“Nhặt sạn” sách giáo khoa mới

16/03/2020 - 08:28

PNO - Có lẽ, các tác giả vẫn đang nhìn theo con mắt của những người đã quá quen với chương trình đạo đức cũ, vì vậy, chưa thể hiện được tính phát triển toàn diện năng lực HS trong việc nhận thức những vấn đề gắn bó với các em mỗi ngày.

Từ tháng 1/2020, các cơ sở giáo dục bắt đầu triển khai bồi dưỡng giáo viên (GV) dự kiến dạy lớp Một năm học 2020-2021 theo chương trình mới. Trong quá trình bồi dưỡng, GV cũng đồng thời được tham khảo 5 bộ sách giáo khoa (SGK) đã được Hội đồng thẩm định SGK duyệt và cho phép đưa vào sử dụng trong trường học. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ chọn bộ SGK phù hợp với trường mình để sử dụng.

Nói là GV có quyền chọn SGK nhưng thực tế đã có hiện tượng trường sẽ chọn SGK theo nhóm tác giả tập huấn chương trình mới. Chẳng hạn, ở một quận thuộc TP.HCM, nhóm tập huấn của một trường đại học “thầu” tập huấn cho các trường trong quận với giá ba triệu đồng/giáo viên/modun. Trong quá trình tập huấn, thường lấy luôn SGK do chính trường đó biên soạn làm ví dụ minh họa. Vô tình hình thành xu hướng các trường chọn luôn bộ sách này cho tiện triển khai bồi dưỡng sau này.

Giáo viên cho rằng nhiều nội dung trong sách giáo khoa lớp 1 mới chưa thỏa đáng
Giáo viên cho rằng nhiều nội dung trong sách giáo khoa lớp 1 mới chưa thỏa đáng. Ảnh: Thanh Thanh


Là người tham dự tập huấn, tôi thấy trong một quyển sách thuộc bộ SGK của nhóm Cánh Diều biên soạn có vài vấn đề chưa thỏa đáng so với yêu cầu của chương trình mới. Trong nội dung chủ đề dạy hằng tuần, có những nội dung có thể gây hiểu lầm. Có thể đưa ra vài ví dụ trong quyển Hoạt động trải nghiệm lớp 1 như sau:

- Với học sinh (HS) lớp Một, việc dạy kiến thức bảo vệ an toàn cho bản thân cần chú trọng hai môi trường các em trải nghiệm nhiều nhất: ở nhà và ở trường. Điều này cần được giáo dục ngay từ những ngày đầu HS đi học. Rất tiếc, nội dung an toàn ở nhà đến tuần 28 (3/4 năm học) HS mới được học. Còn nội dung an toàn khi ở trường thì không được đề cập. Trong khi đó, nội dung an toàn khi vui chơi không cung cấp cho HS đủ kiến thức an toàn khi ở trường.

- Nội dung biết ơn chia ra gồm: biết ơn thầy cô, biết ơn những người có công với quê hương và bày tỏ lòng biết ơn. Trong khi đó, điều cần thiết và gần gũi nhất với các em là sự trợ giúp của những người xung quanh hằng ngày thì có vẻ không được đề cập. Còn việc bày tỏ lòng biết ơn thì không nhất thiết phải tách thành chủ đề riêng lẻ, mà chỉ cần lồng ghép trong những bài học về biết ơn. Chủ đề về biết ơn vừa thiếu lại vừa thừa, vừa không logic trong cách trình bày.

Tương tự, tôi cũng tự hỏi tại sao chỉ dạy “em yêu chú bộ đội”, mà lại không có nội dung “yêu chú công an” chẳng hạn. Không biết các “chú công an” có chạnh lòng?

- Về chủ đề quê hương em, cũng lại có sự không logic khi tách riêng cảnh đẹp và môi trường của HS và cũng chỉ dạy các em “giữ gìn cảnh đẹp quê hương” mà không đề cập việc bảo vệ môi trường là điều quan trọng hơn rất nhiều. Có ý thức bảo vệ môi trường sống mới giữ gìn được cảnh đẹp quê hương. Việc đặt tên chủ đề “Giữ gìn cảnh đẹp quê hương” vô tình đã giới hạn và tạo cho HS ý thức ngay từ đầu là chỉ biết giữ gìn cái gì thuộc về mình, còn những cái không là của mình thì không quan tâm.

- Trong chủ đề “Gia đình em” cũng có một sự giáo dục lệch lạc không nhỏ. Một gia đình về tổng thể bao gồm cả bố mẹ, con cái. Bố, mẹ chính là người giáo dục và hình thành tính cách cho các em. Nhưng tiếc thay, trong chủ đề “Gia đình em” lại chỉ nhắc đến “Mẹ của em” mà không đả động gì đến bố.

Có lẽ, các tác giả vẫn đang nhìn theo con mắt của những người đã quá quen với chương trình đạo đức cũ, vì vậy, chưa thể hiện được tính phát triển toàn diện năng lực HS trong việc nhận thức những vấn đề gắn bó với các em mỗi ngày.

Tôi băn khoăn với quyển SGK có những “hạt sạn” như thế. 

Vũ Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI