Vang danh ngã ba Vườn Lài
Hàng năm, vào dịp lễ tết, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, lãnh đạo và người dân địa phương lại tổ chức dâng hoa, thắp hương tại bia truyền thống Vườn Lài.
 |
Bia truyền thống Vườn Lài tại ngã ba Vườn Lài - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Đặt tại địa chỉ 112D Trần Nhân Tôn, nút giao giữa các tuyến đường Ngô Gia Tự, Vĩnh Viễn, Sư Vạn Hạnh, bia truyền thống Vườn Lài là công trình tưởng nhớ chiến công và đóng góp của quân và dân ta tại khu vực ngã ba Vườn Lài trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Theo nhiều tài liệu, ngã ba Vườn Lài nằm giữa ngã bảy Sài Gòn (bùng binh Lý Thái Tổ) và ngã sáu Chợ Lớn (bùng binh Nguyễn Tri Phương). Từng là một khu hoang vắng thuộc đồng tập trận thời nhà Nguyễn (cánh đồng rộng hàng ngàn hecta là nơi tập trận và diễu binh của nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX).
 |
Hình ảnh đồng tập trận (hay Đồng Mả Mồ) được người Pháp lưu giữ |
Do ở khá gần khu vực tương truyền là Mả Ngụy - mồ chôn tập thể của gần 2.000 người dân thành Phiên An bị triều đình nhà Nguyễn xử tử vì liên quan đến biến loạn Lê Văn Khôi (1833-1835), về sau người Pháp gọi là Đồng Mả Mồ - nên cư dân ở đây rất thưa thớt. Mãi đến những năm 1950, dấu tích xưa phai nhạt dần khi người dân đến quần cư, nhà cửa dần chen chúc. Từ khu dân cư lao động này, những cơ sở cho cách mạng cũng hình thành từ sớm.
Theo trang thông tin điện tử phường 2, quận 10 ngày trước, năm 1953, chi bộ Vườn Lài được thành lập với 3 đảng viên được bố trí về hoạt động là Trương Văn Do (Chín Thi) làm Bí thư, cùng Hai Thoa và Hai Chính. Đến năm 1955, chi bộ Vườn Lài phát động phong trào đấu tranh rộng khắp. Suốt giai đoạn 1955-1964, khu vực Vườn Lài - ngã bảy diễn ra nhiều phong trào đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ với chính quyền Sài Gòn. Nổi bật là cuộc biểu tình của hàng ngàn thanh niên, học sinh và Phật tử đòi hòa bình vào năm 1963.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhân dân Vườn Lài đã phối hợp với lực lượng vũ trang đánh lui nhiều cuộc phản kích của Mỹ - Ngụy, làm chủ khu vực trong 7 ngày đêm. Cuộc chiến đấu quyết liệt, giằng co diễn ra trên từng con đường, góc phố với hơn 100 lính Mỹ và Nam Triều Tiên bị tiêu diệt, 2 xe tăng địch bị đốt cháy đã đưa địa danh Vườn Lài trở thành điểm son trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng.
 |
Cụm phù điêu và bia truyền thống Vườn Lài do điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên và họa sĩ Huỳnh Phương Đông thực hiện trong khuôn viên hơn 100m2 - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Sau ngày đất nước thống nhất, bia truyền thống Vườn Lài được dựng lên nơi ngã ba Vườn Lài nhắc nhớ các thế hệ về truyền thống cách mạng, tinh thần quật khởi đấu tranh vì hòa bình, tự do, vì cuộc sống tươi đẹp của cư dân Vườn Lài nói riêng và TPHCM nói chung.
Trung tâm kết nối
Nằm giữa các giao lộ nối các trục đường chính liên quận, phường Vườn Lài hiện tại giáp ranh các khu vực sầm uất nhất của quận 3, quận 5 và quận Tân Bình cũ, tạo nên vị thế rất đắc địa. Việc đi đâu cũng gần khiến nơi đây trở thành lựa chọn lý tưởng cho nhiều sinh viên trọ học, người lao động nhập cư lẫn người tìm nơi an cư lạc nghiệp.
 |
Bùng binh Lý Thái Tổ tiếp giáp giữa quận 10 và quận 3 cũ, là nút giao các con đường Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong và Ngô Gia Tự lúc nào cũng đông đúc xe cộ qua lại - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Kết hợp giữa các trục đường chính đông đúc và hệ thống hẻm sâu, đường ngang ngõ tắt dày đặc, từ xưa, khu vực này đã quen thuộc với các “tín đồ” ẩm thực đường phố. Những gánh hàng rong, những quán ăn gia đình, những hàng quán lâu đời dù lẩn khuất trong các con hẻm sâu thì thực khách vẫn tìm đến rất đông. Ẩm thực đường phố đa dạng và đặc sắc đưa khu vực Vườn Lài trở thành điểm hẹn ưa thích của giới trẻ nhiều năm qua.
Ở đây cũng tồn tại một điểm hẹn văn hóa lâu năm và lắm thăng trầm là rạp Vườn Lài. Nằm ở góc đường Trần Nhân Tôn - Vĩnh Viễn, rạp Vườn Lài (còn có tên là rạp Thành Chung, rạp Mỹ Đô) từ trước năm 1975 là rạp chiếu phim bình dân với cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp. Một thời gian dài, nơi đây nổi danh là “tụ điểm tệ nạn” với nạn móc túi, trấn lột và nhất là mại dâm đồng tính nam. Chính quyền địa phương đã nỗ lực rất nhiều để triệt phá ổ tệ nạn, sửa chữa, cải tạo rạp Vườn Lài.
 |
Rạp Vườn Lài nay được cải tại khang trang trở thành Sân khấu Trương Hùng Minh - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Năm 2017, rạp chiếu bóng Vườn Lài được sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Hòa Bình (quận 10, TPHCM cũ). Bước ngoặt đến vào năm 2022 khi nghệ sĩ Việt Hương đạt được thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Văn hóa Hòa Bình cải tạo lại rạp Vườn Lài thành điểm diễn sân khấu.
Việt Hương cùng thầy mình là nghệ sĩ ưu tú Minh Nhí chính thức ra mắt Sân khấu Trương Hùng Minh vào ngày 1/1/2023. Từ đây, rạp Vườn Lài sang trang mới khi trở thành Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh - góp thêm 1 điểm diễn kịch dài và đào tạo diễn viên trẻ cho làng kịch TPHCM.
 |
Sân khấu Trương Hùng Minh còn tổ chức chương trình Truyện thần tiên phục vụ khán giả thiếu nhi - Ảnh: Ngọc Tuyết |
Đến nay, phường Vườn Lài là địa bàn hiếm hoi ngoài khu vực quận 1 (cũ) và quận 3 (cũ) duy trì được 1 điểm diễn sân khấu định kỳ hàng tuần phục vụ nhu cầu giải trí của người dân TPHCM.
Với bề dày truyền thống cách mạng cùng sức hút của một vùng đất là trung tâm kết nối, phường Vườn Lài có đủ nền tảng để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Đông A