Thả

03/08/2014 - 20:00

PNO - PNCN - Chị chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nói vui thì chúng tôi đều thuộc thế hệ trẻ trung, nhiệt tình học tập, lao động, tư tưởng cấp tiến, kiên trì chủ nghĩa độc thân. Nhưng nhìn từ góc độ của gia đình thì chị cũng chẳng trẻ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hôm qua tôi gặp lại chị. Chị làm thư ký hội đồng trong một buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ. Từ khi ra trường, mỗi người mỗi việc, rất ít gặp nhau ngoài đời, nên giờ giáp mặt chị, tôi ngỡ ngàng. Chị khác hẳn xưa rồi, thời gian đã hằn in rõ trên da trên tóc chị, trên cả dáng đi. Mà khác nhất là chị mập lên nhiều đến độ tôi không nén nổi, phải thốt một câu nghe buồn lòng: “Sao phát tướng dữ vầy chị!”. Nhưng chắc nhiều người đã nói thế, nên thấy chị chẳng buồn, chỉ nhăn nhăn cười: “Ờ, thì tao thả một phát, nó lên phà phà!”. Sự thay đổi về hình tướng hình như cũng khiến chị chậm chạp hơn, bớt linh hoạt, bớt duyên dáng hơn. Tôi nghĩ chị đang thả mình thật, thả ngay từ những chăm chút nhỏ cho bản thân.

Trưa đi ăn cơm cùng nhau, chị nhắc lại chuyện tình với Paul, anh chàng lãng tử người Pháp mà chị vẫn gọi là “người tình trăm năm”. Mới đó mà hơn mười năm. Ngày đó, Paul chỉ sang Việt Nam một thời gian ngắn để học thêm, tìm hiểu văn hóa và tìm tư liệu cho cuốn sách đang viết dở, nên khi quen anh, hẳn chị đã biết sẽ có ngày chia xa. Nhưng Paul thì “tây”, không trì hoãn, không lo sợ ngày mai, còn chị thì cuồng nhiệt cuốn theo cuộc tình đặc biệt của mình. Dạo ấy tôi thấy hai anh chị đi thăm thú khắp nơi từ Nam ra Bắc, rồi còn viết chung với nhau nhiều bài báo khám phá địa danh, nhiều bài điểm sách. Chị bảo hồi đó định “uốn nắn” Paul, “dụ” anh chàng ở lại làm rể Việt luôn. Nhưng nói xong, chính chị cũng cười buồn: “Tao biết ảnh chẳng bao giờ làm vậy”. Ba năm sau, hết khóa học, Paul về nước.

Tha

Chị bắt đầu dấn vào những chuyến du lịch - niềm đam mê cũ trở thành đam mê lớn nhất. Chị làm việc chăm chỉ, cật lực kiếm tiền, nhưng không phải để chăm chút bản thân, không phải để dành dụm cho tương lai. Tiết kiệm được bao nhiêu, chị đổ vào những chuyến đi dài ngày. Suốt những mùa hè, mọi người thấy trên facebook của chị là hình ảnh Tây Tạng, Nga, châu Âu châu Mỹ… Ngưỡng mộ thật đấy, thầm ganh tỵ với chị, vì chẳng ai trong chúng tôi dám bỏ nhiều tiền đến thế cho một sở thích riêng.

Chị nói, có lần sang Pháp, chị cố tình đi tìm Paul. Cũng không khó khăn lắm để tìm ra một người trong thời buổi công nghệ này; thế là chị biết sau ngần ấy năm, anh đã dần quên cô gái Việt Nam, đã ổn định cuộc sống bên đó rồi. Tây sống khỏe thật, có thể bắt mạch ngay vào nhịp sống khác; chẳng như chị, đã một lần đi theo dòng cảm xúc lạ là “đi” luôn. Paul có vợ rồi, nên chị cũng chẳng còn thiết tha quay lại Pháp.

Trong bao nhiêu năm, nói chị không yêu ai nữa thì không phải. Nhưng vài lần yêu mấy ông văn nghệ sĩ đã có gia đình thì… có cũng bằng không. Mà chị nói, do chị chọn thôi. Họ có gia đình, nên vững chãi, trưởng thành, không lơn tơn bay bổng nữa, chị thấy yên tâm. Vì bản thân chị đã là một cơn gió không neo đậu vào đâu rồi, sao có thể yêu một cơn gió khác? Phải chọn những ngôi nhà, những bến bờ mà tạm trú chứ sao.

Tôi thầm nể chị, nhưng cũng sợ cuộc sống như chị - thả mình bất tận. Một mái nhà, một gia đình để chăm lo có thể làm cho người phụ nữ trở nên mệt mỏi, phờ phạc, nhưng cũng khiến họ cân bằng, đủ đầy. Thả mình bay đi hay túm lấy một cái bến đã không còn là chuyện tất định của người phụ nữ, mà thành quyền lựa chọn của họ. Nhưng có nên chọn như chị không? Ngồi cùng chị, thấy chị vừa hả hê với những thú vui riêng, vừa cảm thấy có gì đó chông chênh, trong chính hình vóc, trên mái tóc, trong giọng cười đôi lúc đượm buồn… Tự tạo hạnh phúc cho mình mà phải liên tục giữ để không thả mình vào nỗi buồn chán, vào sự thờ ơ với bản thân, có lẽ cũng là một gánh nặng.

HỒNG ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI