Vì sao không sách giáo khoa vẫn dạy tốt?

16/03/2020 - 07:55

PNO - Sách giáo khoa để làm gì? Có lẽ nhiều người sẽ trả lời: ờ thì sách giáo khoa để học sinh học và giáo viên dạy theo đúng khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Vậy: nếu không sử dụng sách giáo khoa thì giáo viên, học sinh có đảm bảo dạy - học theo đúng khung chương trình?

Không sách giáo khoa vẫn dạy - học tốt

Cần phải nói ngay, trước năm 1975 ở miền Nam, không hề có khái niệm sách giáo khoa (SGK). Bộ Giáo dục chỉ quy định khung chương trình với kiến thức ở mỗi lớp cần phải đạt, nhà trường thực hiện đúng quy định đó là đủ. Bộ không hề bận tâm về chuyện SGK trong nhà trường ra sao, giáo viên (GV) có sử dụng SGK hay không. Đó là chuyện riêng của nhà trường.

Vì thế, rất nhiều nhóm tác giả viết những quyển sách phục vụ cho việc giảng dạy từng môn học riêng lẻ, chứ không có nhóm tác giả nào viết trọn bộ các môn học theo kiểu SGK hiện nay.

Sách giáo khoa
Tiêu chuẩn ""bám sát sách giáo khoa" được xem là hàng đầu trong việc đánh giá một giờ dạy của giáo viên có đạt hay không. Ảnh minh họa 

Chẳng hạn, ở tiểu học, khi học lớp Năm, đa phần học sinh (HS) đều biết quyển sách 500 bài tính đố như cẩm nang để ôn thi vào lớp Sáu công lập vì tính tổng hợp, logic và thuận tiện của quyển sách này trong việc hệ thống hóa kiến thức. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều quyển sách giúp HS học toán chứ không phải là SGK bắt buộc sử dụng trong nhà trường.

Tương tự, ở cấp trung học đệ nhất cấp (tương đương THCS hiện nay), về toán có bộ sách của Nguyễn Tá - Nguyễn Phú; tiếng Anh có bộ English for today lừng lẫy một thời… được đa số các trường sử dụng.

Tuy nhiên, nếu GV không sử dụng quyển sách nào để dạy cũng chẳng sao. GV có thể dạy theo “cua” (course) riêng của mình và chỉ cần cho HS biết có thể tham khảo thêm quyển sách nào là đủ. Điều quan trọng, GV dạy cho HS hình thành thói quen tư duy, tự học, tự đọc sách ngay từ bậc tiểu học để lĩnh hội kiến thức, chứ không dạy HS kiểu “học chiêu” như hiện nay.

Việc đánh giá hiệu quả đào tạo của nhà trường thông qua các kỳ thi. Điểm đặc biệt của các kỳ thi này là học gì thi nấy, không có kiểu giới hạn kiến thức như kỳ thi hiện nay. Vì thế, không thể có chuyện “tủ” một số tác phẩm nào đó, mà HS buộc phải nắm vững phương pháp giải quyết vấn đề để vận dụng.

Lúc đó, chẳng hề có trường chuyên, lớp chọn hay năng khiếu. GV được “xếp hạng” qua độ tin cậy của phụ huynh và chính HS về năng lực giảng dạy. Nhưng vẫn có những bậc thầy ghi đậm dấu ấn trong lòng của bao thế hệ HS.

Khi sách giáo khoa là pháp lệnh  

Sau năm 1975, do điều kiện thực tế, có một thời gian ngắn, ở hai miền Nam, Bắc tồn tại hai hệ 12 năm và 10 năm. Đến năm 1980, thống nhất trên toàn quốc hệ 12 năm và sử dụng chung bộ SGK. Lúc này, theo quy định của Bộ GD-ĐT, SGK - chứ không phải chương trình giáo dục - trở thành pháp lệnh. Có nghĩa là, cùng một thời điểm, trên toàn quốc, trong cùng một cấp lớp, GV dạy cùng một bài giống hệt nhau. Trong cùng thời gian 45 phút, bất kể năng lực tiếp thu của HS khác biệt, GV vẫn phải cung cấp một nội dung kiến thức đã được quy định.

Chính vì thế, tiêu chuẩn “bám sát nội dung SGK” được coi là hàng đầu trong việc đánh giá một giờ dạy của GV có đạt chuẩn hay không. Từ việc bám sát SGK như thế, hình thành nên cách dạy “chiêu” cho HS để đối phó trong các kỳ thi. Việc học chuyển từ “học gì thi nấy” qua “thi gì học nấy”.

Hằng năm, trong kỳ thi tuyển sinh lớp Mười, thi THPT quốc gia xuất hiện hình thức đoán đề nằm trong một số bài học giới hạn. Với cách dạy như thế, nhiều thế hệ HS đã được đào tạo kỹ năng học thuộc - ghi nhớ nhiều hơn hiểu và áp dụng.

Năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới ra đời. Điểm thay đổi đậm nét là vai trò pháp lệnh của chương trình giáo dục và việc cho phép một chương trình nhiều bộ SGK. Tuy đã được cởi trói nhưng thực tế, trong quy định (thông tư 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa) vẫn đóng khung nhà trường, GV trong những bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng trong nhà trường. GV không có quyền thực hiện việc giảng dạy “không SGK”.

Bên cạnh đó, dù Bộ GD-ĐT cho phép mỗi bộ môn trong chương trình mới, GV có thể sử dụng một quyển SGK từ những bộ SGK khác nhau, nhưng việc cho phép này sẽ dẫn đến việc phá vỡ tính thống nhất và liên thông giữa các quyển SGK trong cùng một bộ theo ý đồ của nhóm tác giả biên soạn. Như vậy, ngay từ bước đầu, đã ló dạng sự chắp vá về mối liên kết giữa các kiến thức HS sẽ học trong mỗi môn học với các môn khác. 

Nên cho phép giáo viên có quyền “không chọn bộ sách giáo khoa” nào

Một vài đề nghị trong việc sử dụng SGK khi áp dụng chương trình mới:
- Cần xác thực rõ một điều trong việc áp dụng chương trình mới đó là tính pháp lệnh của chương trình, SGK chỉ là công cụ hỗ trợ.
- Cho phép GV có thêm quyền “không chọn bất kỳ bộ SGK” nào trong việc dạy HS.
- Chấp nhận trong một trường, một khối lớp, một môn học, GV có thể sử dụng các SGK khác nhau, tùy thuộc năng lực sư phạm, cách chuyển tải thông tin đến HS của GV, miễn sao đạt hiệu quả tốt nhất.
- Thay đổi cách đánh giá, thi cử sao cho đạt được mục tiêu “học gì thi nấy” chứ không phải “thi gì học nấy”. Có vậy mới phát huy tính tích cực chủ động của HS trong học tập.

Phú Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI