Tăng tốc cuộc đua tiêm chủng cho trẻ em

24/09/2021 - 07:08

PNO - Trẻ em vốn được xem là an toàn trước COVID-19, nhưng biến thể Delta đã thay đổi quan điểm đó. Giờ đây, các nước đang chạy đua nghiên cứu tác dụng của vắc xin COVID-19 đối với trẻ em và cố gắng triển khai tiêm chủng càng nhanh càng tốt.

Nhiều nước triển khai vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Hãng Pfizer và đối tác BioNTech cho biết hôm 20/9, vắc xin COVID-19 của họ giúp tạo phản ứng miễn dịch mạnh ở trẻ từ 5-11 tuổi và công ty dự định xin phép sử dụng sản phẩm cho trẻ em trong độ tuổi này ở Mỹ, châu Âu cũng như các nơi khác càng sớm càng tốt. Hiện vắc xin Pfizer/BioNTech đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên tại Mỹ, với cả sự chấp thuận đầy đủ của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng Tám đối với lứa tuổi 16 trở lên.

Bé gái được tiêm liều vắc-xin COVID-19 Soberana 02 do Cuba sản xuất tại một phòng khám ở Havana - ẢNH: AP
Bé gái được tiêm liều vắc xin COVID-19 Soberana 02 do Cuba sản xuất tại một phòng khám ở Havana - Ảnh: AP

Các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ tin rằng cơ quan quản lý có thể đưa ra quyết định về việc liệu mũi tiêm có an toàn và hiệu quả ở trẻ nhỏ hay không trong vòng ba tuần kể từ khi các công ty gửi yêu cầu cấp phép. Việc phê duyệt nhanh chóng có thể giúp giảm sự gia tăng tiềm ẩn của các ca nhiễm vào mùa thu này, khi hệ thống trường học tái mở cửa trên toàn quốc. Tính đến ngày 16/9, đã có hơn 5,5 triệu trẻ em Mỹ nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 15,7% tổng số ca nhiễm.

Dữ liệu vào đầu đại dịch cho thấy trẻ em ít có nguy cơ bị bệnh nặng hơn người lớn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm thay đổi niềm tin rằng những đứa trẻ khỏe mạnh không bị virus tấn công. Trong khi nhiều quốc gia có thu nhập cao, hiện đã cung cấp vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, một số quốc gia khác đã tiêm vắc xin cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn.

Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ em từ hai tuổi trở lên vào ngày 16/9, sau khi chính phủ cam kết rằng các loại vắc xin COVID-19 sản xuất nội địa an toàn cho trẻ nhỏ. Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ở trẻ em do biến thể Delta buộc chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho trẻ nhỏ, trong nỗ lực mở lại các lớp học một cách an toàn. Cuba vẫn chưa cung cấp rộng rãi dữ liệu về vắc xin của mình, nhưng cho biết sẽ xin sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chile, Trung Quốc, El Salvador và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã phê duyệt vắc xin cho trẻ nhỏ. Ở Chile, trẻ em từ sáu tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin Sinovac, trong khi ở Trung Quốc, vắc xin Sinovac và CoronaVac được phép sử dụng cho trẻ em từ ba tuổi. Ở El Salvador, trẻ em dưới sáu tuổi sẽ sớm có thể được tiêm chủng, trong khi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - nơi vắc xin Sinopharm được chấp thuận cho trẻ ba tuổi - chính phủ nói rõ rằng chương trình tiêm chủng hoàn toàn không bắt buộc.

Trẻ nhỏ Campuchia được tiêm ngừa phòng COVID-19
Trẻ nhỏ Campuchia được tiêm ngừa phòng COVID-19

Campuchia cũng bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 6-12 tuổi chống lại COVID-19 vào ngày 17/6. Riêng Anh thận trọng hơn trong việc tiêm chủng cho các nhóm dân số trẻ và chỉ khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ từ 12-15 tuổi. 

Niềm hy vọng và sự e dè

Christen Cowper - một người mẹ từ Gorham, bang Maine (Mỹ) - rất háo hức về viễn cảnh tiêm vắc xin COVID-19 cho cậu con trai năm tuổi ngay sau khi sản phẩm được FDA phê duyệt. Con trai Izayah của Christen là học sinh mẫu giáo bị suy yếu phổi do sinh non và hiện đang phải cách ly do tiếp xúc với ca nhiễm COVID-19 ở trường. Christen chia sẻ: “Khi mắc cảm lạnh thông thường, con tôi phải điều trị suốt hai tuần. Vì vậy, COVID-19 rất đáng sợ đối với chúng tôi”.

Samantha Wilkinson - phụ huynh của hai đứa trẻ năm tuổi và tám tuổi ở Richmond, bang Virginia - nói rằng tin tức từ hãng Pfizer/BioNTech đã khiến cô vững tâm hơn. “Chúng tôi rất nhẹ nhõm khi cuối cùng bọn trẻ cũng có thể tiêm chủng”, Wilkinson nói. Sau quá trình xem xét và chấp thuận, dự kiến FDA sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp, cho phép học sinh tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech ngay trong tháng 10.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh cũng có xu hướng phản đối vắc xin, đặc biệt là khi nói đến việc tiêm chủng cho con cái của họ và tác động môi trường chính trị xã hội. Dữ liệu từ Kaiser Family Foundation (KFF) - tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nghiên cứu và phân tích các vấn đề chăm sóc sức khỏe của Mỹ - chỉ ra rằng, chỉ có 26% phụ huynh chọn tiêm phòng cho con mình ngay lập tức. 26% khác nói rằng họ chắc chắn sẽ không cho trẻ tiêm chủng, một bộ phận lớn (33%) nói rằng họ sẽ chờ thêm hoặc chỉ tiêm phòng cho trẻ nếu điều đó trở nên bắt buộc (14%)… 

Một vấn đề đáng chú ý khác, tình trạng bất bình đẳng vắc xin trầm trọng vẫn tồn tại ở cấp độ toàn cầu. Trong khi nhóm nước giàu xem xét mũi tiêm bổ sung và mở rộng tiêm chủng cho trẻ nhỏ, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn gặp khó khăn trong việc cung cấp liều thứ nhất và thứ hai cho các nhóm nguy cơ cao. Vì thế, ý tưởng tiêm phòng cho trẻ em ở nhóm nước này vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời. 

Vắc xin đưa trẻ quay lại trường học

Sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng bảo vệ người lớn tuổi, nhóm dễ bị tổn thương và lực lượng lao động chính… nhiều quốc gia đang đẩy mạnh kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em. Đây được xem là “lá chắn” cho trẻ đồng thời nhằm hạn chế nguồn lây, bảo đảm an toàn cho việc mở cửa trường học trở lại trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan vẫn đang hoành hành.

Điều này dễ thấy nhất tại Mỹ khi số lượng trẻ nhiễm COVID-19 ngày càng tăng, đặc biệt là ở những bang cho trẻ trở lại trường. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi từ lâu, Mỹ vẫn không thể ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm. Điều này càng làm cho chính quyền Mỹ đẩy nhanh tiêm chủng cũng như phê duyệt vắc xin cho trẻ từ năm tuổi trong thời gian gần nhất.

Trước đó, để chuẩn bị cho trẻ trở lại trường, các nước Liên minh châu Âu đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi từ tháng Năm. Tới nay, các nước Pháp, Hà Lan, Đức, Ý đang mở rộng tiêm chủng bằng các thủ tục nhanh gọn, không cần đặt lịch hẹn, trẻ chưa tiêm chủng có thể đến trường tiêm chủng miễn là cha mẹ đồng ý.

Để chuẩn bị cho trẻ trở lại trường học, Trung Quốc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi vào giữa tháng Bảy. Với tốc độ tiêm chủng thần tốc, sau hai tháng, tỷ lệ học sinh ở độ tuổi này được tiêm đầy đủ đạt hơn 91%. Theo kế hoạch, đối tượng sắp tới là trẻ từ 3-11 tuổi khi mà hai loại vắc xin của nước này dành cho trẻ là Sinopharm và Sinovac đã được phê duyệt.

Tại Đông Nam Á, Campuchia là một trong số ít nước duyệt tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên từ đầu tháng Tám. Cách đây năm ngày, đất nước chùa tháp đã triển khai tiêm phòng cho trẻ từ sáu tuổi. Song song với việc tiêm chủng này, các học sinh đã trở lại trường từ ngày 15/9. Tính đến nay, Campuchia có hơn 1,7 triệu thanh thiếu niên được tiêm chủng, đạt 87,54% kế hoạch. Malaysia cũng đã bắt tay vào tiêm cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi. 

Theo ghi nhận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đại dịch đã làm gián đoạn việc học của hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên trên thế giới. Cho đến nay, gần hai năm của đại dịch vẫn còn gần 50% học sinh toàn cầu bị ảnh hưởng. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc học trực tuyến là bất khả kháng và học sinh cần được đến trường dù còn nhiều thách thức.

Ngoài việc tiêm vắc xin nhanh chóng cho trẻ để ngăn chặn nhiễm bệnh, nhiều bác sĩ nhi cho biết, việc tiêm chủng đầy đủ sớm sẽ đưa các em trở lại trường nhanh hơn, giúp các em trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn. Tiến sĩ - bác sĩ nhi Lorena Tapia, nhà dịch tễ học phục vụ trong Ủy ban Cố vấn COVID-19 của Bộ Y tế Chile - nêu lên sự cấp thiết: “Tôi đã thấy những đứa trẻ ở nhà khó khăn như thế nào và điều đó càng trở nên tồi tệ hơn ở những gia đình có thu nhập thấp. Chúng ta đã chứng kiến tỷ lệ bạo lực gia đình tăng cao kỷ lục trong đại dịch và nó gây tổn hại cho trẻ em rất nhiều. Đối với nhiều trẻ em, trường học là biện pháp bảo vệ tốt nhất”.

Lệ Chi (theo Reuters, CAN)

 Ngọc Hạ

(theo Reuters, CNA, AP, Quartz, CNN, WTVR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI