Tết vẫn còn xa…

01/02/2016 - 09:31

PNO - Đã năm cái tết xa nhà, xa chồng, xa con mà chị vẫn không sao quen được cảm giác trống trải, hụt hẫng. Nhìn đâu cũng thấy nhớ.

Tet van con xa…
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Những cơn gió tháng Chạp xao xác sau lưng, rằm cuối năm bắc ghế lặt lá mai cho nhà chủ, năm nào cũng vậy, tự dưng mắt chị Sáu Ri (quê ở Cai Lậy, Tiền Giang) ầng ậng nước. Đã năm cái tết xa nhà, xa chồng, xa con mà chị vẫn không sao quen được cảm giác trống trải, hụt hẫng. Nhìn đâu cũng thấy nhớ.

Đêm giao thừa chuẩn bị mâm cúng cho chủ nhà, bất giác chị bần thần: Giờ này nhà mình ra sao? Treo các phong bao lì xì trang hoàng cây mai, chị nhói lòng: Mấy đứa nhỏ có thức đợi cúng giao thừa không? Dán giấy đỏ trang trí cặp dưa hấu, chị chột dạ: Liệu cha nó có kịp bắt chuyến xe cuối cùng về với bầy con?…

Da diết nỗi nhớ nhà

Từ ngày mùa màng thất bát, trông mòn con mắt chẳng ai kêu đi làm thuê, nghe mấy chị em trong xóm rủ nhau lên thành phố tìm việc, chị Sáu Ri cứ lừng khừng “mình đi rồi ai trông ba đứa nhỏ, đứa lớn nhất mới chín tuổi đầu?”.

Đêm trở mình, xoay dọc, lộn ngang, chị đánh liều khều chồng. Hóa ra anh vẫn chưa ngủ, mở mắt trân trân nhìn nóc mùng. “Chắc tui lên thành phố mần. Cha ở nhà trông tụi nhỏ nghen”. Sáng tinh mơ chị đi như chạy ra khỏi làng, bắt chuyến xe đò, tay khư khư giữ chiếc giỏ lát trong đựng ba chiếc áo của các con, phòng khi nhớ quá lấy ra hít hà “mùi” tụi nhỏ.

Chốn thị thành, tìm việc chi cũng khó. Chị đánh liều xin giúp việc nhà. Chủ nhà là đôi vợ chồng son nên công việc của chị cũng nhẹ nhàng. Vài tháng được cô chủ cho chút tiền về quê thăm con. Tết nhất họ đi du lịch xa nên chị được về nhà ăn tết.

Nhưng chỉ được hai năm thì vợ chồng ấy đi tu nghiệp nước ngoài, họ giới thiệu chị đến làm cho người đồng nghiệp. Vừa gặp mặt, nghe giao hẹn chị giật mình cái rột: “Tết nhà em đông khách lắm nên chị không về quê nha. Em gửi chị thêm một tháng lương, cộng tiền lì xì. Rằm tháng Giêng chị về ba, bốn bữa cũng được, tiền xe em lo hết”. Chị Sáu Ri gật đầu mà dạ rối bời.

Chị vẫn còn nhớ cái tết đầu tiên xa nhà. Giao thừa, nhìn làn khói nghi ngút trong bát nhang nhà chủ, mắt chị cay xè. Sáu Ri thức trắng đêm ôm riết mấy cái áo của con, thổn thức. Mấy ngày tết, chị xoay như chong chóng, chuẩn bị bàn tiệc này, sắm sửa mâm cúng kia, không ngơi tay. Vất vả vậy nhưng chị vẫn không thôi bần thần: “Giờ này ba đứa nhỏ thế nào? Cha chúng có chuẩn bị nồi thịt kho hột vịt cho con trẻ no nê đầu năm?”.

Sáu Ri đi qua những ngày người người vui vầy sum họp gia đình trong nỗi nhớ vơi đầy, để rồi tết nào cũng như tết đầu tiên. Lòng chị vẫn đau, tim vẫn nhớ, mặc cho con trẻ hồn nhiên thỏ thẻ: “Con quen rồi má ơi. Con không buồn, cũng bớt khóc rồi”. “Vất vả bao nhiêu tui cũng chịu được. Nhưng những ngày đầu năm sao dài lê thê, bao năm rồi vẫn không thể nào quen nổi…”, Sáu Ri rơm rớm.

Hai mươi tuổi, quê Đồng Tháp, Bé Bảy liên hệ với công ty giới thiệu người giúp việc nhà và làm cho chị Hạnh Xuân (Q.2) được hơn hai năm. Chị Xuân cũng thỏa thuận: Bé Bảy sẽ không nghỉ tết. Được nghỉ bù nửa tháng từ mùng mười. Được thưởng thêm tháng lương cuối năm bốn triệu đồng, kèm ba triệu tiền lì xì.

Còn trẻ, ham vui nên buổi đầu Bé Bảy gật đầu cái rụp. Tết đầu tiên em phụ chị Hạnh Xuân lo tiệc tùng. Nấu nướng túi bụi. Rửa chén đĩa mệt phờ. Vậy mà em vẫn len lén ngó tờ lịch treo tường, trông cho tết mau qua. Lần đầu xa gia đình, Bé Bảy nhớ tiếng cha mẹ, tiếng anh chị em xôm tụ trong ngôi nhà nhỏ đêm giao thừa. Lén quệt nước mắt, em tự nhủ: “Tết gì mà buồn dữ thần!”.

Năm sau, chị Hạnh Xuân có em bé. Không biết vì đã quen với tết xa nhà, hay bận trông trẻ mà Bảy ít khóc hơn. Dỗ em bé bú sữa, thay tã, tắm em, trong đầu Bảy nhẩm tính: Trước khi về quê, phải tranh thủ chạy ra chợ mua cho má hộp bánh tây. Mua cho cha bộ đồ mới. Mua mấy ổ bánh mì trước khi leo lên xe đò. Tính tính toán toán vậy mà vui, thấy tết chắc chưa đi xa lắm, còn chờ Bé Bảy về sum họp cùng cả nhà…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI