Sao không thử ôm chồng và khóc thật to?

30/06/2020 - 12:00

PNO - Cứ thế, lâu dần thành thói quen, chúng tôi việc ai nấy làm, mối quan tâm chung là con cái. Không biết từ khi nào, khoảng cách giữa hai đứa ngày một rộng ra.

Tôi đến với anh khi trái tim tôi đang tổn thương. Anh như một chỗ dựa, một cái phao cứu sinh cho tôi đang chới với. Còn anh, ấn tượng về tôi là cô gái nghị lực, hát hay, hiền lành và rất thật thà (anh nói với tôi thế).

Các cụ ngày xưa thường nói “nhất gái hơn hai”, nên gia đình hai bên vui vẻ đón nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi, mặc dù đôi lúc tôi cũng hơi chạnh lòng khi sau lưng vẫn có lời nhận xét “vợ già hơn chồng” hay “chồng nhìn trẻ con quá”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi không sắc nước hương trời, trong khi anh lại điển trai, cao ráo. Nhìn hình thức bên ngoài, chúng tôi chẳng xứng đôi vừa lứa. Phụ nữ với thiên chức làm mẹ và chăm lo gia đình khiến tôi cứ héo mòn nhan sắc. Tôi không chú ý nhiều đến vẻ ngoài của mình, suốt ngày chỉ biết con đường từ nhà đến trường, từ nhà ra chợ.

Niềm vui của tôi là con cái. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ hôm nay con ăn gì, con uống được nhiều sữa không, quần áo đã giặt và phơi chưa. Tôi ít ra ngoài cùng anh, vì tôi nghĩ đã là vợ chồng thì không nhất thiết phải cặp kè bên nhau suốt ngày. Hơn nữa, tôi ngại những ánh mắt dò xét và những lời bình phẩm. Tôi chỉ cần làm tốt vai trò của một người vợ, một người mẹ, thế là đủ.

Cứ thế, lâu dần thành thói quen, chúng tôi việc ai nấy làm, mối quan tâm chung là con cái. Không biết từ khi nào, khoảng cách giữa hai đứa ngày một rộng ra.

Tôi dần nhận ra những bữa cơm chiều anh vắng mặt, tôi tủi thân vì người bạn của anh là chiếc điện thoại. Anh quan tâm công việc nhiều hơn gia đình. Tôi buồn và chạnh lòng khi anh ngồi tán gẫu cà phê, đi ăn uống cùng bạn bè mà không có mẹ con tôi. Tôi khóc khi vô tình đọc được tin nhắn “say nắng” của anh với người khác. Có phải tôi chưa làm tròn vai trò một người mẹ, một người vợ? Tình yêu của tôi dành cho anh chưa đủ lớn? Gia đình với hai cô con gái xinh đẹp chưa phải là điểm dừng để anh dành trọn tình cảm?

Tôi tiều tụy vì suy nghĩ. Tôi già đi vì buồn. Tôi khổ tâm vì yêu anh. Tôi sợ mất anh nhưng lại tỏ ra thờ ơ, không quan tâm, không ghen tuông như những người phụ nữ khác. Sự thờ ơ, bất cần và lạnh lùng của tôi càng đẩy anh ra xa tôi hơn.

Nhiều lúc nhìn mình trong gương, tôi tự hỏi, đã bao lâu rồi tôi không tô son, không mặc một chiếc váy đẹp, và từ lúc nào tôi không ngồi cà phê tán gẫu về thời trang hay chuyện bếp núc với mấy cô bạn thân? Tại sao tôi chỉ gói gọn công việc ở trường và gia đình, sao không tặng mình một chiếc váy đẹp khi tự chủ về tài chính? Tại sao tôi không một lần bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình với anh? Sao không thử ôm anh thật chặt và khóc thật to xem có nhẹ lòng hơn không?

Tôi đã dành trọn thanh xuân cho anh, tôi chu toàn gia đình, bên cạnh tôi còn có hai cô con gái xinh đẹp, học hành giỏi giang. Phải chăng khoảng cách giữa chúng tôi là do thiếu sự chia sẻ?


Tôi bắt đầu chú tâm hơn đến những món ăn anh thích, bữa cơm cũng trang trí đẹp mắt hơn mọi ngày. Tôi gọi điện thoại khi đến giờ cơm mà anh chưa về, tôi sẵn sàng nhịn đói đợi anh. Tôi khoe với anh về thành tích học tập của các con (trước đây tôi cứ nghĩ việc nuôi dạy con là của phụ nữ, đàn ông chỉ cần kiếm tiền). Tôi hỏi ý kiến của anh về công việc ở trường, kể cho anh nghe về bạn bè. Những tâm sự, chia sẻ làm khoảng cách của chúng tôi ngắn lại.

Tôi làm mới bản thân bằng những trang phục trẻ trung để tuổi tác không còn là nỗi lo ngại. Tôi thường xuyên ra ngoài cùng anh và hai con. Không còn tỏ ra mạnh mẽ và bất cần nữa, tôi phân công nhiệm vụ trong nhà, đôi lúc nũng nịu nhờ anh giúp một việc gì đó, mặc dù việc ấy tôi có thể làm được. Không còn bữa cơm chiều chỉ có ba mẹ con, thay vào đó là bữa cơm đầy ắp tiếng cười của bốn người.

Người xưa thường nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đã đi cùng nhau một quãng đường 18 năm với bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng như dừng lại và rẽ sang một hướng khác. Đến bây giờ chúng tôi thật sự hạnh phúc, con gái đã trưởng thành.

Tôi nhận ra một điều: hạnh phúc có được là sự vun đắp, sẻ chia, là cảm thông và nhường nhịn, là những bữa cơm gắn kết yêu thương. 

Ngọc Tú

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI