Phong trào nữ quyền vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ trên khắp thế giới

08/03/2023 - 19:28

PNO - Trong năm 2022, đã có các biến cố làm dấy lên những hoạt động, phong trào phản kháng để bảo vệ nữ quyền ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngay dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo, thế giới phải mất 300 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới, trong tình hình “quyền lợi của người phụ nữ đang bị lạm dụng, đe dọa và vi phạm trên khắp thế giới”.

Nhóm người bày tỏ sự ủng hộ quyền phá thai làm những biểu ngữ “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi” trước tòa nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2022 – Ảnh: Getty Images
Nhóm người bày tỏ sự ủng hộ quyền phá thai làm những biểu ngữ “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi” trước tòa nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào tháng 5/2022 – Ảnh: Getty Images

Làn sóng nữ giới phản kháng ở Iran

Tháng 9 năm ngoái, một phụ nữ trẻ người Kurd tên là Mahsa Amini đã bị giam giữ tại thủ đô Tehran của Iran, bởi cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục nữ giới. Vài ngày sau, cô gái 22 tuổi qua đời trong khi bị giam giữ, có ý kiến cho rằng cô bị cảnh sát bạo hành.

Cái chết của cô Amini đã khơi dậy một làn sóng phẫn nộ của phụ nữ trên khắp Iran. Họ phản đối luật lệ nam quyền với khẩu hiệu “Phụ nữ, cuộc sống, tự do”. Tính đến ngày 21 tháng 2 năm 2023, ít nhất 19.000 người bị bắt, liên quan đến phong trào nữ quyền tại đất nước Hồi giáo.

Gần đây, lại có sự kiện hàng trăm nữ sinh Iran bị ngộ độc. Chính phủ nước này đã ra lệnh điều tra, trong khi dư luận nghi ngờ đây là hành động đầu độc có chủ ý.

Vực thẳm của phong trào nữ quyền ở Afganishtan

Từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8 năm 2021 đến nay, liên tiếp xuất hiện tin xấu với nữ giới Afganishtan, những người bị tước quyền được giáo dục, được làm việc. Tuần này, Liên Hợp Quốc đã ra cảnh báo chính thức rằng cách đối xử của Taliban đối với phụ nữ “có thể bị coi là ngược đãi giới tính”.

Cụ thể, vào cuối tháng 3 năm 2022, Taliban tuyên bố sẽ cho phép các bé gái trở lại trường cấp 2, nhưng nuốt lời sau vài giờ. Đến vào tháng 5, Taliban ra lệnh phụ nữ Hồi giáo phải mặc kín từ đầu đến chân nơi công cộng.

Trong các tháng tiếp theo, Taliban tiếp tục thắt chặt những hạn chế về vai trò và cơ hội phát triển của phụ nữ Afganishtan. Họ bị cấm theo học tại tất cả các trường đại học, cũng như bị cấm làm việc cho các tổ chức quốc tế.

Các lệnh cấm này càng làm gia tăng áp lực đối với một quốc gia đang phải vật lộn giữa một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với hơn 24 triệu người cần được hỗ trợ.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đảo ngược án lệ Roe kiện Wade

Hơn một chục tiểu bang của Mỹ đã cấm hầu hết các vụ phá thai, từ khi Tối cao Pháp viện nước này lật ngược án lệ Roe kiện Wade trong tháng 6 năm 2022. Trước đó, phụ nữ Mỹ được bảo vệ quyền phá thai, bởi án lệ từ năm 1973.

Sau phán quyết đảo ngược của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã có những câu chuyện về tác động đối với bé gái và phụ nữ trên khắp đất nước này. Điển hình là vụ một bé gái chỉ mới 10 tuổi bị hiếp dâm ở Ohio, đã phải đến bang khác để phá thai. Một bác sĩ ở bang Indiana đã giúp cô bé và bị tổng chưởng lý của bang điều tra.

Đại diện giới chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã mô tả phán quyết này là một “bước lùi lớn” và là “một đòn giáng mạnh vào quyền con người và bình đẳng giới của phụ nữ”.

Dấu hiệu xuống sức trong cộng đồng các nữ lãnh đạo

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, chỉ có 31 quốc gia có phụ nữ giữ chức vụ đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ, phản ánh tình hình nữ giới “có tỷ lệ đại diện thấp ở tất cả các cấp ra quyết định trên toàn thế giới và mục tiêu đạt được bình đẳng giới trong đời sống chính trị vẫn còn xa vời”.

Tháng 1 năm nay, nữ Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand, nhà lãnh đạo trẻ nhất của quốc gia này trong hơn 150 năm qua, cũng là lãnh đạo thứ 2 trong lịch sử hiện đại sinh con khi đang tại nhiệm, tuyên bố rằng bà sẽ từ chức sau 5 năm giữ cương vị. Bà Ardern nói: “Tôi biết công việc này đòi hỏi những gì. Và tôi biết rằng tôi không còn đủ khả năng để làm việc một cách công bằng”.

Nguồn tin của báo Washington Post cho biết, bà Ardern đã phải đối mặt với sự phân biệt giới tính trong nhiệm kỳ của mình, với những nhận xét mang định kiến từ những phóng viên, nhà bình luận trực tuyến và chính trị gia đồng nghiệp.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark cho biết: “Áp lực đối với vị trí Thủ tướng luôn rất lớn, nhưng trong thời đại truyền thông xã hội, đầy những cạm bẫy và chu kỳ truyền thông 24/7 này, bà Jacinda đã phải đối mặt với mức độ thù hận và cay độc mà theo kinh nghiệm của tôi là chưa từng có ở đất nước chúng ta”.

Ý kiến tương tự xuất hiện khi Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố từ chức vào ngày 15 tháng 2, sau hơn 8 năm tại vị. Bà Sturgeon chia sẻ rằng bản thân cảm thấy không còn có thể đảm đương công việc “chu toàn” và “phải phép”, nhưng cũng hé lộ về tác động của bầu không khí chính trị mà theo bà là “tàn bạo”.

Cả hai nữ lãnh đạo đều chịu áp lực bởi các vấn đề quốc nội, giới bình luận chỉ ra rằng thời điểm họ từ chức có khả năng bị ảnh hưởng bởi những thỏa thuận chính trị.

Sau cùng, bà Ardern và bà Sturgeon đều bày tỏ mong muốn trở lại cuộc sống bình thường và việc từ chức của họ đánh dấu thời khắc chính trường quốc tế thiếu vắng 2 nữ lãnh đạo nổi tiếng, vào thời điểm mà các nữ lãnh đạo vẫn còn là thiểu số.

Sự kiện 2 nữ lãnh đạo cấp cao rời nhiệm sở đã làm dấy lên cuộc thảo luận về sự phân biệt giới tính và các hành vi công kích cá nhân mà các nữ lãnh đạo thường phải đối mặt.

Trường An (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI