Phường Bình Tiên - TPHCM: Nơi giao thoa nét Sài Gòn xưa với đô thị hiện đại

28/07/2025 - 11:30

PNO - Phường Bình Tiên sáp nhập từ các phường 1, 7, 8 của quận 6 cũ. Bao quanh phường có 2 kênh Tàu Hủ, Lò Gốm và 1 đoạn kênh Hàng Bàng. Tên gọi Bình Tiên bây giờ cũng đã có từ đầu thế kỷ 19.

Dấu xưa trong lòng Chợ Lớn

Bình Tiên vốn là tên thôn có từ đầu thế kỷ 19 (năm 1820). Trong danh sách xã thôn của sách Gia Định thành thông chí, thôn Bình Tiên thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long. Đến 1888, sau khi thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn thuộc về người Pháp, thôn Bình Tiên không còn vì đã được nhập vào địa bàn thành phố. Tên gọi Bình Tiên chỉ còn lưu lại ở tên con đường có từ thời Pháp thuộc, tên một khu chợ được khánh thành năm 1995 và tên ngôi đình nhưng đình Bình Tiên hiện thuộc phường Bình Tây.

Đoạn kênh Hàng Bàng thuộc phường Bình Tiên đã được cải tạo khang trang
Đoạn kênh Hàng Bàng thuộc phường Bình Tiên đã được cải tạo

Khu vực phường Bình Tiên (giới hạn bởi đường Ngô Nhân Tịnh, Phan Văn Khỏe, đại lộ Võ Văn Kiệt, Lò Gốm) ôm trong lòng nhiều ký ức của vùng Chợ Lớn xưa. Con đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe từng là con kênh Bãi Sậy mà năm xưa người Pháp gọi là Canal Bonard, có khi là Arroyo Chinois.

Ông Lý Trấn Huê (65 tuổi, ngụ ở 198B Bãi Sậy) kể với Phụ nữ TPHCM: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, ngày xưa căn nhà này cũng như các nhà lân cận đều là nhà sàn, phía dưới là kênh rạch. Lúc nhỏ nhớ những khi nước cạn tôi thường chui xuống dưới gầm nhà sàn chơi. Chợ Bình Tiên xưa là khu ao rau muống, tôi hay vô đó vớt cá, lăng quăng. Tôi cũng vô đình Bình Tiên mỗi khi có lễ kỳ yên để xem hát bội”.

Thời đó kênh Bãi Sậy ở đầu ra rạch Lò Gốm được người địa phương gọi là Hàng Bàng vì 2 bên kênh có trồng dãy cây bàng. Đầu đoạn rạch Bãi Sậy thời xưa có cây cầu Ba Cẳng - cầu bộ hành đầu tiên tại Sài Gòn. Về cây cầu này, nhà văn Trương Đạm Thủy viết: "Ở vùng quận 6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt, hình dạng rất lạ, có 3 chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận... nên người dân lấy hình mà đặt tên, tức cầu Ba Cẳng". Cầu Ba Cẳng đã sập vào năm 1990 nhưng câu lưu truyền dân chơi cầu Ba Cẳng đến nay vẫn còn nghe nhắc.

Đến thập niên 60, kênh Hàng Bàng vẫn tấp nập ghe thuyền. Sau này do chiến tranh, kênh không còn sầm uất, dân lấn chiếm khiến dòng kênh bị san lấp, thu hẹp, ô nhiễm. 10 năm nay TPHCM đã triển khai đào lại toàn bộ kênh để khơi thông dòng chảy, điều tiết nước, chống ngập. Hiện kênh Hàng Bàng đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Lò Gốm đã hoàn thành cải tạo và đưa vào sử dụng, hình thành công viên với cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa cùng hàng ghế đá, dụng cụ thể dục... thu hút người dân đến tản bộ, hóng mát.

Dự kiến đầu năm sau, trên địa bàn phường còn có 1 công trình lớn khác được khởi công, tạo nên diện mạo hiện đại cho khu vực là cầu đường Bình Tiên trị giá 6.000 tỉ đồng. Cầu có nút giao tại giao lộ Bình Tiên - Phạm Văn Chí băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ.

Công viên Lê Lợi vừa khánh thành vào tháng 4 năm nay nằm trước ủy ban phường Bình Tiên
Công viên Lê Lợi khánh thành vào tháng 4 năm nay, nằm trước trụ sở Ủy ban nhân dân phường Bình Tiên

Nhắc đến kênh Tàu Hủ, năm xưa có cây cầu Bình Tây nối từ đường Bình Tây của phường Bình Tiên hiện nay sang với bến Bình Đông (đường Nguyễn Chế Nghĩa, quận 8 cũ). Từ cầu Bình Tây đi về phía rạch Lò Gốm có cầu chữ U. Cả hai cầu này giờ không còn nữa. Qua khỏi cầu chữ U hướng về gần rạch Lò Gốm có nhà máy rượu Bình Tây (đường Phạm Văn Chí) ra đời từ năm 1902 dưới sự quản lý độc quyền của tập đoàn SFDIC, Pháp. Nhà máy từng là một trong những cơ sở sản xuất rượu lớn nhất ở Đông Dương, mang dấu ấn của sự giao thoa giữa kiến trúc công nghiệp phương Tây và văn hóa địa phương.

Phường của những địa chỉ “đỏ”

Ở phường Bình Tiên hiện nay có 2 di tích lịch sử là di tích cấp quốc gia "Hầm bí mật in tài liệu của Ban Tuyên huấn Hoa Vận” (341/10 Gia Phú) và di tích cấp thành phố "Cơ sở bí mật của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định" (91 Phạm Văn Chí). Có lẽ ít ai ngờ vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khi mà khắp nơi đều là bóng dáng quân thù lại có xưởng in bí mật ngay trong lòng thành phố. Nơi này không chỉ là một công trình kỹ thuật đặc biệt mà còn lưu giữ một phần ký ức của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Suốt 10 năm tồn tại (1965 - 1975), xưởng in bí mật của Ban Hoa vận đã góp phần tích cực vào việc phổ biến các tài liệu, tin tức cũng như tuyên truyền chỉ thị, chủ trương của Đảng đến với các chiến sĩ và đồng bào người Hoa ở vùng Sài Gòn - Gia Định và nhiều nơi khác.

Căn nhà màu vàng nổi bật trên đường Gia Phú là 1 địa chỉ đỏ của phường
Căn nhà màu vàng nổi bật trên đường Gia Phú là một địa chỉ đỏ của phường

Năm 1967, ông Trần Khai Nguyên, tổ trưởng của xưởng in, bị bắt tra tấn đến chết vẫn không khai ra địa điểm này. Xưởng in bí mật nằm dưới nền nhà của một xưởng may nhỏ. Căn hầm có kích thước dài 2,2 mét, rộng 1,6 mét và sâu hơn 1 mét, đủ không gian cho 3-4 người làm việc cùng lúc. Hệ thống thông hơi dẫn ra sân sau, đáy hầm đóng cừ tràm, tráng xi măng chống thấm, nắp hầm được ngụy trang bằng gạch bông đồng bộ với nền sàn, phía trên đặt giường và đồ sinh hoạt để che giấu lối xuống hầm. Các bản tin Giải Phóng, báo Công Nhân, báo Giải Phóng và bản Di chúc của Bác Hồ bằng tiếng Hoa đã ra đời tại đây.

Nhà số 91 Phạm Văn Chí là di tích lịch sử thành phố
Nhà số 91 Phạm Văn Chí là di tích lịch sử thành phố

Còn địa chỉ “đỏ” căn nhà số 91 Phạm Văn Chí là nơi từng che dấu và bảo vệ an toàn các đồng chí cán bộ cách mạng như Trần Bạch Đằng, Nghị Đoàn (Sáu Lâm), Ngô Liên, Lâm Tư Quang (Ba Toàn), Trần Văn Tựu (Sáu Hoàng, Sáu Vàng) và nhiều cán bộ khác của Ban Hoa vận Thành ủy. Theo trang web quận 6 cũ, căn nhà này có một vị trí hết sức đặc biệt, nằm ngay trước mặt bót cảnh sát ngụy quận 6 và bên hông toà hành chính ngụy quận 6. Ở trên tầng gác thượng căn nhà có cả một trung đội cảnh sát dã chiến để bảo vệ 2 cơ quan đầu não của chính quyền ngụy.

Tại đây, chủ nhà là ông Lưu Vinh đã xây dựng 2 hầm bí mật để thực hiện nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ cách mạng với ý tưởng "nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất". Một hầm được bố trí dưới gầm bếp, có diện tích 2m2, miệng hầm là chỗ để củi. Một hầm khác được bố trí ở trên gác lửng của tầng trệt, ở giữa 2 tấm vách ngăn tường, với diện tích 0,54m2, đủ chỗ cho 2 người trú ẩn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), ông Lưu Vinh đã hiến căn nhà này cho Nhà nước. Ngày 27/4/1997, căn nhà chính thức mang tên Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa TPHCM.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, người hiếm hoi duy trì làm nghề chổi đót ở phường Bình Tiên
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, người hiếm hoi duy trì làm nghề chổi đót ở phường Bình Tiên

Trong phường Bình Tiên có 1 xóm làng nghề truyền thống là xóm làm chổi đót trên đường Phạm Văn Chí. Xóm này hình thành từ thập niên 60 thế kỷ trước, nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, được lấy ở vùng núi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi (cũ).

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, tổ trưởng tổ làm chổi đót trong hẻm 192 Phạm Văn Chí, cho biết: "Tôi theo nghề này hơn 30 năm. Ngày xưa cả xóm này làm chổi, không khí nhộn nhịp vui lắm. Mọi người dậy từ 3g sáng, tăng ca làm tới 8g tối, ăn ngủ trên đống đót. Nghề này già trẻ nam nữ đều làm được. Xưa mua 1 bó đót làm có thể lời đến phân nửa. Bây giờ giá đót cao, trong xóm nhiều người nghỉ làm, chỉ còn 5 hộ theo nghề trong đó có nhà tôi".

Bài và ảnh: H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI