Tăng giá sách giáo khoa phải có lộ trình

27/03/2020 - 07:57

PNO - Giới chuyên môn cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, không phải cứ thống kê chi phí sản xuất là đẩy giá lên

Các nhà xuất bản cho rằng họ phải chịu nhiều chi phí và các chi phí ấy đều tính vào giá nên giá thành sách giáo khoa bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, không phải cứ thống kê chi phí sản xuất là đẩy giá lên. Điều này sẽ gây khó khăn cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa. 

Giá sách tăng gây khó cho học sinh vùng xa

Về giá thành sách giáo khoa (SGK) lớp Một mới được công bố, thầy Hoàng Phúc Gọn, giáo viên tại điểm trường bản Thuôn (xã Đàm Thủy, H.Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), cho hay: “Tôi chết lặng khi nghe tin giá SGK tăng 3-4 lần so với giá hiện hành”. Bản Thuôn nơi thầy Gọn sống và dạy học có 20 hộ dân tộc Tày, quá nửa là hộ nghèo.

Bộ sách Cánh diều được kê khai giá 215.000 đồng
Bộ sách Cánh diều được kê khai giá 215.000 đồng

Năm nào, thầy cũng phải liên hệ để xin SGK cũ đã dùng mang về cho học sinh trong bản. “Năm tới đây, dùng sách mới, không xin được sách cũ, trong khi giá thành lại cao như thế thì học sinh vùng khó khăn như bản Thuôn lấy đâu ra tiền mua sách nếu không được nhà nước hỗ trợ”, thầy Gọn trăn trở. 

Còn ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho hay: “Nhà xuất bản (NXB) cho biết, giá thành SGK bao gồm tất cả các giá từ phí tác giả, in ấn, phát hành, hội thảo quảng cáo… để có thể “sản xuất” ra cuốn sách.

Tất nhiên, phải thừa nhận là lần phát hành sách đầu tiên các chi phí kể trên sẽ rất lớn. NXB nào vốn lớn thì ổn, còn NXB nào không có vốn mà đi vay thì cũng… khốn đốn. Tuy nhiên, từ lần tái bản thứ hai trở đi các chi phí trên sẽ giảm đáng kể. Càng tái bản nhiều lần thì các chi phí càng giảm sâu. Nếu chỉ tính chi phí của lần xuất bản đầu tiên này mà niêm yết giá thành SGK tăng 3-4 lần so với sách hiện hành là không hợp lý”.

Theo ông Lê Viết Khuyến, các chi phí như quyền tác giả, quảng cáo, thẩm định… với lần xuất bản đầu tiên chỉ chi một phần. Các lần tái bản sau sẽ chi trả tiếp để làm giảm đi sự chênh lệch giá lớn giữa lần xuất bản đầu với các lần sau. Nếu lần xuất bản đầu trả hết các chi phí, trả theo kiểu sòng phẳng của thị trường thì chênh lệch giữa các lần tái bản sẽ rất lớn, gây khó khăn cho phụ huynh khi phải chịu giá thành SGK cao như vậy.

Cần có chính sách trợ giá

“Với giá này sẽ là khó khăn cho phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh miền núi. Nhà nước cần có khoản bù lỗ cho chi phí làm sách hoặc có chính sách với những học sinh ở vùng khó khăn để đảm bảo công bằng, các học sinh đều được tiếp cận SGK.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát để giá SGK hợp lý, cân đối hài hòa lợi ích doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội. Ở một số nước như Singapore, họ cũng để các doanh nghiệp tư nhân làm sách chất lượng. Tuy nhiên, họ lại có chính sách hỗ trợ về giá rất tốt để phù hợp với sự chi trả của người dân”, ông Khuyến cho hay.

Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, SGK là mặt hàng đặc biệt, cho nên từ trước đến nay chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước. Vì vậy, giá SGK hiện hành không cao và giữ ở mức ổn định nhiều năm. Về việc triển khai một chương trình nhiều SGK, Nghị quyết 88/2013/QH13 về đổi mới chương trình là muốn hướng tới mục tiêu xã hội hóa, tuân theo quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh để người dân được tiếp cận, sử dụng SGK có chất lượng tốt với giá thành phù hợp nhất có thể. Các NXB, các tổ chức, cá nhân biên soạn, phát hành SGK sẽ tính đúng, tính đủ chi phí và có lợi nhuận nhất định để đảm bảo sự phát triển. 

“Tuy nhiên, tăng giá, nhất là SGK phải có lộ trình. Còn quy định giá SGK như thế nào, có sự hỗ trợ phù hợp qua NXB hay trực tiếp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm chính sách xã hội để có sách cho tất cả học sinh sử dụng là thẩm quyền của Chính phủ”, ông Phạm Tất Thắng cho hay. 

NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá của bốn bộ SGK lớp Một theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Giá của từng bộ sách như sau: bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 10 cuốn có giá 179.000 đồng; bộ sách Chân trời sáng tạo gồm chín cuốn có giá 186.000 đồng; bộ sách Cùng học để phát triển năng lực gồm 10 cuốn có giá 194.000 đồng; bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục gồm chín cuốn có giá 189.000 đồng.

Còn NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM kê khai SGK (bộ sách Cánh diều) giá 215.000 đồng.

Nếu tính theo giá bộ SGK lớp Một hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng trong năm học 2019-2020 (đã tăng 16,9% so với những năm trước) là 54.000 đồng thì bộ SGK lớp Một mới do các NXB kê khai đều có giá tăng “chóng mặt”.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI