Tế bào gốc tiếp tục thắp lên hy vọng chấm dứt HIV/AIDS

05/08/2022 - 17:45

PNO - Hy vọng đó đến từ sự kiện bệnh nhân thứ tư trên thế giới hoàn toàn được chữa khỏi tình trạng nhiễm HIV và ung thư máu sau ca cấy ghép tế bào gốc thành công. Dù các chuyên gia cảnh báo đây không phải là phương pháp chữa trị HIV có thể áp dụng đại trà nhưng vẫn lóe lên tương lai đầy hứa hẹn cho người bệnh.

 

Liên minh toàn cầu UNAIDS, UNICEF và WHO hướng đến việc chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030 - Ảnh: WHO
Liên minh toàn cầu UNAIDS, UNICEF và WHO hướng đến việc chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030 - Ảnh: WHO

Mở ra các ý niệm mới trong điều trị

Cuối tháng Bảy vừa qua, Bệnh viện City of Hope - đơn vị nghiên cứu và điều trị ung thư lớn nhất nước Mỹ - đã công bố bước đột phá nói trên tại Hội nghị quốc tế về AIDS diễn ra ở Montreal (Canada). Nam bệnh nhân 66 tuổi (phát hiện nhiễm HIV từ năm 1988) đã được xác định không còn nhiễm virus HIV và khỏi cả ung thư. Đây là trường hợp thứ tư trên thế giới và là người lớn tuổi nhất giảm tải lượng virus HIV một cách bền vững mà không cần phải sử dụng thuốc kháng virus ARV. Ông đã trải qua hơn một năm điều trị sau khi nhận tế bào gốc từ một người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp.

Theo phó giáo sư Jana K.Dickter - thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm của City of Hope - bệnh nhân đã trải qua phác đồ hóa trị giảm cường độ trước khi được phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc. “Hóa trị giảm cường độ giúp cơ thể dễ dung nạp tế bào cấy ghép hơn đối với bệnh nhân lớn tuổi và giảm khả năng xảy ra các biến chứng liên quan”, bà Dickter nói.

Đầu tiên, bệnh nhân được cấy tế bào gốc từ máu vào năm 2019 nhằm điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (một dạng ung thư máu) từ một người hiến tặng không có quan hệ huyết thống, có đột biến gen hiếm gặp là đồng hợp tử CCR5 Delta 32. Gen đột biến này khiến cơ thể có khả năng chống lại một số chủng HIV. CCR5 là một thụ thể trên tế bào miễn dịch CD4+ và virus HIV sử dụng CCR5 để xâm nhập và tấn công hệ miễn dịch. Nhưng CCR5 đột biến sẽ lại ngăn chặn quá trình đó, đồng thời ngăn không cho HIV xâm nhập vào tế bào để nhân số lượng lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại cảnh báo đó không phải là phương pháp chữa trị khả thi đối với virus. Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Quốc gia Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ - khuyến cáo: “Sẽ không thực tế khi nghĩ rằng đây sẽ là phương pháp có thể phổ biến rộng rãi. Nó chỉ nên được xem như một bằng chứng mở ra các ý niệm mới trong điều trị. Cấy ghép tủy xương là một thủ thuật hết sức nguy hiểm, đầy rủi ro. Cho nên việc thực hiện phương pháp này trên những người nhiễm HIV được coi là phi đạo đức, trừ khi bệnh nhân cũng cùng lúc bị ung thư và cần cấy ghép như một phần của quá trình điều trị ung thư”.

Nhiều bước tiến đáng kinh ngạc 

Mặc dù phương pháp chữa trị trên rất khó áp dụng cho bệnh nhân HIV trên quy mô lớn. Nhưng hiện đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong việc đổi mới điều trị HIV, cho phép người nhiễm virus hoàn toàn có thể sống bình thường, khỏe mạnh. Nếu một người dương tính với HIV bắt đầu các phương pháp điều trị thích hợp, dùng ARV (thuốc kháng HIV) hằng ngày để giảm lượng virus trong cơ thể đến mức không thể phát hiện, thì người đó sẽ không thể truyền mầm bệnh cho người khác.

Tháng 12/2021, Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt một loại thuốc tiêm đầu tiên để phòng, chống HIV. Cho đến thời điểm đó, các thuốc được FDA cấp phép và phê duyệt để dự phòng HIV hoặc dự phòng trước phơi nhiễm, thường được gọi là PrEP. Tất cả đều là thuốc uống giúp ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào nhằm ngăn ngừa lây nhiễm. Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nếu tuân thủ nghiêm liều dùng, các loại PrEP có thể giảm đến 99% nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục.

Các tiến bộ trong ngăn ngừa HIV còn đạt đến độ rất đáng tin cậy trong dự phòng sau phơi nhiễm, hay còn gọi là PEP. Chỉ cần uống các thuốc này ngay lập tức hoặc trong vòng 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm hoặc có khả năng bị phơi nhiễm HIV, sẽ giúp ngăn chặn virus. Đây là các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống HIV và phải duy trì thuốc mỗi ngày liên tục trong bốn tuần. 

Đối với vắc xin phòng HIV, hãng Moderna thông báo đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của công nghệ vắc xin mRNA. Công ty công nghệ sinh học của Mỹ đã hợp tác với Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến vắc xin AIDS để phát triển thuốc tiêm ngừa dùng công nghệ tương tự vắc xin COVID-19 vốn rất thành công của họ.

Cũng tại Hội nghị quốc tế về AIDS, ba tổ chức gồm Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hợp thành một liên minh nhằm khắc phục sự chênh lệch lớn trong phòng, chống căn bệnh thế kỷ.

Đến năm 2022, chỉ có 52% trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận điều trị trên toàn cầu. Con số này thua xa người lớn với 76% đang được điều trị ARV. Liên minh sẽ bảo đảm vào cuối thập niên này, không trẻ em nào trên thế giới nhiễm HIV bị từ chối điều trị và bằng mọi giá phải ngăn HIV lây cho trẻ sơ sinh. Liên minh cũng hướng đến việc chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em vào năm 2030. 

 Nam Anh (theo abcNEWS, WHO, m2m)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI