Số ca nhiễm COVID-19 thế giới giảm 2% trong một tuần

23/08/2021 - 18:45

PNO - Tuần qua, mặc dù có một số điểm tăng nhẹ về số ca lây nhiễm, nhưng trên toàn thế giới số ca mắc mới đã giảm 2%.

Các bác sĩ thực hiện hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân COVID-19 Trung tâm Y tế United Memorial ở Houston (Mỹ) vào ngày 17/7/2020 - Ảnh: Reuters
Các bác sĩ thực hiện hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân COVID-19 Trung tâm Y tế United Memorial ở Houston (Mỹ) vào ngày 17/7/2020 - Ảnh: Reuters

Tổng số ca nhiễm mới và tử vong hàng tuần do COVID-19 trên toàn thế giới giảm nhẹ: 0,3% số ca tử vong và 2% số ca nhiễm mới. Tuần trước, số ca nhiễm mới tăng 0,6% và các trường hợp tử vong đã giảm 0,1%.

Tính đến ngày 22/8, toàn thế giới ghi nhận 212.519.053 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã có 4.443.080 người chết do căn bệnh này.

Hoa Kỳ, quốc gia đang trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư, đã báo cáo 628.438 trường hợp tử vong trong số 37.698.283 ca nhiễm, đứng đầu thế giới về cả hai chỉ số, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Brazil đứng thứ hai về số người chết - 574.243 người, và thứ ba là Ấn Độ với 434.367 người. Về số ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai thế giới với 32.424.234 ca, thứ ba là Brazil với 20.556.487 ca.

Mặc dù có sự tăng mạnh, nhưng tỷ lệ ca nhiễm của Nhật Bản vẫn thấp hơn các nơi khác. Thống kê của trang Worldometers.info. cho biết, Nhật Bản có 10.136 ca nhiễm trên một triệu người so với bình quân thế giới là 27.243, Hoa Kỳ là 115.601, Anh là 94.608 và Indonesia là 14.376.Về số người tử vong, Nhật Bản ở mức 124/một triệu người, so với thế giới là 569,8, Hoa Kỳ là 1.935, Anh là 1.927, Indonesia là 457.

Nhưng Nhật Bản đang tụt hậu trong việc tiêm chủng với 51,7% dân số tiêm ít nhất một liều vắc xin, theo theo dõi của Bloomberg.

Hoa Kỳ đã tiêm chủng ít nhất một liều cho 60,5% tổng dân số của mình, Brazil là 59,4%, Ấn Độ là 32,6%. Trung Quốc không liệt kê tỷ lệ tiêm một liều, nhưng đối với tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ này là 55,5% ở một quốc gia có gần 1,5 tỷ dân.

Trên toàn thế giới, số ca tiêm chủng đã tăng thêm 250 triệu người trong một tuần, lên đến con số 4,93 tỷ người.

Châu Âu đã tiêm 95 liều/100 người, tiếp theo là Bắc Mỹ là 91, Nam Mỹ là 75, châu Á là 69, châu Đại Dương là 48 và châu Phi là 6,6, theo thống kê của New York Times.

Ở châu Á, số ca mắc COVID-19 đã lên mức cao trên thế giới là 67.812.444 người, số ca tử vong là 997.858, đứng thứ ba sau châu Âu và Nam Mỹ, nhưng lại cao hơn một chút so với Bắc Mỹ. Mức giảm ở châu Á một tuần là 2% về số ca tử vong và 5% về số ca nhiễm.

Ở Ấn Độ, số ca tử vong giảm 6% và số ca mắc bệnh giảm 10%.

Chưa đầy hai tuần trước, Indonesia lọt vào top 10 quốc gia có nhiều người chết nhất thế giới, nay Indonesia tụt xuống thứ 13 với 126.372 người chết. Trong vòng một tuần, tỷ lệ ca nhiễm của Indonesia giảm 34% và tỷ lệ tử vong giảm 16%. Tỷ lệ tiêm phòng một liều của Indonesia hiện nay là 21,2%.

Đại dịch bắt đầu cuối năm 2019 ở Trung Quốc đại lục, nhưng quốc gia này chỉ báo cáo một số trường hợp tử vong trong 12 tháng qua và hiện đứng ở vị trí thứ 72 (4.636 người chết), thậm chí còn đứng dưới nước nhỏ Armenia với 4.752 người chết.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Trung Quốc đã tiêm chủng hơn 1,9 tỷ liều vắc xin, nhiều nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ với hơn 581 triệu liều và Mỹ với hơn 360 triệu liều.

COVID-19 tiếp tục gia tăng ở Thái Lan với mức tăng 31% số ca tử vong (riêng ngày 22/8 có 233 ca tử vong), mặc dù số ca mắc giảm 6% và gần đây nhất ghi nhận thêm 19.014 ca nhiễm mới.

Israel là một trường hợp đặc biệt. Nước này đã tiêm chủng cho 65% dân số với ít nhất một liều, trong đó có gần 80% người lớn, nhưng tỷ lệ ca nhiễm của Israel vào loại cao nhất thế giới: 105.966 trên một triệu người, chỉ ít hơn một chút so với Mỹ.

Tại Liên minh châu Âu (EU), 63,4% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, bao gồm 76,2% ở Tây Ban Nha, 72,6% ở Pháp, 68,5% ở Ý, 64% ở Đức, 50,0% ở Ba Lan, 28,5% ở Nga và 19,4 % ở Ukraine. Anh, quốc gia không còn là thành viên của EU, có tỷ lệ tiêm chủng đến 71,2%.

Châu Âu có ba quốc gia đứng trong top 10 về tỷ lệ tử vong. Nga đứng thứ sáu với 176.044, Anh thứ bảy với 131.640, Ý thứ tám với 128.751 người. Tiếp theo là Pháp đứng thứ 11 với 113.311 người, Đức thứ 14 với 92.478 người, Tây Ban Nha thứ 15 với 83.136 người, Ba Lan thứ 17 với 75.316 người và Ukraine thứ 19 với 53.457 người.

Nam Mỹ có 5 quốc gia đứng trong nhóm 20 nước có số người chết cao nhất. Ngoài Brazil, Peru đứng thứ 5 với 197.870 người, Colombia đứng thứ 10 với 124.216 người, Argentina đứng thứ 12 với 110352 người và Chile thứ 20 với 36.650 người.

Chile có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Nam Mỹ với tỷ lệ 74,8%, Argentina 60,4%, Colombia 42,0% và Peru 28,5%.

Châu Phi đi sau các lục địa khác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nam Phi mới chỉ tiêm một mũi cho 13,6% dân số. Hiện Nam Phi đứng ở vị trí thứ 16 với 79.421 người chết, trong đó có 170 người chết hôm 22/8. Tỷ lệ tử vong của Nam Phi là 3%.

Cẩm Hà (theo UPI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI