Sẻ chia cũng là vắc xin chống dịch

01/07/2021 - 09:00

PNO - Tôi chỉ biết động viên cô ấy: “Ráng hết dịch, rồi đi làm lại. Dịch giã, được ở bên con, che chở, bảo vệ con cũng là niềm hạnh phúc em à”.

Khi TP.HCM tăng cường giãn cách, 7 giờ sáng, tôi và các anh chị em tham gia công tác xã hội đã ra khỏi nhà. Chồng con dặn với theo: “Cẩn thận nghe em”, “Mẹ nhớ bảo vệ bản thân đó!”. 

Công việc của nhóm chúng tôi là đi chợ giúp các hộ dân đang tạm thời cách ly, và phát những suất ăn miễn phí cho người nghèo. 

Chồng tôi bảo: “Chợ là nơi nguy cơ, nhưng nhiều người lại rất chủ quan”. Con gái mỗi khi mở cửa cho tôi vào nhà thì nửa đùa nửa thật: “Người mẹ đầy nguy cơ đã về”, dùng bình xịt xịt khắp người tôi rồi mới cho mẹ bước vào.

Tôi nói để con yên tâm: “Con hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh là tốt, nhưng mẹ luôn biết cảnh giác, biết bảo vệ bản thân. Những ngày gian khó này, nếu mình khư khư quấn mền trốn dịch, không ai tham gia giúp đỡ chính quyền, giúp đỡ người dân, thì bao giờ dịch bệnh mới được đẩy lùi?”. 

Tác giả tham gia phát bánh mì miễn phí  cho bà con nghèo vùng dịch
Tác giả tham gia phát bánh mì miễn phí cho bà con nghèo vùng dịch

Mỗi ngày trở về, tôi đều kể với con về các anh chị sinh viên tham gia hỗ trợ các điểm chốt chặn, hỗ trợ phát quà đến người dân khu cách ly; tham gia khử khuẩn, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đúng quy cách.

Có chị bán cá, chở đến cả trăm phần cá nhờ phát cho các hộ dân, và một phần mực chừng 2 ký để anh em dân phòng xào với cà chua, hành tây. Người bán khoai, cho khoai. Người bán rau, cho rau. 

Có người chạy đến “em xin ủng hộ 20 thùng mì gói”, hay “em tặng mấy thùng nước, coi như chia sẻ vất vả với anh em dân phòng”. Chị bán bánh mì, anh bán phở, mỗi sáng mang đồ ăn tới điểm chốt chặn, vì “thấy anh em vất vả quá, ngồi dưới trời nắng nóng, tối ngủ ngoài trời, muỗi chích…”. 

Những ngày này, tình người thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi nói với con: “Người ta có của, mẹ có công. Sự sẻ chia hiện diện bất cứ lúc nào, không phân biệt già trẻ, gái trai, ai cũng có khả năng chia sẻ với người khác, cho dù chỉ là nụ cười khích lệ, thông cảm”. 

Tôi kể với con, hôm giăng dây chuẩn bị cách ly một chốt mới, có một phụ nữ trẻ, trông có vẻ tần tảo, bế đứa con chừng một tuổi, hỏi: “Chị ơi, khi chốt được lập, là không được ra vô gì nữa hả chị?”.

Rồi cô trình bày là cô có con nhỏ, ban ngày gửi con cho bà nội giữ để mẹ đi làm, mà bà đang ở trong khu cách ly này, ban đêm thì con chỉ chịu ngủ với cô, chứ không chịu ngủ với một ai khác. “Chắc em chọn nghỉ làm”, cô nói sau một hồi đắn đo.

Tôi chỉ biết động viên cô ấy: “Ráng hết dịch, rồi đi làm lại. Dịch giã, được ở bên con, che chở, bảo vệ con cũng là niềm hạnh phúc em à”. 

Có lần tôi nói với con, giả dụ như hẻm mình bị phong tỏa, sẽ có người đi chợ giúp nhà mình, giống như mẹ đi chợ giúp người ta vậy. Kể từ hôm đó, con giảm hẳn những suy nghĩ ích kỷ. Thấy tôi ra ngoài, con đã bớt lo lắng, dù vẫn căn dặn mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. Tôi hứa với con là sẽ giữ mình, thực hiện tốt 5K.

Trong cốp xe của tôi bao giờ cũng có xấp khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, chai xịt khuẩn, áo khoác, găng tay. “Mẹ có khỏe, thì mới giúp được nhiều người, mẹ chỉ có công chứ không có của. Nhưng đó cũng là một sự sẻ chia”. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI