Sau khủng hoảng dịch bệnh, liệu có “khủng hoảng” vắc-xin COVID-19?

04/12/2020 - 05:43

PNO - Từ tính hiệu quả, an toàn cho đến các khâu hậu cần, bảo quản và phân phối… cho thấy món hàng được chờ đón nhất toàn cầu đang còn là ẩn số khi nó chính thức lưu hành.

 

Vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Pourquoi Docteur
Vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Pourquoi Docteur
Khi tin tức về tỷ lệ thành công trong thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 giai đoạn ba của các hãng Pfizer, BioNTech và Moderna loan truyền, chính phủ một số nước đã chuẩn bị cho người dân được tiêm chủng. Tại Mỹ và Anh có thể được triển khai sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Các vắc-xin được cho là có tốc độ nghiên cứu “thần tốc” này không tránh khỏi những chất vấn về tính hiệu quả và tác dụng không mong muốn, sẽ như thế nào?

Những hạn chế đáng quan ngại

Vấn đề đã được một số chuyên gia y tế nêu ra trong cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi tháng 11, rằng tác dụng phụ của vắc-xin Pfizer và Moderna là đáng quan tâm và “không hề dễ chịu chút nào”. 

Các tác dụng không mong muốn được cho là không thể tránh khỏi sẽ xảy ra sau khi tiêm liều thứ hai. Đây là liều nhắc cần thiết để bảo đảm vắc-xin phát huy hiệu quả. Những tác dụng phụ này được ghi nhận ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba, bao gồm sốt, đau đầu, khó chịu, đau nhức cơ thể, rất mệt mỏi. Nhưng, những triệu chứng này không nghiêm trọng và sẽ giảm dần sau 24 tiếng.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là các tác dụng phụ xảy ra muộn vẫn đang là ẩn số. Theo bà Marie-Paule Kieny, Chủ tịch Hiệp hội Vắc-xin COVID-19, dù có thể rất hiếm nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí sáu tháng sau khi tiêm. Ngoài ra, các vắc-xin này còn có hạn chế, đó là do các thử nghiệm lâm sàng chủ yếu được thực hiện trên người trẻ, khỏe mạnh, nên hiện không thể biết được hiệu quả của vắc-xin trên người béo phì, tiểu đường, cao huyết áp và người già sẽ ra sao?

Trao đổi với chúng tôi, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh (Trường đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng vấn đề này rất lớn và nhìn chung việc “gấp rút” cho lưu hành vắc-xin COVID-19 mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn khoa học. Ngoài phương diện an toàn, có rất nhiều vấn đề cần bàn, các vắc-xin hứa hẹn gần đây gây quan ngại về thành phần cấu trúc khi đưa vào cơ thể và do đó chưa thể biết về tác dụng lâu dài của sản phẩm. “Người ta có thể chấp nhận sử dụng tại những nước đang bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi đại dịch, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu với số lượng ca nhiễm quá lớn, nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao, thì phải chấp nhận ở mức độ đây là con dao hai lưỡi”, bác sĩ Vinh nói.

Ngược lại, theo bác sĩ Vinh, vì chưa biết hết về tác dụng phụ của thuốc, cho nên để bảo đảm an toàn, không nên áp dụng ở những nước nguy cơ còn tương đối thấp như Việt Nam. Tương tự như không đánh đổi cái lợi trước mắt “miễn dịch cộng đồng”, chúng ta cũng tiếp tục không nên đánh đổi vấn đề có hại, do còn quá nhiều tác dụng không mong muốn chưa biết. Hiểu theo nghĩa nào đó, vắc-xin mới là một loại vi-rút. Về phương diện kinh tế, triển khai vắc-xin trong thời điểm hiện nay rất tốn kém. Đó là chưa kể vấn đề bảo quản nghiêm ngặt và vấn nạn làm giả vắc-xin.

Tâm lý nghi ngại của người dân

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tại 67 quốc gia cho thấy, sự chấp nhận vắc-xin đang giảm đáng kể ở hầu hết các quốc gia từ tháng Bảy đến nay. Một phần tư các nước nằm trong nghiên cứu có tỷ lệ đồng ý tiêm vắc-xin COVID-19 dưới 50%. Ví dụ như Nhật Bản giảm từ 70% xuống 50%, Pháp giảm từ 51% xuống còn 38%. Sự nghi ngại không chỉ là hiện tượng ở các nước phương Tây, trong những tháng mà vắc-xin đang “đến gần”, có đến tám quốc gia châu Phi đã suy giảm nhận thức về vấn đề tiêm phòng COVID-19.

Một số quốc gia hô hào tiêm chủng cho toàn dân hay ít nhất cho giới chức y tế như Nga, thì bản thân các vị lãnh đạo tại đây lại không tiêm. Nhiều chính phủ buộc phải đưa ra mệnh lệnh mở “người dân có quyền đồng ý hay không đồng ý tiêm chủng”.

Theo bác sĩ Vinh, hiệu quả của các vắc-xin mới cũng mới chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Lần tiêm thứ nhất hệt như đưa một con vi-rút mới vào cơ thể. Lần tiêm thứ hai sau một tháng và vắc-xin giữ tác dụng đáng kể trong vòng một tuần. Sau đó từ 2-4 tháng sẽ giảm xuống giống như cơ thể nhiễm vi-rút thông thường. Miễn dịch chưa thể có lâu dài. “Cho tới giờ này cũng chưa có hãng nào tính được hiệu quả trong sáu tháng cả. Hầu hết chỉ mới thử nghiệm vài ba tháng. Các nghiên cứu đều được tiến hành với số lượng cỡ mẫu nhỏ mà phải làm trong vòng chưa đầy hai tháng đã phải gấp rút công bố. Tôi muốn nhấn mạnh lại ý nghĩa về chính trị nhiều hơn là tiếp cận bằng y học”, ông cho hay. 

Liên quan đến tuân thủ điều kiện bảo quản, vắc-xin khả thi nhất là của Pfizer đòi hỏi phải được trữ đông ở nhiệt độ -70oC. Đây là thách thức đối với bất kỳ hệ thống cung ứng và phân phối nào của các nước.

Theo Công ty Tiếp vận DHL (Đức), có đến hơn 2/3 nước trên thế giới không có công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng lạnh trong vận chuyển và phân phối vắc-xin, đồng nghĩa với hàng tỷ người tại các quốc gia này sẽ không có cơ hội tiếp cận. Công ty này ước tính phải cần đến 15.000 chuyến bay để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng chống COVID-19 trên hành tinh.

Vì phải tiêm nhắc lần hai, nên nếu xét về nhu cầu, số liều vắc-xin COVID-19 cần thiết để đáp ứng cho toàn thế giới phải là con số gấp đôi dân số địa cầu. Cũng cần lưu ý, việc tiêm vắc-xin phải được tiến hành tạo cơ sở y tế nhằm bảo đảm tính an toàn, tạo thêm thách thức lớn đè lên hệ thống y tế quốc dân. Bấy nhiêu đang cho thấy một nguy cơ có thể xảy ra tiếp theo sau đại dịch, cơn “khủng hoảng” vắc-xin?

Quốc Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phạm Chí Kiên 04-12-2020 18:59:42

    Đúng là mọi sự chờ đợi đều có giá của nó . Khi mà ở Mỹ Pfizer và Moderna cho ra đời vaccin của mình thì ở Pháp cũng đang bước vào giai đoạn 3 của thử nghiệm 2 loại vaccin của Janssen và AstraZeneca băt đầu vào giữa tháng 12 này với 41000 người tình nguyện đã sẵn sàng . Thế nhưng các câu hỏi đặt ra : Tác dụng phụ sớm thế nào ? Tác dụng phụ muộn ra sao ? Hiệu quả miễn dịch được bao lâu cho người sử dụng ? Thử nghiệm vaccin được tiến hành trên những người tình nguyện là trẻ và khỏe , thế thì ở người già , người mang bệnh mãn tính thì phản ứng sẽ ra sao ? Pháp sẽ có một thử nghiệm riêng cho những người trên 70 tuổi tình nguyện .
    Thế nhưng IFOP ( Viên nghiên cứu thăm dò dư luân của Pháp ) trong tuần vừa rồi cho ra thông báo một con số đáng quan tâm : 56% người Pháp từ chối sử dụng vaccin . Trong khi đó để có được " miễn dịch cộng đồng " bằng tiêm chủng thì cần phải có 67 % người tiêm chủng
    Rõ ràng là " khủng hoảng vaccin " là điều có thể xảy ra lắm . Nhưng phải chấp nhận, không thể cứ chạy trốn virus bằng cahs ly mãi được . Thuốc điều trị thì chưa có một chút hy vọng nào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI