Sài Gòn 'nhức óc' bắt quả tang... tiếng ồn

08/11/2018 - 06:00

PNO - Nhiều người dân sống trong các con hẻm trên phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện không chịu nổi tiếng nhạc ầm ầm phát ra từ những chiếc loa thùng kẹo kéo...

Căn phòng chứa các tang vật vi phạm trật tự đô thị tại trụ sở UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM nhanh chóng quá tải vì cả trăm chiếc loa kẹo kéo dồn về sau những đợt ra quân xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Dẫu vậy, “cuộc chiến” với những thứ âm thanh đinh tai nhức óc trên đường phố ở địa phương này vẫn chưa biết đến khi nào kết thúc.

Sai Gon 'nhuc oc' bat qua tang... tieng on
UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 đã tạm giữ gần 80 chiếc loa thùng gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng vẫn chưa thể “xóa sổ” vấn nạn này - Ảnh: H.N.

Chịu không thấu với “ca sĩ kẹo kéo”

Sau 22g, những chiếc loa thùng kẹo kéo trên nhiều con phố ở P.Phạm Ngũ Lão vẫn tiếp tục phát ra những thanh âm chát chúa. Khu phố đi bộ Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện vốn đã ồn ào nay lại càng ầm ĩ hơn. “Nhanh lên nhanh lên em ơi, đêm nay ôi sao đông vui…” - một người hát rong cố “lên tông” hết cỡ như để chứng tỏ khả năng vượt trội của mình với những đồng nghiệp khác cũng đang mải miết thét gào góp vui cho khách nhậu về khuya.

Vốn đã quen với không khí ồn ào ở khu vực nhộn nhịp nhất Sài Gòn nhưng nhiều người dân sống trong các con hẻm trên phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện cũng không chịu nổi tiếng nhạc ầm ầm phát ra từ những chiếc loa thùng kẹo kéo. “Những nhà mặt tiền hưởng lợi từ dịch vụ ăn uống nên không nói gì, còn dân trong hẻm thì không ai ủng hộ chuyện hát hò đinh tai như thế” - anh T., một người sống trong hẻm nhỏ đường Phạm Ngũ Lão, bức xúc.

Ông Lê Tấn Đạt - Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão - xác nhận: “Chính quyền phường thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Những người bán kẹo kéo thường dùng loại loa thùng to nên âm thanh phát ra rất khó chịu. Người dân bức xúc, phản ánh hoài nên phường cũng phải thường xuyên kiểm tra, xử lý. Từ đầu năm 2018 đến nay, phường đã lập biên bản tạm giữ 78 chiếc loa thùng dạng kéo tay”.

Chỉ cần cái loa là ca bất biết

Tại các quận ven, huyện ngoại thành, cứ chiều tối trở đi, người dân lại bị những giọng ca “đắp mộ cuộc tình” tra tấn. Một người dân ở khu phố 1, P.Thạnh Lộc, Q.12 than: “Một bên là nhà cô giáo giữ chục đứa trẻ học thêm, một bên là trường mầm non, vậy mà hầu như ngày nào, nhà ở giữa cũng kéo loa thùng ra phía trước hát hò điếc tai. Có mỗi bài Đắp mộ cuộc tình mà họ hát hết ngày này sang ngày khác không chán”.

Sai Gon 'nhuc oc' bat qua tang... tieng on
Người hát rong gây ồn ào ở những khu vực có nhiều quán xá tại TP.HCM - Ảnh: Minh Thanh

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở khu vực trên, có một nhóm người thường tụ tập ăn nhậu và hát karaoke ngay bên đường. Nhiều người dân xung quanh dù bức xúc nhưng ngại đụng chạm nên không phản ánh vụ việc lên chính quyền địa phương. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là những khu vực có nhiều nhà trọ. “Biết công nhân không có điều kiện để vui chơi giải trí nên họ thường tụ tập ăn nhậu, hát hò làm vui nhưng lâu lâu hát một lần thì được chứ ngày nào cũng gào thét thâu đêm thì không ai chịu nổi” - chị H., công nhân ở trọ gần ngã tư Bình Phước (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) rầu rĩ.  

Tại nhiều khu chung cư hạng “trung bình khá”, không gian công cộng cũng thường bị chiếm dụng để làm nơi nhậu nhẹt, hát hò. “Cứ đến tối là họ chiếm mấy bộ bàn ghế đá ở giữa chung cư, tụ tập ăn uống, hát hò. Mình đi làm về mỏi mệt, muốn nghỉ ngơi sớm nhưng bị tiếng ồn tra tấn miết, bực lắm nhưng phản ứng thì rất dễ sinh chuyện. Dân ăn nhậu thì rượu vào lời ra, cứ ca tới sáng bất kể người xung quanh” - anh V. nhà ở một chung cư tại Q.Bình Tân, phản ánh.

Vi phạm giảm nhờ thường xuyên nhắc nhở

Địa phương không đủ lực lượng và công cụ để thực hiện việc xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn nên chủ yếu tập trung nhắc nhở, ngăn chặn. Đối với quán xá, mình vận động chủ quán tham gia ngăn chặn người hát rong. Cụ thể, khi có người kéo loa thùng đến, bảo vệ của quán ra nhắc nhở đi nơi khác; với những trường hợp hát hò ồn ào trong khu nhà trọ, mình vận động chủ nhà trọ nhắc nhở; với những trường hợp hát karaoke tại nhà liên miên thì cán bộ khu phố và công an khu vực sẽ xuống nhắc nhở. Nhờ duy trì cách thức này mà ở phường ngày càng ít trường hợp vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn.

Ông Trần Minh Tú - Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức

Chủ tịch UBND một phường ở Q.Bình Tân lắc đầu: “Phong trào hát karaoke với loa thùng kẹo kéo giống như cơn sốt, cứ tối đến là xuất hiện khắp nơi, tiếng ồn nhức óc. Nhưng xử phạt không dễ, vì hễ mình xuống kiểm tra thì họ dừng, mình về thì họ hát tiếp. Vi phạm kiểu này lớn thì cũng không lớn mà nhỏ cũng không nhỏ, lỡ cỡ như thế nên rất khó xử lý”. 

“Phân loại” tiếng ồn để xử lý

Dù đã lập biên bản, tạm giữ gần 80 chiếc loa thùng từ những vụ gây ồn trên đường phố nhưng ông Lê Tấn Đạt - Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão - cũng kêu khó: “Phường không đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý các vụ gây ô nhiễm tiếng ồn. Có vụ, anh em lập biên bản tạm giữ phương tiện thì bị khách ở quán can ngăn. Họ nói mấy em hát rong có hoàn cảnh khó khăn nên mới làm nghề này, xử phạt thì tội họ. Những trường hợp tạm giữ phương tiện để xử phạt thì chủ phương tiện bỏ luôn loa thùng, không đóng phạt”.

Theo ông Đạt, khi xử lý những trường hợp hát rong gây ồn ào nói riêng và những vụ gây ô nhiễm tiếng ồn từ loa thùng nói chung, phải vận dụng nhiều điều luật liên quan đến trật tự đô thị như lấn chiếm lòng lề đường, hoạt động không đủ điều kiện kinh doanh… vì rất khó xác định được hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn: “Trước đây, phường cũng được trang bị máy đo độ ồn nhưng UBND phường không phải là đơn vị chuyên môn được cấp phép hoạt động về lĩnh vực này nên kết quả đo không có giá trị pháp lý. Trong khi đó, nếu thuê đơn vị chuyên môn đo tiếng ồn thì rất khó áp dụng đối với những trường hợp dùng loa thùng di động vì khi có đoàn kiểm tra, họ dừng hát thì không đo được”. 

Một cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho rằng, “bắt quả tang” ô nhiễm tiếng ồn như hát rong, hát karaoke là rất khó: “Muốn xác định mức độ ô nhiễm tiếng ồn, phải đo ít nhất hai mẫu: một mẫu đo xác định âm thanh nền khu vực cần đo, sau đó đo vật dụng phát ra tiếng ồn. Do đó, với những khu vực có tiếng ồn sẵn như đường phố, việc đo tiếng ồn do hát hò rất khó thực hiện”. Vị này cho biết thêm, khi người dân phản ánh vào đường dây nóng của sở về ô nhiễm tiếng ồn do các cơ sở cố định (điểm kinh doanh, quán ăn, nhà hàng, vũ trường, cơ sở sản xuất) gây ra, sở sẽ tiếp nhận và phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý. Đối với những kiểu gây ô nhiễm tiếng ồn như hát rong, hát karaoke tự phát, chính quyền xử lý sẽ hiệu quả hơn”. 

Đánh giá ô nhiễm tiếng ồn toàn thành phố

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có văn bản đồng ý với kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM trong giai đoạn từ nay đến 2020. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, đánh giá tổng quan về thực trạng ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ô nhiễm từ hoạt động hát karaoke, từ đó đề xuất hướng xử lý. Từ tháng 5/2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố, đồng thời yêu cầu các quận, huyện thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời xử lý vấn nạn này. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI