Vì sao số tử vong COVID-19 của Thụy Điển cao gấp 10 lần các nước láng giềng?

22/08/2021 - 12:02

PNO - Thụy Điển đã quyết định không thực hiện phong tỏa toàn diện trong thời gian xảy ra đại dịch, hậu quả là hiện nay nước này có số ca tử vong vì COVID-19 trên đầu người cao gấp 10 lần so với các nước láng giềng Bắc Âu. Nền kinh tế Thụy Điển cũng không phát triển khả quan, cho thấy “canh bạc” của họ đã không thành công.

Nhà dịch tễ học Anders Tegnell, kiến trúc sư trưởng của chiến lược chống COVID-19 gây nhiều tranh cãi của Thụy Điển - Ảnh: BI/Getty Images
Nhà dịch tễ học Anders Tegnell, "kiến trúc sư trưởng" của chiến lược chống COVID-19 gây nhiều tranh cãi của Thụy Điển - Ảnh: BI/Getty Images

Chiến lược COVID-19 sai lầm

Nhiều tháng trước khi các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện, các chuyên gia y tế công cộng đã xếp hạng Thụy Điển là một trong những quốc gia được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với đại dịch. Nhưng vào tháng 3/2020, giới chức y tế Thụy Điển đã khiến cả thế giới ngạc nhiên bởi cách tiếp cận “không chính thống”: thay vì phong tỏa và yêu cầu người dân đeo khẩu trang như nhiều quốc gia đã làm, Thụy Điển để người dân tự quyết định xem có cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa đó hay không.

Nhà chức trách Thụy Điển dự đoán “canh bạc” của họ sẽ thành công về lâu dài. Lý tưởng nhất là những người dễ bị tác động của bệnh dịch sẽ chọn cách ở trong nhà, nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều và những người khỏe mạnh có thể mắc các trường hợp COVID-19 nhẹ để cuối cùng góp phần vào khả năng miễn dịch cộng đồng.

Nhưng một năm rưỡi sau đại dịch, những kết quả thu được cho thấy "đặt cược" của Thụy Điển rõ ràng đã sai.

Cho đến nay, Thụy Điển ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên đầu người cao hơn hầu hết các quốc gia. Kể từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, khoảng 11/100 người Thụy Điển được chẩn đoán mắc COVID-19, so với 9,4/100 người ở Anh và 7,4/100 người ở Ý.

Thụy Điển cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong 145 ca/100.000 người - nhiều hơn gấp 3 lần so với Đan Mạch, 8 lần so với Phần Lan và gần 10 lần so với Na Uy.

Theo các chuyên gia, nếu Thụy Điển thực hiện các quy định phòng chống dịch chặt chẽ hơn, quốc gia này có thể đã chứng kiến ​​số người chết vì COVID-19 chỉ tương đương như các nước láng giềng Bắc Âu.

Không phong tỏa, không khẩu trang

Hình ảnh học sinh Thụy Điển tự do ra ngoài ăn kem ở Stockholm giữa mùa dịch. Ảnh chụp ngày 21/8/2020 - Ảnh: BI/Getty Images
Hình ảnh học sinh Thụy Điển tự do ra ngoài ăn kem ở Stockholm giữa mùa dịch (Ảnh chụp ngày 21/8/2020) - Ảnh: BI/Getty Images

Năm ngoái, cuộc sống ở Thụy Điển không có nhiều khác biệt khi các ca nhiễm COVID-19 xảy ra trên khắp đất nước, người dân vẫn đến quán bar, đến trường học bình thường và đi lại không đeo khẩu trang.

Nhiều chuyên gia về bệnh dịch cảnh báo rằng cách tiếp cận buông lỏng như vậy sẽ dẫn những cái chết không đáng có. Nhưng Anders Tegnell, "kiến ​​trúc sư trưởng" của chiến lược COVID-19 của Thụy Điển, lại đề cao hơn vấn đề thu nhập hoặc tự do cá nhân của người dân.

"Đóng cửa trường học là một thảm họa, cũng như không thể mở cửa rồi đóng cửa nhà hàng và những thứ tương tự quá nhiều lần, 1 hoặc 2 lần còn chấp nhận được, nhưng người dân sẽ rất mệt mỏi và các doanh nghiệp có thể sẽ thiệt hại nhiều hơn so với việc đóng cửa luôn", ông Tegnell nói với Financial Times hồi tháng 9/2020.

Ông Tegnell so sánh biện pháp phong tỏa với việc "dùng búa để giết một con ruồi".

Vì vậy, Thụy Điển trở thành một trong số ít các quốc gia châu Âu không thực hiện một cuộc phong tỏa toàn diện nào. Trong số 28 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người Thụy Điển giảm di chuyển ít nhất trong thời gian đại dịch. Giao thông công cộng và các hoạt động giải trí chỉ giảm 22% trong thời gian đó, so với 66% ở Tây Ban Nha (quốc gia có mức độ giảm di chuyển cao nhất trong khối OECD).

Người dân Thụy Điển cũng không được yêu cầu đeo khẩu trang. Cơ quan y tế công cộng của Thụy Điển đã quyết định chống lại việc bắt buộc đeo khẩu trang ngay cả khi có nhiều bằng chứng ủng hộ việc này, bất chấp cộng đồng khoa học cũng lên tiếng khuyến khích đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như đóng cửa các trường trung học và đại học vào mùa xuân năm 2020, yêu cầu giãn cách trong các quán bar và nhà hàng, đồng thời yêu cầu người bệnh và người già ở nhà. Các cuộc tụ tập công khai cũng bị giới hạn về quy mô ở các mức độ khác nhau.

Một nhà hàng ngoài trời ở Stockholm. Ảnh chụp ngày 26/3/2020 - Ảnh: reuters/TT News Agency
Một nhà hàng ngoài trời ở Stockholm (Ảnh chụp ngày 26/3/2020) - Ảnh: Reuters/TT News Agency

Khi Thụy Điển chọn chiến lược không phong tỏa hồi tháng 3/2020, các nhà khoa học vẫn đang phân loại mức độ nguy hiểm và lây lan của virus. Tuy nhiên, theo các trao đổi email được nhà báo tự do Emanuel Karlsten và báo Thụy Điển Expressen công bố, ông Tegnell đã cân nhắc việc "cho phép virus lây nhiễm" những người trẻ khỏe mạnh như một phương tiện để tăng khả năng miễn dịch trong dân cư.

Claudia Hanson, phó giáo sư Viện Karolinska của Thụy Điển, cho biết cô "không thể chấp nhận" cách tiếp cận của ông Tegnell vì nó phớt lờ ý kiến của các nhà khoa học vào thời điểm đó.

Không phong tỏa, đổi lại sẽ được gì?

Giám đốc cửa hàng Domenica Gerlach tại hàng siêu thị không người bán hàng Lifvs ở Veckholm, một ngôi làng có vài trăm người, vào tháng 5/2021 - Ảnh: AFP/Getty Images
Siêu thị không người bán hàng Lifvs ở Veckholm, một ngôi làng có vài trăm người, vào tháng 5/2021 - Ảnh: AFP/Getty Images

Chuyên gia Farina cho biết một lợi ích cách tiếp cận của Thụy Điển là có thể giúp người dân nước này bớt căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm hơn.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (WHR) mới nhất cho thấy Thụy Điển vẫn là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vào năm 2020, dựa trên cách người dân đánh giá chất lượng cuộc sống của họ và cho biết họ đang trải qua những cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Nhưng báo cáo này cũng chỉ ra rằng việc ưu tiên cho nền kinh tế không phải là nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc nói chung.

Mặc dù vậy, kinh tế Thụy Điển vẫn giảm 8,6% từ tháng 4 đến tháng 6/2020 - mức giảm hàng quý cao nhất trong vòng 40 năm. Để so sánh, kinh tế của Đan Mạch đã giảm 7,4% trong cùng kỳ, của Na Uy giảm 5,1% và của Phần Lan chỉ giảm 3,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Điển cũng tăng từ 6,6% vào tháng 3/2020 lên 9,5% vào tháng 3/2021. Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan đều chứng kiến ​​tỷ lệ thất nghiệp tăng với biên độ nhỏ hơn: trung bình khoảng 1%.

Thanh Hải (theo Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI