Tang thương miền Trung: Nhân tai làm sao tránh

11/10/2020 - 21:34

PNO - Mưa thối trời thối đất. Chẳng biết nước từ đâu đổ về nhiều đến thế. Nhiều người đã không kịp trở tay trong cơn lũ dữ.

Ngày 10/10, hai vợ chồng trẻ dự lễ cưới ở huyện Đại Lộc về gặp nước lũ dâng, cắt đường. Họ gửi xe ở nhà dân rồi lội nước, tìm đường về nhà và mất tích.

Sáng 11/10, mọi người bàng hoàng khi nghe tin lực lượng chức năng thông báo tìm thấy thi thể của 2 vợ chồng ở cách đó không xa. 2 vợ chồng ra đi để lại 1 đứa trẻ mồ côi mới hơn 1 tuổi. Cơn lũ đã giết chết 2 người và làm tan nát 1 gia đình. 

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) thông tin, một trận lốc xoáy xảy ra tại địa phương đã nhấn chìm 1 tàu cá đang neo đậu trên sông Trường Giang, khiến 2 cha con trong gia đình mất tích. Chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng cứu hộ, nhưng mưa to, gió lớn, nước xiết, chính quyền đành bất lực.

Hai cha con ra tàu cá của gia đình ngủ lại để giữ tài sản khi tàu đang neo đậu ở bến, phòng khi có sự cố thì xử lý. Cả gia đình đều trông vào “cần câu cơm” đó, nên phải bảo vệ tối đa. Nhưng, trời không thương họ.

18g chiều 11/10, xóm chài Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) vẫn mịt mù trong màn mưa. Mây đen vần vũ. Vợ chồng ông Trần Nam Vui (64 tuổi, xã Duy Vinh) vẫn còn loay hoay dọn đồ lên cao. Nói là cao, nhưng thực chất chẳng là bao nhiêu so với mực nước đang ngày một lên. “Mấy đứa con ở xa, không về kịp. Với lại muốn về cũng không được. Nước tứ bề, đi đường mô. Thôi thì vợ chồng dọn được chi thì dọn, còn không đành chịu” - ông Vui nói. 

Nước từ thượng nguồn đổ về ngày một lớn gây ngập quá nửa những ngôi nhà của vùng hạ du
Nước từ thượng nguồn đổ về ngày một lớn gây ngập quá nửa những ngôi nhà vùng hạ du

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, hết đợt áp thấp này đến đợt áp thấp khác, rồi áp thấp thành bão, rồi lại trở thành áp thấp. Nhưng đối với người dân Quảng Nam, mưa bão là chuyện quá bình thường. Nói về kinh nghiệm sống chung với mưa bão thì chắc không ai qua dân ở đây. Thế nhưng năm nay, trong cái bình thường đó dường như đang có những điều bất thường.  

Ngay cả những người dạn dày kinh nghiệm chống lũ như ông Lê Đình Quang (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) cũng phải lắc đầu, lè lưỡi. “Chiều hôm qua (10/10), nước non có thấy chi mô. Nhìn nước, nhìn mưa thì đoan chắc lũ năm ni ở chỗ mình sẽ không lớn. Ai ngờ, 3g sáng nước đổ về như thác, đến 7g nước đã lên ngang bụng. Tủ lạnh, máy giặt, tivi… đều ngâm trong nước, xem như mất trắng". 

Một cụ già ngồi chờ lực lượng chức năng đến đưa đi tránh trú
Một cụ già ngồi chờ lực lượng chức năng đến đưa đi tránh trú

Bất thường, nhưng lại hóa... bình thường. Bởi câu chuyện này đã xảy ra từ rất lâu: thủy điện. Hãy bỏ qua một bên những lợi ích mà thủy điện "có thể mang lại", hãy hỏi những người dân ở vùng hạ du như ông Quang, hay những người dạn dày con nước thì đều nhận được câu trả lời: "con nước khó lường quá!".

Không khó lường sao được khi đồng loạt 3, 4 thủy điện cùng lúc xả lũ. Mỗi nhà máy thủy điện đổ về chừng 1000m3/s thì hỏi sao hạ du không ngập? Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho thấy, đến 17g chiều 11/10, thủy điện A Vương vận hành qua tràn với lưu lượng 974m3/s, Đăk Mi 4: 2.464m3/s và Sông Bung 4: 1.335 m3/s. Tổng lưu lượng xả về sông Vu Gia của cả 3 thủy điện: 5.008 m3/s.

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Quảng Nam hiện có 22 thủy điện lớn, 13 thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động. Việc xả lũ điều tiết thủy điện luôn được đơn vị quản lý khẳng định đúng quy trình. Nhưng hễ nghe đến 2 chữ "quy trình" người dân ở đây lại sợ, tháo chạy. Năm nào thiệt hại ít, xem như dân "chạy" thành công. Còn năm nay, họ là kẻ "thua" cuộc. 

Người dân miền Trung đâu lạ gì với mưa gió bão bùng. Bằng kinh nghiệm họ đã đương đầu với thiên tai hàng trăm năm qua, nhưng nay nhân tai đổ xuống thì họ đành bất lực. Rồi lũ sẽ trôi qua, trách nhiệm cũng trôi theo, chỉ có thiệt hại, tang thương của dân ở lại và chờ những "quy trình" mới. 

Nguyễn Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 12-10-2020 04:30:58

    Như đã nói rừng đầu nguồn bị tàn phá trong đó thủy điện góp phần không nhỏ ,làm thủy điện chỉ để thỏa mãn cơn khát năng lượng nhưng đem lại hậu quả vô cùng lớn ,nay đã thấy rất hiện hữu .Thủy điện chỉ có chức năng phát điện còn lại là thay đổi dòng chảy của sông ,phá rừng và xả lũ .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI