Phụ nữ Afghanistan đang phải sống trong sợ hãi

18/08/2021 - 10:19

PNO - Sau khi Taliban kiểm soát toàn bộ lãnh thổ (tối 15/8 giờ địa phương), cuộc sống của người dân Afghanistan bắt đầu thay đổi. Dễ nhận thấy nhất là trên mọi đường phố từ nông thôn đến thành thị ở đất nước này đã không còn bất kỳ một bóng dáng phụ nữ nào.

 

Thời kỳ đen tối  đang trở lại

Ám ảnh về chế độ hà khắc dưới sự cai trị của Taliban từ năm 1996-2001 vẫn còn hằn sâu trong tiềm thức của những phụ nữ Afghanistan. Đó là thời kỳ mà phụ nữ hầu như bị nhốt trong nhà. Trẻ em gái không được đi học, phụ nữ không đi làm và thậm chí không được ra ngoài đường nếu không có người thân là nam giới đi cùng và phải mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân. Taliban cũng áp dụng những luật lệ hà khắc như hành quyết công khai hay ném đá đến chết phụ nữ bị buộc tội ngoại tình…

Phụ nữ Afghanistan đang đối mặt với tương lai bất định khi đất nước đặt dưới sự cầm quyền của Taliban
Phụ nữ Afghanistan đang đối mặt với tương lai bất định khi đất nước đặt dưới sự cầm quyền của Taliban

Sau 20 năm thoát khỏi những luật lệ cay nghiệt, phụ nữ Afghanistan ngày càng tìm được tiếng nói của mình khi họ được đi học, làm việc, kinh doanh thậm chí có mặt trong bộ máy chính phủ. Thế nhưng, những ngày qua, phụ nữ Afghanistan buộc mình phải chấp nhận mọi thay đổi theo chiều hướng tồi tệ, họ trốn hẳn trong nhà và đau khổ khi nghĩ về tương lai.

Zarmina Kakar - một nhà hoạt động nữ quyền 26 tuổi - cho biết, gần 20 năm qua cô đã cố gắng rất nhiều để đi học và làm việc miệt mài ở các tổ chức phi lợi nhuận trong nước nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ, và giờ thì cô phải bất lực nhìn mọi thứ bị người khác phá hủy. “Tôi và rất nhiều phụ nữ Afghanistan khác đã nỗ lực rất nhiều để có được sự công nhận, được đi học, được làm việc nhưng nay tất cả dường như phải dẹp bỏ. Chúng tôi phải ở nhà và mọi thứ ngoài kia đã không thuộc về mình. Những ngày đen tối của chúng tôi đã trở lại”, Kakar nói.

Tại một số vùng của Afghanistan, việc cưỡng ép phụ nữ chưa chồng kết hôn với các chiến binh Taliban đã xảy ra trong những tuần gần đây. Nhiều phụ nữ ở Kabul không có trang phục burqa (loại quần áo trùm kín từ đầu xuống chân) mà Taliban yêu cầu đang cuống cuồng tìm kiếm chúng. “Tôi không có nó và cũng không biết mua ở đâu, nhiều bạn bè của tôi đang lùng sục. Phụ nữ chúng tôi phải mua nó vì nó sẽ giúp chúng tôi thoát khỏi những tai họa. Đối với tôi, burqa luôn là dấu hiệu của chế độ nô lệ. Bạn giống như một con chim bị nhốt trong lồng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được mặc như vậy. Nhưng ngày nay nếu muốn cứu mạng sống của mình, tôi nghĩ rằng tôi cần phải làm vậy”, một phụ nữ tên Negin nói.

Theo Ủy ban Nhân quyền độc lập Afghanistan, trong vài tháng qua trước khi bị Taliban kiểm soát, gần 1 triệu người đã rời bỏ đất nước trong đó có hơn 70% là phụ nữ và trẻ em.

Tương lai mịt mờ và vô định

Một nữ sinh viên sắp hoàn thành hai bằng đại học cho biết khi Taliban đánh chiếm Kabul, cô cảm thấy cuộc đời mình xem như đã chết. Trong một bức thư thật dài chia sẻ trên mạng xã hội, cô gái 24 tuổi này giấu danh tính của mình và viết ra những điều đau đớn rằng xung quanh cô hiện tại là “những khuôn mặt sợ hãi của phụ nữ và những khuôn mặt xấu xí của những người đàn ông ghét phụ nữ”.

“Sáng Chủ nhật, tôi đang đến trường đại học để tham dự một lớp học thì một nhóm phụ nữ chạy ra từ ký túc xá nữ với gương mặt hoảng sợ. Tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra và một người trong số họ nói với tôi rằng Taliban đã đến Kabul, và họ sẽ đánh đập những phụ nữ không có burqa.
Tất cả chúng tôi đều muốn về nhà, nhưng chúng tôi không thể sử dụng phương tiện công cộng. Các tài xế không cho chúng tôi vào xe vì họ không muốn chịu trách nhiệm chở một phụ nữ. Những người đàn ông đứng xung quanh thì cười nhạo chúng tôi. “Đi và mặc chadari (burqa) vào”, một người gọi. “Đó là những ngày cuối cùng của bạn khi ra đường”, một người khác nói. “Tôi sẽ kết hôn với bốn người trong số các bạn trong một ngày”, một người thứ ba nói”, nữ sinh viên 24 tuổi viết về sự kinh hoàng của mình.

“Khi các văn phòng chính phủ đóng cửa, em gái tôi đã chạy hàng dặm để được về nhà. Tôi tắt chiếc máy tính đã giúp phục vụ người dân và cộng đồng của tôi trong bốn năm với rất nhiều đau đớn. Tôi rời bàn làm việc với đôi mắt đẫm lệ và nói lời tạm biệt với bạn bè của mình. Tôi biết đó là ngày cuối cùng trong công việc của mình.

Tôi đã gần như hoàn thành đồng thời hai bằng của hai trong số các trường đại học tốt nhất ở Afghanistan. Đáng lẽ tôi phải tốt nghiệp vào tháng 11 nhưng sáng nay mọi thứ đã đổ sập trước mắt tôi.
Rồi đây, tôi và nhiều phụ nữ sẽ mất đi tiếng cười của mình, sẽ không còn nghe được những bài hát yêu thích, không còn gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê yêu thích, không còn được mặc chiếc váy vàng hay son hồng yêu thích. Giờ đây, xung quanh mình là khuôn mặt sợ hãi của phụ nữ và khuôn mặt xấu xí của những người đàn ông ghét phụ nữ, những người không thích phụ nữ được học hành, đi làm và có tự do.

Phụ nữ Afghanistan đã hy sinh rất nhiều cho sự tự do ít ỏi mà họ có được. Là một đứa trẻ mồ côi, tôi đã dệt thảm để được học hành. Tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về tài chính, nhưng tôi đã có rất nhiều kế hoạch cho tương lai của mình. Tôi không mong đợi mọi thứ kết thúc như thế này.

Khi các tỉnh lần lượt sụp đổ, tôi đang nghĩ về những giấc mơ thiếu nữ đẹp đẽ của mình. Hai chị em tôi cả đêm không ngủ được, nhớ lại những câu chuyện mẹ tôi thường kể về thời Taliban và cách họ đối xử với phụ nữ. Tôi không ngờ rằng giờ đây chúng tôi sẽ lại bước vào con đường đó, bị tước bỏ tất cả các quyền cơ bản của mình và quay trở lại 20 năm trước. Rồi hôm nay, tôi cảm thấy mình sắp trở thành nô lệ. Những người đàn ông sẽ điều khiển cuộc đời tôi theo bất kỳ cách nào họ muốn…”, nỗi niềm của nữ sinh viên 24 tuổi này có lẽ cũng là nỗi niềm của những phụ nữ Afghanistan khác về những ngày đen tối sắp tới của họ. 

Thảo Nguyễn (theo The Guardian, AP, WSJ)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI