Sập mỏ vàng tại Indonesia làm ít nhất 5 người thiệt mạng, hàng chục người khác chưa rõ sống chết

25/02/2021 - 15:52

PNO - Các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm ít nhất 5 thợ mỏ bị chôn vùi trên đảo Sulawesi của Indonesia, sau khi một mỏ vàng bất hợp pháp bị sập hôm 24/2, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.

Các quan chức cho biết hôm 25/2, nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã đào được ít nhất 3 thi thể và kéo 15 người sống sót khỏi đống đất bùn. Vụ sập mỏ xảy ra sau trận lở đất ở làng Buranga, khu vực trung tâm Sulawesi là hậu quả của mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền.

Các quan chức cho biết, các cấu trúc bằng gỗ tạm bợ trong mỏ đã sụp đổ vào cuối ngày 24/2 do nền đất không ổn định, chôn vùi mọi người trong hầm mỏ.

Các đội cứu hộ bao gồm cảnh sát, quân đội và cơ quan thảm họa địa phương đã triển khai máy móc hạng nặng để hỗ trợ tìm kiếm người bị mắc kẹt. Nhân viên cứu nạn phải sử dụng thêm hai máy xúc và nông cụ để tìm kiếm các nạn nhân.

Truyền thông địa phương cho biết hàng chục người vẫn có thể còn đang mất tích. Fatmawati, một quan chức tìm kiếm và cứu nạn ở thủ phủ tỉnh Palu, cho biết số nạn nhân có thể cao hơn nhiều so với những gì được ghi nhận cho đến nay.

Tân Hoa xã dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thảm họa tỉnh Datu - Pamusu Tombolotutu - từ hiện trường: "Chúng tôi đã tìm được 5 thi thể và nhận được báo cáo từ các thành viên trong gia đình về những người thân mất tích. Tổng số là 70 người. Nhiều người trong số họ có thể còn bị chôn vùi dưới lòng đất".

Các hoạt động khai thác khoáng sản không chính thức diễn ra phổ biến ở Indonesia, mang lại sinh kế cho hàng ngàn người lao động trong điều kiện có nguy cơ bị thương nặng hoặc tử vong cao.

Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau vụ sập hầm mỏ
Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau vụ sập hầm mỏ

Indonesia chiếm khoảng 3% sản lượng vàng của thế giới. Phần lớn trong số đó đến từ mỏ Grasberg ở tỉnh Papua, được cho là mỏ vàng lớn nhất thế giới, với trữ lượng 50,1 tỷ USD và có tới 20.000 công nhân.

Năm 2020, 11 thợ mỏ ở Sumatra đã chết sau trận lở đất do mưa lớn gây ra, và 9 người khác cũng thiệt mạng trong trận lở đất tại một mỏ vàng bỏ hoang trên đảo. Năm 2019, ít nhất 16 người đã bị chôn sống khi một khu mỏ ở Bắc Sulawesi sụp đổ.

Một nghiên cứu của Diễn đàn liên chính phủ về khai thác, khoáng sản, kim loại và phát triển bền vững cho thấy, số lượng người tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản “chui” trên toàn cầu đã tăng lên hơn 40 triệu người, nhảy vọt từ mức 30 triệu người năm 2014 và 6 triệu người năm 1993.

Linh La (theo ABC, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI