Tết hoài niệm là tết của người trưởng thành

17/01/2020 - 10:27

PNO - Có người lại dí dỏm tổng kết năm bằng câu: “Lại một năm nữa sắp trôi qua, chả thấy gì, chỉ thấy già…”. đâu đó nghe những nỗi niềm: càng lớn càng sợ tết, chớp mắt trôi vèo hết một năm.

Người ta bắt đầu râm ran nhắc tết, khi những đóa cúc họa mi bắt đầu bung nụ giữa mùa đông. Trên trang Facebook, thấy bạn đăng bức ảnh “chế” khoe tiền, những khoản chi tiêu, tiết kiệm, vui tết được hoạch định và phân chia khá hài hước: xấp tiền mệnh giá lớn 500 ngàn, 200 ngàn thì để trả nợ; vài đồng 50 ngàn, 20 ngàn thì sắm tết, còn những đồng 5 ngàn, 2 ngàn… thì… tiêu tết.

Có người lại dí dỏm tổng kết bằng câu: “Lại một năm nữa sắp trôi qua, chả thấy gì, chỉ thấy già…”. Gặp nhau cuối năm, chuyện tán gẫu quẩn quanh thưởng tết bao nhiêu, sắm tết như thế nào, chơi tết ở đâu… Trong hàng tá chuyện mùa tết, đâu đó nghe những nỗi niềm: càng lớn càng sợ tết, chớp mắt trôi vèo hết một năm. Hồi bé, mong mãi mới đến tết, thèm tết đến phát cuồng. Cái câu thèm tết, nghe bỗng xôn xao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thèm tết, là thèm những thức quà ở chợ phiên. Đi chợ tết tựa như một phần thưởng lớn, dành cho những đứa trẻ ngoan và có thành tích học tập tốt. Phải thức dậy từ rất sớm, háo hức quá còn mặc sẵn cả quần áo từ… đêm hôm trước. Nhiệm vụ lớn lao nhất khi đến chợ là… ngồi trông nom quang gánh, hàng hóa của mẹ. “Thù lao” mẹ thưởng là những chiếc bánh rán, bánh nếp, có khi là bánh đúc, vài khúc mía, quả cam…

Khi đã sắm sửa hòm hòm, mẹ sẽ “bố trí” người trông hàng hộ, dắt đi dạo chợ. Được ướm thử những bộ đồ mới. Được đi chợ đồng nghĩa sẽ có thêm một đặc ân nào đó khác, một đôi dép mới, hay chiếc khăn, hoặc đôi bông tai nhựa… Chợ tết người người nêm vào nhau, chen chúc một hồi đã thấy mỏi rã chân. 

Tết là lúc được ăn sung sướng nhất. Nếu ngày thường món ngon là tóp mỡ chấm nước mắm; cá lia thia kho lá nghệ khô queo, chỉ khi ốm mới được ăn mì tôm, ăn cháo xương… thì tết sẽ khác. Cha sẽ tìm một chỗ đụng lợn. Túi thịt mang về chia nhỏ các phần, nào để gói bánh chưng, rang khô, luộc, cuốn giò hoa, một ít bằm làm nem.

Không có tủ lạnh, thực phẩm đều được sơ chế qua, gói ghém trong lá chuối treo lên cạnh bếp. Căn bếp luôn đỏ lửa sẽ không khiến bầy ruồi tới gần. Rồi có thêm thịt gà, cá trắm kho màu vàng cánh gián… Miếng thịt gà luộc xé chấm muối tiêu chanh có dầm nhuyễn huyết chín, ăn kèm thêm một nhúm xôi, đó là sơn hào hải vị.

Sẽ có canh khoai tây, cà rốt, su hào, măng khô hầm xương. Rồi thêm món miến nấu lòng gà nổi váng mỡ vàng óng ánh, cho thật nhiều ngò rí, ngò gai thơm điếc mũi.

Tết sẽ được mừng tuổi. Mỗi mùa chỉ được độ mười lăm, hai chục ngàn mà cứ mang ra đếm mãi. Đếm xong, vuốt tiền cho thật phẳng, lấm la lấm lét đem cất ở nơi bí mật. Nhà có bốn chị em, đứa được mừng tuổi nhiều nhất là thằng út. Thế là tỉ tê lừa em, đổi cho em nhiều tờ mệnh giá nhỏ để lấy một tờ mệnh giá lớn. Đổi xong lại áy náy, lại an ủi nó bằng những lời hứa, sẽ mua kem cho ăn, sẽ nhét dành heo nhựa…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mùng Hai hoặc mùng Ba tết, cả nhà sẽ có cơ hội chụp ảnh. Đó là dịp chụp ảnh gia đình duy nhất trong năm. Ảnh chung cả nhà, ảnh riêng mấy chị em, ảnh riêng cha mẹ. Xưa chụp bằng phim, có những năm ông thợ chụp xong mất hút, tìm đến tận nơi đòi mới biết… cháy phim.

Ngoài chụp ảnh với gia đình, thì trích tiền mừng tuổi một khoản đi chụp ảnh cùng bạn thân. Vẫn là bộ đồ chỉn chu nhất đã mặc mấy ngày liền chưa thay, đạp xe đèo nhau lóc cóc đến hiệu ảnh. Chỗ chụp chỉ có vài ba cảnh trí do chủ tiệm sắp sẵn. Thế nên sau tết khoe ảnh, đứa nào cũng có cảnh đứng chỗ ấy, ngồi chỗ ấy… 

Đám trẻ ở quê thường đón tết trong hai thái cực, vừa vui lại vừa lo. Lo vì tết đến đúng dịp mùa cấy, nên cứ thấp thỏm không biết được chơi đến hôm nào thì phải đi tát nước, đặt mạ chỗ ruộng sắp cạn. Cứ thấy người lớn vô lý khi sốt sắng qua mùng Hai đã tính ra đồng. Nhưng ra đồng rồi lại thấy vui lạ. Mấy đứa nhóc rủ rỉ nhau đi xin lộc ở các khoảnh mộ chí trong cảm giác vừa sợ vừa thích thú. Làng quê lạ lắm, thấy “ngót” đồ cúng lại vui, ý nghĩ vô cùng mộc mạc: lộc nhà mình có người cùng hưởng, năm mới sẽ may mắn hơn.

Tết bây giờ đầy đủ mọi thứ, người ta tìm kiếm giá trị tinh thần từ tết nhiều hơn vật chất. Thật vui khi được về nhà, thấy không khí chộn rộn, cả nhà chung tay dọn dẹp vẫn còn đó. Có những món đồ cũ mình gom tính bỏ đi, lát sau lại thấy cha nhặt nhạnh về. Thế là lại ồn ào tranh luận, lại phân tích, giải thích…

Tết hoài niệm là tết của người trưởng thành. Ảnh minh hoạ
Tết hoài niệm là tết của người trưởng thành. Ảnh minh hoạ

Cha mẹ giữ hồn quê trong góc bếp củi nhỏ xinh nằm cuối sân nhà. Bận đến mấy vẫn dành thời gian đủng đỉnh rửa lá dong, cẩn thận tõe ra hong cho ráo nước. Mấy anh em trai đằng cô đằng cậu luôn hướng về nguồn cội, vẫn tập hợp nhau thành “tiểu đội” gói bánh chưng, vừa làm vừa tếu táo. Mẹ canh lửa nấu bánh vẫn ủ vào than những củ khoai. Mẹ bảo, có đói khát gì nữa đâu, mà vì nhớ cái mùi thơm này, nhớ những xuýt xoa của các con khi nhận khoai từ tay mẹ thuở nào… 

Thèm tết xưa, nhớ một miền ký ức thiêng liêng tươi sáng đã đi qua, đừng nghĩ là tư duy cũ kỹ của người hay hoài niệm, tôi gọi tên điều đó là trưởng thành. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI