Số ca nhiễm COVID-19 tăng: Nguy cơ rơi vào nhóm chưa tiêm đủ mũi vắc xin nhắc lại

26/08/2022 - 07:13

PNO - Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y Dược TPHCM - nhận định số ca COVID-19 tại Việt Nam còn có thể tiếp tục tăng cao và nguy cơ xuất hiện các ca bệnh nặng ở những người chưa tiêm phòng mũi 3, mũi 4.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - ẢNH: H.A.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Ảnh: H.A.

*Phóng viên: Số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước đã liên tiếp “lập đỉnh” so với ba tháng trước. Ngày 24/8, số ca mắc lên tới hơn 3.500. Bên cạnh đó, sau một thời gian số ca tử vong do COVID-19 gần như bằng 0 thì tới nay, mỗi ngày đều có 1-2 trường hợp. Ông nhận định như thế nào về diễn biến dịch lần này?

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng: Trước đây, khi dịch tạm lắng, số ca nhiễm giảm mạnh, theo nhiều dự báo, không riêng gì tại Việt Nam, sau khoảng 4-5 tháng có thể có một làn sóng dịch nhưng nhỏ dần nếu quần thể dân cư được tiêm chủng đầy đủ. 

Việt Nam hiện nay đang có làn sóng dịch mới. Số ca mắc sẽ tăng lên, giống như nhiều quốc gia khác đang ghi nhận tương tự do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Nhưng tôi nghĩ, làn sóng này cũng sẽ không gây ra bùng phát trên diện rộng. Tuy rằng Việt Nam còn một lượng người chưa tiêm vắc xin COVID-19 nhưng không phải là quá nhiều, bởi tỷ lệ bao phủ vắc xin của chúng ta đang ở mức cao. Nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng trong làn sóng này rất dễ rơi vào nhóm trường hợp không tiêm đủ mũi 3, mũi 4. 

Có thể tưởng tượng trước đây, dịch bệnh giống như củi khô, chỉ cần lửa bắt vào thì sẽ cháy rộng. Còn hiện tại, với hiệu quả của việc tiêm phòng thì làn sóng dịch mới sẽ chỉ như lửa bắt vào củi ướt.

* Nói như vậy, chúng ta không cần phải quá lo ngại về làn sóng dịch này, thưa ông?

- Đúng là chúng ta không cần phải quá lo ngại nhưng là với điều kiện người dân đã tiêm chủng đủ, đã có miễn dịch. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường, tham gia phương tiện giao thông công cộng, đi giảng dạy, học tập… Điều quan trọng nhất là những người chưa tiêm chủng đủ, hãy sớm thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế.

Với Nhà nước, công tác động viên, tuyên truyền và tạo điều kiện để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần theo dõi, rà soát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Có thể phải khởi động lại một số biện pháp đã từng triển khai như bệnh viện dã chiến. 

Nhà nước cũng cần xem xét thực hiện chặt chẽ hơn các biện pháp phòng COVID-19. Tôi có người quen vừa từ Indonesia về, họ nói khi vào siêu thị phải bắt buộc có hộ chiếu vắc xin. Hay người dân khi sang Canada cũng phải khai báo y tế đầy đủ. Quay trở lại, nếu tình hình dịch tại Việt Nam căng thẳng hơn, Nhà nước có thể bắt buộc khai báo y tế lại, phải có hộ chiếu vắc xin mới được vào khu vực tập trung đông người. 

Không chỉ Nhà nước mà người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần này. Hiện cuộc sống của chúng ta đang rất thuận lợi, thoải mái. Nhưng nếu không tự giác, không chủ động thì tới lúc nào đó, chúng ta sẽ giống như nhiều quốc gia trên thế giới, vẫn đang khó khăn trong phòng chống dịch. Chúng ta sẽ nuối tiếc vì sao lại không tự giác hơn bảo vệ thành quả của mình.

Khi số ca mắc tăng cao, nhiều ca tử vong hơn, dù dịch có thể không nặng nề như một năm trước đây nhưng ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, buôn bán, sinh hoạt… của mọi người. 

Người dân Hà Nội tiêm vắc-xin mũi 4 - ẢNH: NGỌC LINH
Người dân Hà Nội tiêm vắc xin mũi 4 - ảnh: Ngọc Linh

* Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ rất khó khăn nếu phải đón nhận thêm một đợt dịch lớn. Là những người sẽ phải trực tiếp đối mặt với dịch bệnh, theo ông, sức chống đỡ của ngành y như thế nào? 

- Nếu dịch bùng phát, với ngành y, điều này sẽ tệ hại hơn. Bởi ngành y hiện đã kiệt quệ về sức lực và tinh thần. Vì vậy, hy vọng người dân hợp tác trong công tác chống dịch để cùng bảo vệ thành quả, cũng là bảo vệ sức khỏe của bản thân.

* Ngày 23/8, Việt Nam ghi nhận tới gần 60 ca COVID-19 nhập cảnh, con số cao nhất trong nhiều tháng qua. Ngành du lịch cũng dự báo, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tiếp tục gia tăng mạnh. Theo ông, đây có phải là một vấn đề chúng ta cần quan tâm?

- Tôi nghĩ đây quả thực là vấn đề phải quan tâm. Nhưng bằng thực lực của mình, chúng ta không phải quá lo sợ để áp dụng các biện pháp gây cản trở người nước ngoài nhập cảnh. Chúng ta hoàn toàn không sợ sẽ lây nhiễm nếu người dân đã tiêm chủng đầy đủ. Nếu không tiêm chủng đủ thì chỉ một ca bệnh nhập cảnh cũng có thể lây lan. Vì vậy, một lần nữa tôi nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế, phát triển du lịch, giữ gìn sức khỏe của người dân thì trước tiên phải kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch trong nước.

* Như ông phân tích từ đầu tới giờ, vắc xin vẫn là vũ khí chống dịch lợi hại nhất? 

- Tất cả biện pháp đều quan trọng nhưng vắc xin là biện pháp rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất, tác dụng bền bỉ nhất. Tại sao mình lại không dùng? Trong khi vắc xin chúng ta đã có và người dân được tiêm phòng miễn phí.

* Sự xuất hiện của biến chủng mới, theo ông sẽ tác động thế nào tới tình hình dịch trong nước? 

- Sự xuất hiện biến chủng mới của virus là hiện tượng tự nhiên. Biến chủng mới luôn có đặc tính là lây lan nhiều hơn, “lờn” vắc xin hơn, có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu hỏi rằng, biến chủng mới có “hiền” hơn không thì chưa chắc. Do đó, chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ sự xuất hiện, lưu hành của các biến chủng mới để đánh giá kịp thời, không thể chủ quan. 

Về vấn đề vắc xin, nếu người dân tiêm phòng đầy đủ, dù có đối mặt với biến chủng mới, cơ thể vẫn kịp tạo đủ kháng thể để bệnh không chuyển nặng, giảm thiểu ca tử vong. 

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI