Quà cho mẹ, mấy chục năm nay…

17/10/2020 - 05:46

PNO - Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi lần đến dịp 8/3 hay 20/10, chúng tôi cũng hỏi nhau mẹ đang mong muốn điều gì nhất? Những đứa con như chúng tôi có thể tặng cái gì để mẹ vui nhất. Và lần nào cũng như lần nào, chúng tôi đều biết, điều mẹ nhận được không phải là điều mẹ muốn nhất. Suốt 70 năm đời mẹ, hình như chưa bao giờ mẹ có món quà nào thỏa ý. Bởi dường như, ý niệm của mẹ đã dành cho một điều khác.

“Đây là đợt lũ khó lường nhất trong 20 năm trở lại đây” - câu nói trên ti vi làm đông đặc suy nghĩ của mẹ, đóng băng mọi mối bận tâm khác. 

Lên kế hoạch về quà 20/10 lần này cho mẹ là một chuyến đi chơi xa của đại gia đình, sau rất nhiều năm không thể sắp xếp và sau bao nhiêu năm chúng tôi ngộ ra rằng món quà mà mẹ muốn nhất chính là sự đủ đầy con cháu, thì bão lũ ập tới. Mẹ buông thõng: “Nhà ở quê không biết có trụ nổi đợt bão này không…”. 

Giữa mùa bão lũ, món quà đáng giá nhất đối với mẹ có lẽ là một ngày tâm được bình yên - Ảnh: Xuân Lam
Giữa mùa bão lũ, món quà đáng giá nhất đối với mẹ có lẽ là một ngày tâm được bình yên - Ảnh: Xuân Lam

***
Ngày còn bé, chúng tôi không có khái niệm về những “ngày ghi nhớ”. Những ngày kỷ niệm ấy như là của người khác, của… nhà giàu. “Ăn chưa xong bữa nay đã phải lo bữa mai, ở đó mà lễ lạt, quà cáp” - người ở quê hay nói thế. Đến sinh nhật cũng là một sự kiện không có trong trí nhớ, vì ngày rỗng bụng mới là ngày đáng để quan tâm. Chưa kể, ngày nào cũng như ngày nào, mẹ không thể thôi cái quy trình dậy từ lúc 3 giờ sáng để sắp hàng ra chợ. Thậm chí vào mùa đông, vì thường xuyên dầm mưa, mẹ hay bị những cơn cảm sốt hành hạ, quy trình đó cũng cứ tiếp diễn.

Mẹ nghỉ một ngày, là nỗi lo cho bữa cơm kế tiếp lại dày lên. Cái gọi là quà, đối với mẹ có lẽ chỉ đơn giản là được trùm chăn ngủ trong cơn hâm hấp nóng của cơ thể, khi bên ngoài đang vần vũ bão mưa. Món quà đó, cho đến khi rời quê vào Sài Gòn để chăm cháu, mẹ vẫn chưa có, dù những ngày sau này mẹ không phải lo sinh nhai như xưa. Chỉ vì, mẹ đã quen “chạy” như thế mấy mươi năm; chỉ khác đi một ngày, mẹ đã thấy mình như đã ở giai đoạn bất lực. 

***
Những ngày sau này, khi anh em chúng tôi, người trụ ở quê, đứa tha hương kiếm sống, món quà mẹ mong muốn nhất lại càng khó khăn hơn. Dù tôi có thể đặt cho mẹ bữa ăn ngon nhất, chuyến nghỉ dưỡng tốt nhất… đó cũng không phải là thứ mẹ muốn nhất. Món quà mong mỏi nhất với mẹ không được gọi tên bằng du lịch hay mua sắm, ăn uống… mà là sự có mặt đầy đủ của những đứa con. Mà, cuộc sống này, làm thế nào để gần chục đứa con có thể sắp xếp ba ngày nghỉ cùng nhau là bài toán nan giải vô cùng, dù tài chính không còn là vấn đề để cân nhắc như xưa nữa.

Khi thì chị gái bảo “đợi vài bữa để chị bán đàn heo” nhưng xong đàn heo đó lại đến ruộng của anh trai vào mùa gặt; khi thì con trai của em gái vào kỳ thi học kỳ hoặc con trai tôi bỗng dưng cảm sốt… Mà, chỉ cần vắng một đứa con, với mẹ, chuyến nghỉ dưỡng đó đã không còn cần thiết nữa.

Ngay cả những ngày tết, con của mẹ đứa nào dù có chồng xa đến mấy cũng tranh thủ về quê ít ngày, thì việc chúng sum vầy đầy đủ cũng không thể. Đứa về trước để sau đó làm “nghĩa vụ” với nhà chồng, đứa thì về vào những ngày đầu năm…

Mẹ lần lượt đón và lần lượt tiễn. Món quà mẹ mong muốn nhất, cứ thế kéo dài đến mấy mươi năm, đứa con Út nay đã có một trai một gái, mẹ vẫn chưa một lần được nhận.

Giờ thì, những ngày này, khi chị em tôi lần nữa hỏi nhau liệu có điều gì có thể làm mẹ vui hơn, nhất là khi mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời, với cái cớ là ngày 20/10 sắp đến, thì quẩn quanh trong đầu mẹ chỉ có căn nhà ở quê: liệu nó có trụ nổi mưa bão này không, anh trai tôi đã dằn mái chặt chưa, cây xoài hồi xưa ba tôi trồng vốn đã phơi gốc do xói lở từ các mùa lũ trước liệu có qua được trận nước trút xối này…

Câu hỏi của mẹ dày lên, theo diễn biến phức tạp của bão. Rồi, bão chồng bão, hình ảnh miền Trung nước phả mênh mông không còn thấy nóc nhà… Mẹ bảo, chỉ mong mọi thứ bình an.

Đây cũng là những ngày mẹ nhắc nhiều nhất về năm tháng chúng tôi còn bé, bên ngoài trời gầm rú, trong nhà thì xung quanh là thau, xoong để hứng nước dột. Âm thanh “tong tong” vang cả đêm như một điệu đàn, trong đống chăn xỉn màu nghèo khó là lũ con vừa tranh nhau mớ bắp mẹ mới chiên vừa… kể chuyện ma.

Thường thì sau khoảnh khắc đó, mẹ bị réo nhiều nhất, vì không có đứa nào đủ can đảm… đi tè một mình sau những câu chuyện kỳ bí vừa nghe. Mẹ cầm cây đèn dầu, tay còn lại khum che cho đốm lửa nhỏ đừng bị gió thổi tắt, dắt từng đứa con ra sau nhà. Có lần, anh tôi bước nhầm vào phiến đá rêu, té cái đoạch, kéo cả mẹ té theo, ướt sũng. Sau này lớn lên, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không hiểu sao gia đình mình có thể qua được những ngày đó. Mẹ tôi thỉnh thoảng nhớ lại, kể và buông miệng “không hiểu sao ngày đó vẫn qua được”.

Là buông miệng thế nhưng mẹ nhớ ngày đó xiết bao. Dường như với mẹ, mùi chăn cũ, mùi ẩm mốc của căn nhà dột trước dột sau và âm thanh gọi mẹ trong đêm đã lưu cữu tận tâm trí. Giờ thì, sự quây quần trong cái lạnh trở thành điều quý giá với mẹ - món quà chỉ còn trong ký ức.

Những hình ảnh aiền Trung lụt đau đáu trong tim mẹ
Hình ảnh những ngôi nhà miền Trung chìm trong nước làm nhức nhối trái tim mẹ (ảnh: Internet)

***
Chúng tôi thỉnh thoảng nói với mẹ, cuộc sống vận hành theo chiều đi tới, nên mẹ hãy buông ngày xưa xuống. Nói thế thôi chứ biết là chẳng dễ, ngay cả với những người trẻ như chúng tôi. Một cuộc đời chỉ có những đứa con là mục tiêu sống duy nhất, hôm nay hay hôm qua và cả ngày mai, mối bận lòng lớn nhất đối với mẹ cũng chỉ là những đứa con.

Chỉ là, khi chúng tôi đã không còn bữa đói bữa no, không còn tranh nhau những mảnh chăn vá chằng vá đụp từ muôn mẩu vải vụn, thì sự quây quần xưa cũng không còn. Khi những đứa con càng tứ tán, sự quây quần đó đối với mẹ trở thành mong mỏi, ước vọng. Nó là món quà quý giá nhất mà mấy chục năm trôi qua, cũng có thể là mãi mãi, chúng tôi không thể tặng mẹ. 

Cùng những mực nước lên không kịp trở tay, cùng những căn nhà ngập là số người mất tích, thương vong tăng theo. Ngày mẹ ở quê, câu hỏi trong lòng mẹ là đứa con đang tha hương kia liệu có vất vả không, có được những bữa ăn tử tế không. Ngày mẹ ở Sài Gòn, như những ngày này, hai chữ miền Trung và căn nhà cũ cùng hai đứa con lớn còn bám trụ đất quê, trở thành nỗi muộn phiền tràn ngập. Con ở đâu, lòng mẹ ở đó mà con thì tám hướng tứ phương…

Chẳng có hoa hồng cho những người mẹ này. Ảnh: Internet
Chẳng có hoa hồng cho những người mẹ này. (ảnh: Internet)

***

Miền Trung năm nào cũng thế, bão lũ và tang thương, chẳng có đóa hoa hồng nào cho những người mẹ trong ngày bão lũ. Đó gần như là thứ thiên tai mà dù đã mấy mươi năm gặp phải, đã chuẩn bị, người ta vẫn không thể lường. Tốc độ nước lên nhanh quá, tưởng sẽ qua kịp bên kia đường, vậy mà chỉ đi vài chục bước chân nước đã ngập ngang bụng. “Ở trong nhà thôi con, ngập thì trèo lên gác…”, mẹ dặn về. Vậy mà, chúng tôi nói: “Đừng lo nữa mẹ, các anh xoay được”, mẹ cũng chẳng thể yên. 

Quà cho mẹ, thứ mấy mươi năm mẹ chưa từng nhận, có lẽ là một ngày tâm mẹ được yên… 

Phương Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI