Sức khỏe phụ khoa và sinh sản của nữ nhân viên y tế đang bị xem nhẹ

17/07/2023 - 05:59

PNO - “Dù đã ở thế kỷ XXI, sự phân biệt đối xử về giới vẫn tiếp tục tồn tại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đối với phụ nữ” - giáo sư Sarah Hawkes nói.

 

Nữ nhân viên y tế đang phải chịu nhiều thiệt thòi về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ khoa - ẢNH: AFP
Nữ nhân viên y tế đang phải chịu nhiều thiệt thòi về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ khoa - Ảnh: AFP

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã xác nhận tình trạng căng thẳng ở nhân viên y tế là thường xuyên và ở mức độ cao, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ các loại dịch bệnh như Sars (2003), dịch Mers (2012), đại dịch COVID-19 (2019). Thế nhưng, công sức và quyền lợi của họ thường không được ghi nhận, dẫn đến nhiều cuộc đình công khắp thế giới. Bên cạnh việc đòi hỏi về thu nhập, với nữ nhân viên y tế còn là vấn đề sức khỏe sinh sản, phụ khoa và tình dục của họ bị xem nhẹ.

Theo báo cáo mới nhất của các tổ chức chuyên về quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản trên toàn cầu (SRHR) công bố ngày 12/7, những hạng mục sức khỏe này của phụ nữ đang bị bỏ bê. Cụ thể, chỉ có 1/197 tổ chức y tế trên toàn cầu có chính sách tại nơi làm việc đối với các vấn đề kinh nguyệt, mãn kinh hoặc phá thai của nhân viên nữ. “Dù đã ở thế kỷ XXI, sự phân biệt đối xử về giới vẫn tiếp tục tồn tại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đối với phụ nữ” - giáo sư Sarah Hawkes - người đồng sáng lập SRHR - ​​cho biết.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng chỉ có 18 tổ chức cung cấp đầy đủ các phúc lợi sức khỏe bà mẹ cho nhân viên bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Phần lớn các tổ chức y tế trên thế giới thiếu chính sách về vấn đề bạo lực gia đình, chỉ có 21 tổ chức có chính sách hỗ trợ nhân viên của họ.

“Là một cộng đồng, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế toàn cầu có nhiệm vụ bảo vệ quyền sinh sản và tình dục của phụ nữ dưới mọi hình thức. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực của chính mình, nhân viên y tế nữ lại còn đang đấu tranh để được tiếp cận với các quyền cơ bản của con người” - giáo sư Hawkes nói.

Bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand, thành viên ban cố vấn của tổ chức Global Health 50/50 - cho biết việc thiếu các chính sách cho thấy những điều cấm kỵ về sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ đã ăn sâu vào xã hội như thế nào. “Nếu bạn đau đớn vì những cơn đau hành kinh, bạn phải xin phép là nghỉ ốm. Tinh thần và thể chất cạn kiệt do ảnh hưởng của kinh nguyệt: vẫn phải là nghỉ ốm. Trải qua nỗi đau khôn tả và đau buồn khi bị sảy thai hay bị bạo hành gia đình, trực tuyến… cũng phải là xin nghỉ ốm. Tại sao có sự kỳ thị bằng cách coi những điều cơ bản nhất trong cuộc sống này là bệnh tật và trừng phạt phụ nữ vì những điều như thế?”.

SRHR kêu gọi có nhiều hành động pháp lý hơn để đảm bảo quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản trên toàn cầu cho giới nữ. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, điều này đã trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh lạm pháp trên toàn cầu và tại nhiều nước việc phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới vẫn còn.

Lynda Gilby - một nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại New Zealand - cho biết nhiều phụ nữ chết vì không thể tiếp cận các dịch vụ phá thai hoặc điều trị sảy thai để cứu mạng sống. “Chúng tôi thực sự cần tập hợp mọi người từ giới học thuật, các nhà xã hội học, các nhà hoạch định chính sách để lập chiến lược nhằm đẩy lùi vấn đề này vì những tác động và hậu quả lâu dài chính là sức khỏe và tính mạng của phụ nữ” - bà nói. 

Trần Lê (theo Guardian, Globalhealth)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI