Thảo dược hỗ trợ thải độc

10/01/2023 - 06:06

PNO - Khi tỉ lệ mỡ, đường, acid uric… trong máu, mỡ trong gan tăng cao vượt ngưỡng; bạn có thể kết hợp dùng thảo dược để giúp đẩy nhanh độc tố.

Nấm mèo, ngân nhĩ giúp giảm béo, giảm mỡ máu
Nấm mèo, ngân nhĩ giúp giảm béo, giảm mỡ máu

Mỡ, đường, đạm… vốn là các dưỡng chất căn bản nuôi dưỡng cơ thể. Tuy nhiên, khi vượt quá ngưỡng cho phép thì chúng lại trở thành “rác”, gây ra các bệnh lý và biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp; bạn có thể kết hợp dùng thêm các loại thảo dược như dưới đây.

Gừng, riềng, sả, lá mơ lông, hẹ, lá lốt, vỏ quýt, hành, tỏi, nghệ… là các loại thảo dược hỗ trợ tốt cho tì vị, tiêu hóa; đặc biệt hữu ích cho người thường bị đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng, phân sống. Bạn nên kết hợp khi chế biến món ăn mỗi ngày; đặc biệt với các thực phẩm có tính âm, hàn lạnh cần tăng lượng thảo dược kể trên. Các nguyên liệu chế biến nên thái nhỏ, hầm mềm; hạn chế dầu mỡ, chiên xào; ăn khi còn nóng. 

Vào buổi tối nên dùng các loại hạt sen, khiếm thực, hoài sơn (củ mài), ý dĩ, yến mạch, xích tiểu đậu, hạt hẹ… kết hợp gạo tẻ, thịt heo, gà nạc để nấu cháo; nên ăn trước 18 giờ. Song song đó cần hạn chế ăn uống đồ sống, lạnh như: salad, kem lạnh, uống nước đá lạnh, cà chua sống, cà pháo, măng, cam, chanh, dừa, dưa leo…

Thảo dược, thực phẩm hỗ trợ giảm mỡ máu, mỡ trong gan, giảm cân như: sơn tra (táo mèo), trần bì (vỏ quýt), hạt củ cải, lá sen phơi âm can hoặc lá tươi… thay phiên hãm trà uống mỗi ngày, lượng 4-6g/ngày/người. Nấm mèo trắng - đen, nấm tuyết kết hợp làm salad, nấu xúp, nấu canh ăn hằng ngày. Tinh bột nên thay gạo trắng bằng gạo lứt, yến mạch nguyên cám, ngô, các loại hạt đậu… 

Ưu tiên dùng các loại rau củ: măng, bí đao, cà chua, khoai lang, củ cải trắng, cà rốt, quả sung, tảo bẹ, rong biển, phổ tai, rau cần, rau sam, diếp cá, tỏi, hành tây; các loại rau quả có vị chua như cam, quýt, bưởi, táo tây (trừ người bị đau dạ dày). Nên sử dụng ở dạng tươi sống, ít chế biến như: ăn trực tiếp, xay sinh tố, luộc, hãm trà, nấu cháo… Bữa tối nên thay phiên dùng các loại cháo nấu với thảo dược như: sơn tra, lá sen, hoàng kỳ, bạch phục linh, đậu đỏ, khoai lang, cà rốt, củ cải trắng, nấm mèo, nấm tuyết… để giúp giảm mỡ.

Nếu bị mỡ máu kèm tăng huyết áp, sử dụng thêm các loại có tính an thần, hạ áp, thông tiểu như lá vông, thảo quyết minh/tim sen/hoa hòe sao thơm, ngó sen, cúc hoa trắng (chọn loại cúc nụ), kỷ tử, hạt rau cần… Lượng dùng dao động trong khoảng 6-10g/ngày/người. Tùy điều kiện và sở thích, thay phiên sử dụng dưới dạng nấu nước hoặc hãm trà uống mỗi ngày. Có thể uống thêm nước râu bắp, nước bắp luộc, nước nấu từ rễ (hoặc nõn) chuối tiêu.

Thảo dược hỗ trợ giảm acid uric: lá sa kê, lá ổi non nấu nước uống; đậu bắp luộc, sinh tố/nước ép dưa leo. Ngoài ra, bệnh nhân gút còn cần hạn chế rượu, cà phê, trà, nước uống có gas. Hạn chế ăn thực phẩm chua: hoa quả chua, canh chua, nem chua. Tích cực uống nước, đặc biệt là nước khoáng kiềm. Giảm mỡ, giảm cân đối với bệnh nhân béo phì.

Thảo dược hỗ trợ người bị đái tháo đường: Trà khổ qua, trà xanh, trà bí đao, trà dây thìa canh; cháo/xúp cà rốt, củ cải trắng, bí đao, đậu xanh, đậu đỏ; cá diếc nướng; hẹ non nấu canh/xào không cho muối… 

 Hà Nguyễn (đông y sĩ, Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI