Tình trạng nhân viên y tế di cư gây khó cho nước nghèo

01/08/2021 - 06:04

PNO - Hệ thống y tế mong manh ở các nước đang phát triển gặp rủi ro do lượng lớn nhân viên y tế chọn rời đi, làm việc ở các nước giàu hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố số nhân viên y tế tử vong do COVID-19 trong tháng Năm trên toàn cầu ít nhất là 115.000 người. Với các làn sóng COVID-19 mới ở châu Phi, cùng với châu Mỹ Latinh và châu Á, người dân đang phải đối mặt với các tình huống khẩn cấp liên tục. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thừa nhận dữ liệu là “ít ỏi” và con số thực có thể cao hơn nhiều.

 

Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 trong lều tại cơ sở cách ly tạm thời ở Manila, Philippines - ẢNH: AP
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 trong lều tại cơ sở cách ly tạm thời ở Manila, Philippines - Ảnh: AP

Ở các nước giàu hơn, tỷ lệ bác sĩ và y tá người nước ngoài đã tăng lên trong hai thập niên qua. Chính vì thế, khi đại dịch ập đến, số nhân viên y tế tử vong và di cư càng để lại những khoảng trống trong các hệ thống y tế vốn đã mỏng manh đang đối mặt với hiện trạng rất khắc nghiệt ở những nước nghèo.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tại các quốc gia giàu, gần 25% bác sĩ và 16% y tá sinh ra ở nước ngoài. Điều này cho thấy, các nước giàu đã thu hút nhân viên y tế từ các nước đang phát triển. Điển hình như nước Anh, đầu năm 2020 đã đưa ra khuyến khích bằng thị thực chăm sóc và y tế nhanh chóng để tuyển dụng thêm nhân viên y tế từ các nước đang phát triển. Dữ liệu của OECD cho thấy Philippines là quốc gia đóng góp y tá lớn nhất cho các nước giàu. Ấn Độ cung cấp số lượng bác sĩ cao nhất và số lượng y tá nhập cư cao thứ hai. Riêng tỷ lệ di cư của bác sĩ và y tá từ một số quốc gia châu Phi và châu Mỹ Latinh lên tới 50%. 

Trong hệ thống y tế mỏng manh, khi nhân viên hoặc chuyên gia y tế được đào tạo chuyên sâu qua đời và bỏ đi sẽ để lại tác động lâu dài. Bác sĩ người Ai Cập Abdel Hamid Mahmoud nói: “Tác động tâm lý của việc tử vong, nhiễm trùng và khối lượng công việc tăng trong mùa dịch đã khiến nhiều bác sĩ yêu cầu nghỉ việc”. 

Johan Fagan tại Đại học Cape Town ở Nam Phi cho biết, các chính sách như thị thực nhanh của Anh cũng như mức đãi ngộ ở các nước giàu làm thúc đẩy tình trạng nhân viên y tế di cư nhiều hơn. “Các nước này không đào tạo đủ chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên đang khai thác lực lượng lao động ở các nước đang phát triển. Trong đại dịch, điều này tác động đáng kể đến hệ thống y tế của nhiều nước”, Fagan nói.

Al Arabi Bin Hara - một tiến sĩ người Algeria - đã dự đoán về một đợt di cư mới của người lao động có tay nghề cao khỏi đất nước của mình: “Năm ngoái và đầu năm nay, có một con số không nhỏ nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc. Đau lòng là các bệnh viện và phòng khám ở châu Âu - đặc biệt là ở Pháp - đang thu hút các bác sĩ Algeria giỏi, có tay nghề và chuyên môn quan trọng”.

Tại Zimbabwe, quốc gia có tỷ lệ bác sĩ di cư cao nhất gần đây, tiến sĩ Charles Moyo cho biết, châu Phi sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe nếu làn sóng mất nhân viên y tế không được ngăn chặn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mong manh giờ trở nên căng thẳng bởi nguồn lực hạn chế và bởi đại dịch. Nếu mất thêm nhân lực, toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể sụp đổ.

Trước tình cảnh này, chuyên gia y tế toàn cầu đang đưa ra nhiều sáng kiến để bảo vệ nhân viên y tế và khuyến khích họ không bị lôi kéo ra nước ngoài. Women in Global Health, mạng lưới quốc tế ủng hộ bình đẳng, đã cùng khởi động một hợp đồng xã hội mới cho phụ nữ trong lực lượng lao động chăm sóc và y tế với mục đích tăng cường đầu tư chính sách và bảo vệ người lao động. Tiến sĩ Roopa Dhatt, Giám đốc điều hành của Women in Global Health, cho biết: “Đầu tư vào phụ nữ là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng tôi có thể thực hiện cho tương lai”. Thống kê trên toàn cầu, phụ nữ chiếm khoảng 90% y tá và nữ hộ sinh. Bác sĩ nữ chiếm 50%, ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nữ chiếm 70%.

Theo OECD, để giảm tình trạng chuyên gia y tế rời bỏ đất nước đòi hỏi chính sách tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là thu hút sự hỗ trợ về kỹ thuật, về cơ sở vật chất từ các nước phát triển, giúp các nước kém phát triển xây dựng lực lượng y tế đầy đủ và củng cố hệ thống y tế hoàn thiện hơn.

Khánh Anh (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI