Phụ nữ “đang bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS

29/04/2022 - 06:46

PNO - Nhiễm HIV khi mới ngoài 30 tuổi, Jane Costello được thông báo rằng bà chỉ có thể sống thêm vài năm. Đến nay, không những đang tiếp tục kiên cường chiến đấu với bệnh tật, bà trở thành nhà vận động nổi bật tại Úc vì mục tiêu hỗ trợ bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ, giữa chặng đường đấu tranh nhằm dập tắt đại dịch.

Costello vẫn nhớ rõ khoảnh khắc định mệnh làm thay đổi cuộc đời bà. Người phụ nữ Úc bấy giờ 33 tuổi, đang cùng chồng sống tại London. “Hôm ấy tôi vừa về nhà từ chỗ làm. Bước vào phòng khách, tôi bắt gặp chồng mình ngồi ủ dột. Sắc mặt ông ấy rất tệ”, bà hồi tưởng.

Từ vài tháng trước đó, chồng Costello bắt đầu ho khan và sụt cân một cách khó hiểu. Kiểm tra y tế tổng quát và chụp X-quang lồng ngực không giúp họ tìm ra nguyên nhân. “Do quá thất vọng, ông ấy nói đã đi xét nghiệm HIV "để loại trừ mọi khả năng". Kết quả cho thấy chồng tôi dương tính và còn bị nhiễm một bệnh khác về miễn dịch gây nên bởi AIDS”, Costello nói.

Nỗi đau thầm lặng

Ít lâu sau, Costello cũng nhận kết quả dương tính với HIV. Đó là năm 1994, và tất cả y bác sĩ đều tin rằng bà không thể sống quá 3 năm.

“Ấy vậy mà tôi vẫn còn đây, sau 28 năm”.

Điều khiến Costello hoang mang, không chỉ là về kết quả chẩn đoán. Khi phải nhập viện điều trị trong 2 tháng, chồng bà yêu cầu giấu kín toàn bộ sự việc với bạn bè, đồng nghiệp của họ. “Lúc nằm viện, ông ấy buộc tôi phải "lấy cớ gì đó" để thuyết phục mọi người đừng đến thăm. Ông ấy bảo, "vì chỉ cần nhìn, họ sẽ đoán ra ngay”, bà kể.

Jane Costello đang đấu tranh vì quyền lợi bệnh nhân HIV/AIDS trong khi tiếp tục chống chọi với HIV gần 30 năm qua
Jane Costello đang đấu tranh vì quyền lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS trong khi tiếp tục chống chọi với HIV gần 30 năm qua

Suốt một thập niên kế tiếp, cũng như người chồng cũ ám ảnh bởi nguy cơ bị kỳ thị, Costello âm thầm sống chung với HIV. Mãi đến khi chính thức ly hôn chồng hơn 10 năm trước, bà mới mở lòng tiết lộ sự thật. “Chúng tôi chia tay. Và tôi nghĩ đây là động lực giúp tôi có can đảm kể thật mọi chuyện với gia đình, bạn bè. May thay, tôi được mọi người hết lòng hỗ trợ tinh thần”, bà cho biết.

Hiện tại, Costello đảm nhận chức vụ giám đốc điều hành của Positive Life - tổ chức xã hội phi lợi nhuận đại diện cho bệnh nhân HIV trong khu vực bang New South Wales (thuộc đông nam Úc). Bên cạnh cung cấp thông tin trợ giúp thiết thực về việc điều trị bệnh, Positive Life chuyên bảo trợ những người nhiễm trực tiếp lẫn người chịu ảnh hưởng gián tiếp từ HIV, nhằm mục đích loại bỏ dần tư duy định kiến liên quan đến HIV/AIDS.      

“Mỗi ngày, tổ chức chúng tôi phải chứng kiến không ít ca nhiễm mới. Phần đông trong số họ đang nhận thức rất mơ hồ về nguy cơ lây nhiễm HIV. Chúng ta cần phổ biến rộng hơn hoạt động xét nghiệm, nhằm tăng cường ý thức phòng chống HIV cho tất cả mọi người bất kể giới tính, xuất thân. Tôi tin đây sẽ là yếu tố nền tảng làm giảm dần tư duy kỳ thị”, Costello chia sẻ.

Theo nhà vận động xã hội này, HIV vẫn là nỗi lo chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có hàng loạt bước tiến đáng kể trong hoạt động phát hiện - điều trị HIV/AIDS. “Tiến bộ y khoa hiện thời cho phép chúng ta hiểu biết nhiều hơn về nguyên lý lây nhiễm của virus. Nhờ đó, người bệnh có quyền hy vọng sống lâu và khỏe mạnh hơn”, bà nhấn mạnh, “Ở Úc, chẳng hạn, hơn 92% bệnh nhân HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện được. Nếu sớm tiếp nhận điều trị, tuổi thọ của họ được dự đoán sẽ không hề giảm đi”.      

“Phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức”

Theo thống kê từ UN AIDS (chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS), hiện nay trên toàn cầu, nữ giới chiếm 53% trong tổng số 37 triệu người nhiễm HIV.

“Tại các quốc gia châu Phi thuộc vùng hạ Sahara, đại dịch HIV dù tấn công cả hai giới, nhưng phụ nữ luôn dễ bị tổn thương hơn”, Costello nhận định.  

Khảo sát y khoa thực hiện năm 2020 bởi Kirby Institute (viện nghiên cứu chuyên về ứng phó dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm) trực thuộc Đại học New South Wales, cho thấy: phụ nữ ở nhóm tuổi từ 30-39 chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các ca HIV đang điều trị tại Úc, tiếp đến là nhóm 40-49 tuổi. Nhóm vị thành niên (15-19 tuổi) và thanh niên (20-29) chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Dẫu chiếm hơn 50% số ca nhiễm HIV toàn cầu, nữ giới hãy còn góp mặt rất ít trong các hoạt động nghiên cứu điều trị HIV/AIDS
Dẫu chiếm hơn 50% số ca nhiễm HIV toàn cầu, nữ giới vẫn còn góp mặt rất ít trong các hoạt động nghiên cứu điều trị HIV/AIDS

Nhiều nhà hoạt động xã hội như Costello lo ngại rằng, quy trình xét nghiệm, chẩn đoán còn vướng mắc đang vô tình tước đi quyền lợi điều trị của bệnh nhân nữ. “Hiện nay tại Úc, nếu bạn đăng ký làm xét nghiệm STI (phát hiện bệnh lây nhiễm qua đường tình dục), HIV không nằm trong danh mục xét nghiệm tiêu chuẩn. Nghĩa là trong phần lớn trường hợp, bạn phải chủ động yêu cầu được xét nghiệm HIV. Tình trạng chẩn đoán trễ - điều trị muộn, thường xảy đến với phụ nữ, dễ làm gia tăng rủi ro mắc các bệnh nghiêm trọng gây ra bởi AIDS”, Costello nói.

“Tôi nhận thấy trong cộng đồng LGBT, ý thức duy trì thói quen tình dục an toàn cũng như chủ động xét nghiệm HIV có phần tích cực hơn so với các cộng đồng dị tính hay với phụ nữ, nói chung. Trong khi 53% số ca nhiễm hiện nay trên thế giới là nữ, chỉ có 11% bệnh nhân nữ góp mặt vào những dự án nghiên cứu phòng chống HIV/AIDS. Trong khi nhiều chương trình thử nghiệm thuốc vẫn diễn ra, phần đông người tham gia thử nghiệm là nam giới. Khi phụ nữ chúng tôi không được trao cơ hội đóng góp nghiên cứu, làm sao đảm bảo rằng một loại thuốc có thể đem lại hiệu quả tương đồng cho cả hai giới? Phụ nữ chưa thật sự được quan tâm đúng mức trong hoạt động nghiên cứu điều trị HIV”.

Như Ý (theo ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI