các nhóm nguy cơ cao như người bị ức chế miễn dịch và người chăm sóc của họ.

Một nghiên cứu đã so sánh hiệu quả giữa liều thứ ba và thứ tư của vắc xin mRNA Pfizer. Trong đó xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 182.000 người từ 60 tuổi trở lên từ ngày 3/1/2022 đến ngày 18/2/2022 - khi biến thể Omicron chiếm ưu thế.

Những phát hiện được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, liều thứ tư cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn đáng kể đối với ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong trong ít nhất một tháng.

Vào giai đoạn 7 - 30 ngày sau tiêm, khi so sánh với nhóm chỉ tiêm mũi ba, nhóm đối tượng chích mũi thứ tư có mức chênh lệch hiệu quả chống lại nhiễm trùng cao hơn 45%. Tỷ lệ chênh lệch này là 55% chống lại ca bệnh có triệu chứng, 68% chống lại việc nhập viện, 62% chống lại ca bệnh nặng và 74% chống lại nguy cơ tử vong.

Trong khi đó, một thử nghiệm nhỏ trên 166 người phát hiện ra rằng, một liều Pfizer đầy đủ hoặc một nửa liều Moderna được tiêm ở mũi thứ tư - khoảng bảy tháng sau mũi thứ ba - giúp tăng cường miễn dịch cho người cao tuổi.

Theo kết quả được công bố trên tạp chí The Lancet, lượng kháng thể tăng gấp 1,6 lần ở những người được tiêm vắc xin Pfizer và tăng hơn gấp hai lần đối với những người được tiêm Moderna so với mức đỉnh của kháng thể sau mũi thứ ba.

Israel là quốc gia tiên phong trong việc tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ tư cho nhóm dân số có nguy cơ cao
Israel là quốc gia tiên phong trong việc tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư cho nhóm dân số có nguy cơ cao

Mũi tiêm thứ tư có an toàn?

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo trong thử nghiệm ở Anh nhưng được coi là không liên quan đến vắc xin. Tác dụng phụ được báo cáo nhiều nhất là đau tại chỗ tiêm, chủ yếu là nhẹ hoặc trung bình, kèm theo đó là mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu và đau cơ.

Khả năng bảo vệ kéo dài bao lâu?

Nghiên cứu ở Israel với hơn 1,2 triệu người cho thấy khả năng bảo vệ của liều thứ tư chống lại ca bệnh nặng không suy giảm trong sáu tuần sau khi tiêm. Dù vậy, khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng suy yếu sau bốn tuần và nghiên cứu kết luận rằng cần phải kéo dài thời gian thu thập dữ liệu để hiểu rõ sự suy giảm này.

Thử nghiệm ở Anh cho thấy liều vắc xin mRNA thứ tư được tiêm hơn sáu tháng sau lần chích thứ ba đã cung cấp sự gia tăng đáng kể số kháng thể chống lại protein gai bám của SARS-CoV-2. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết hiện tượng này có thể sẽ "suy yếu nhanh chóng", tương tự những gì từng ghi nhận sau liều thứ ba. 

May mắn, vắc xin cũng kích hoạt sản xuất các hệ thống phòng thủ miễn dịch khác, bao gồm cả tế bào T, giúp bảo vệ lâu dài hơn.

Dù khả năng miễn dịch giảm dần sau khi tiêm, mũi bổ sung có thể tăng cường khả năng phòng thủ của hàng rào tế bào T
Dù khả năng miễn dịch giảm dần sau khi tiêm, mũi bổ sung vẫn có thể tăng cường khả năng phòng thủ của hàng rào tế bào T chống lại COVID-19

Mũi tiêm thứ tư có mang lại lợi ích cho tất cả mọi người không?

Mặc dù mũi tiêm thứ tư được coi là hợp lý đối với các nhóm dân số có nguy cơ, nhưng lợi ích của nó đối với phần còn lại của cộng đồng dường như ít hơn dựa theo số liệu có sẵn hạn chế.

Trong một nghiên cứu lâm sàng không ngẫu nhiên, ở Israel, 272 nhân viên y tế đã được tiêm liều thứ tư bằng vắc xin COVID-19 của Pfizer hoặc Moderna. Nhóm đối chứng gồm hơn 500 nhân viên y tế ở độ tuổi phù hợp chỉ tiêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu phát hiện ra mũi tiêm thứ tư của cả hai loại vắc xin đều góp phần nâng mức kháng thể chống lại Omicron và các biến thể khác. Thế nhưng không có sự khác biệt đáng kể về đáp ứng miễn dịch hoặc mức độ kháng thể trung hòa đặc hiệu Omicron giữa liều thứ tư so với liều thứ ba. Điều đó cho thấy việc tiêm liều thứ tư là ít cần thiết cho đại đa số dân cư nói chung.

Ý kiến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết quan điểm của WHO là các quốc gia có thể quyết định tiêm liều thứ tư cho một số nhóm đối tượng nhưng không nên tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành.

Bà Swaminathan nói: “Các nước cần ưu tiên hai mũi tiêu chuẩn để đảm bảo rằng mọi người đều được bảo vệ, sau đó cung cấp thêm một lớp bảo vệ bổ sung cho những người cần đến nó”.

Tấn Vĩ (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI