Sự nghiệp chói sáng của người phụ nữ đầu tiên ra ngoài không gian

08/03/2017 - 07:00

PNO - Vẫn còn rất nhiều điều chưa từng được kể về những nỗ lực mang tính đột phá của người phụ nữ được gọi là ‘Gagarin mặc váy’ này.

Phi hành gia Xô viết Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên ra ngoài không gian khi chỉ mới 26 tuổi, vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80.

Từ nhảy dù đến nhiệm vụ ngoài không gian

Theo RT, Tereshkova là con gái một người lái xe tải, một công nhân nhà máy sống ở một ngôi làng gần Yaroslavl miền Trung nước Nga.

Su nghiep choi sang cua nguoi phu nu dau tien ra ngoai khong gian
Valentina Tereshkova - người phụ nữ đầu tiên ra ngoài không gian khi chỉ mới 26 tuổi

Chỉ mới hơn 20 tuổi, cô đã là quán quân nhảy dù trong vùng, đã thực hiện thành công 90 cú nhảy trước khi vượt qua hơn 400 ứng cử viên để được chọn làm phi công lái phi thuyền không gian.

Sau này người ta mới biết việc cô được chọn không chỉ là nhờ kinh nghiệm nhảy dù, mà còn vì xuất thân từ tầng lớp lao động và tính cách, đã đưa cô trở thành người phụ nữ Xô viết đầu tiên bước ra ngoài quỹ đạo.

Còn có thêm 4 người khác được chọn để chuẩn bị cho nhiệm vụ năm 1962. 5 cô gái đã cùng nhau trải qua hàng tháng trời rèn luyện cực kỳ nghiêm túc. Huấn luyện viên Nikolay Kamanin cho rằng chỉ có Tereshkova là người phù hợp nhất. Ông gọi cô là ‘Gagarin mặc váy’.

Toàn bộ nhiệm vụ này được giữ bí mật tuyệt đối cho đến khi phóng thành công phi thuyền. Hôm đó, Tereshkova nói với gia đình là cô sắp tham gia một cuộc thi nhảy dù. Mẹ của Valentina chỉ biết được con gái thực sự đang ở đâu nhờ nghe qua đài phát thanh, khi đó thì cô đang bay vòng quanh Trái đất rồi.

4.250 phút trong phi thuyền Vostok-6

Valentina Tereshkova trở thành người phụ nữ đầu tiên trên hành tinh du hành vào không gian vào ngày 16/6/1963. Phi thuyền của cô, Vostok-6, được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur, nay thuộc lãnh thổ Kazakhstan.

Su nghiep choi sang cua nguoi phu nu dau tien ra ngoai khong gian
Phi hành gia Gagarin và Tereshkova

Phi hành gia 26 tuổi, với mật danh Chaika (Hải âu), ở trong phi thuyền gần 3 ngày – 70 giờ 50 phút. Thời gian thi hành nhiệm vụ của cô dài hơn tất cả thời gian ngoài không gian của tất cả các phi hành gia Mỹ tính đến thời điểm đó cộng lại.

Bay vòng quanh Trái đất 49 lần, Tereshkova cho đến nay vẫn là người phụ nữ duy nhất từng một mình thực thi nhiệm vụ ngoài không gian.

Thèm bánh mỳ và phát ốm trong bộ đồ bay

Đồ ăn có vẻ là thách thức lớn với một phi hành gia.

"Bánh mỳ thiu mất rồi – tôi không ăn. Tôi thèm bánh mỳ đen, khoai tây và hành. Nước thì lại mát và dễ uống. Nước quả và bít tết bò cũng ổn. Tôi bị nôn một lần, nhưng không phải là do rối loạn tiền đình, mà là do thức ăn", Tereshkova viết trong nhật ký về đồ ăn đóng ống dành cho phi hành gia. Nhưng sau đó cô lại cho rằng buồn nôn là do ăn cá đóng hộp và bánh chanh trước khi bay.

Bộ đồ bay cồng kềnh cũng trở thành một thách thức khác khi nó bắt đầu cọ xát vào người. Mũ đội đầu cũng trở nên nặng hơn, Tereshkova bật khóc vì đau, có lúc người ta nghe thấy cô ngâm nga hát để vợi bớt sự đau đớn.

Khi trung tâm kiểm soát tìm cách bắt liên lạc với cô lần cuối trước khi hạ cánh, Tereshkova đã không trả lời. Nhóm điều hành mặt đất liền bật máy quay lên và thấy cô đã ngủ thiếp đi.

Su nghiep choi sang cua nguoi phu nu dau tien ra ngoai khong gian
 

Bút chì gãy và lỗi lớn trong chương trình kiểm soát

Trong suốt thời gian diễn ra nhiệm vụ không gian của Tereshkova, có một tình huống khẩn cấp nghiêm trọng đã xảy ra trong khoang, nhưng phi hành gia đã giữ bí mật chuyện này suốt mấy thập kỷ.

Gần đây cô mới lên tiếng và thú nhận công khai rằng đã xảy ra một lỗi trong chương trình kiểm soát khiến phi thuyền của cô bay xa thay vì bay theo quỹ đạo.

Hồi năm 1963, lúc ở trên phi thuyền Vostok-6, cô đã báo cáo vấn đề này với trung tâm kiểm soát, và tự nhập dữ liệu đúng bằng tay vào chương trình để có thể trở lại Trái đất.

Sau khi hạ cánh thành công, Sergey Korolyov, kỹ sư tên lửa hàng đầu Xô viết, đã đến gặp cô và xin cô không tiết lộ với bất cứ ai về sự cố này.

Lúc ở trong không gian, cô cũng không ghi lại chuyện này, mà sau đó cô giải thích là do cả hai cái bút chì đều bị gãy.

Su nghiep choi sang cua nguoi phu nu dau tien ra ngoai khong gian
 

Hạ cánh với cái mũi bầm dập

Khoang phi thuyền Vostok-6 của Valentina Tereshkova hạ cánh ngày 19/6/1963 tại khu vực Altai thuộc Nga, nằm ở phía Nam Siberia. Cú hạ cánh của phi hành gia không hề nhẹ nhàng, vì cô gặp khó khăn trong việc điều khiến dù.

Tereshkova nhớ lại đã bị gió mạnh tạt đi như thế nào, thậm chí đã lộn người đầu xuống một lúc trong khi hạ độ cao. Đến khi xoay xở gỡ được dù ra thì mũi đã bị bầm dập.

Tái hiện cảnh hạ cánh

Các bác sĩ phải tìm cách che giấu vết bầm trên mũi Tereshkova vì ngay ngày hôm sau cô phải tái hiện lại cảnh hạ cánh để phục vụ quay phim. Phi hành gia phải chui trở lại khoang tàu trong khi các diễn viên diễn cảnh chạy lại. Một trong những diễn viên mở cửa khoang, người tiên phong xuất hiện với nụ cười tươi rói và gương mặt không tì vết.

Đoạn phim này sau đó đã nổi tiếng khắp thế giới.

Cả mẹ và cha đều là phi hành gia

Su nghiep choi sang cua nguoi phu nu dau tien ra ngoai khong gian
Tereshkova kết hôn với phi hành gia thứ ba của Xô viết, Andrian Nikolayev.

Cùng năm thực hiện nhiệm vụ trong không gian, Tereshkova kết hôn với phi hành gia thứ ba của Xô viết, Andrian Nikolayev. “Đám cưới không gian” đầu tiên trên thế giới được tổ chức sang trọng ở cấp nhà nước, lãnh đạo Xô viết thời điểm đó, Nikita Khrushchev, đích thân tham dự.

Đã có người nghi ngờ rằng cuộc hôn nhân này là do yêu cầu của các nhà khoa học nhằm nghiên cứu về tác động của du hành không gian đối với việc sinh nở. Cặp đôi đã rất giận dữ bác bỏ.

Tháng Sáu năm 1964, Tereshkova hạ sinh con đầu lòng và cũng là con duy nhất, một bé gái đặt tên là Elena. Cô bé trở thành em bé đầu tiên trên thế giới có cả bố và mẹ đều là phi hành gia.

Năm 1982, khi con gái vừa đủ tuổi trưởng thành, Tereshkova và Nikolayev đã ly hôn.  

Sự nghiệp chính trị

Su nghiep choi sang cua nguoi phu nu dau tien ra ngoai khong gian
Bà Tereshkova được trao một trong những danh hiệu cao quý nhất của nước Nga, Huân chương Aleksandr Nevsky, do chính Tổng thống Vladimir Putin tặng.

Sau chuyến bay thành công vang dội, Valentina Tereshkova trở thành một ngôi sao thế giới, và tham gia rất tích cực vào đời sống xã hội và chính trị.

Từ cuối những năm 1960 đến gần 20 năm sau đó, bà làm Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Xô viết – một tổ chức được thành lập để tập hợp các nỗ lực của phụ nữ ở Liên Xô và các nước khác, đấu tranh cho hòa bình và an ninh giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh nước Nga hiện đại, phi hành gia về hưu được bầu vào Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga. Bà cũng làm phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện thành công nhiệm vụ không gian của bà, Tereshkova được trao một trong những danh hiệu cao quý nhất của nước Nga, Huân chương Aleksandr Nevsky, do chính Tổng thống Vladimir Putin tặng.

Đại An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI