Phía sau những bức ảnh

22/09/2015 - 13:57

PNO - Ít ai ngờ một nhạc sư ở tuổi 97 nhưng vẫn thuần thục những thao tác trên máy tính và hàng ngày vẫn lên mạng kết nối với học trò...

Phia sau nhung buc anh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á và cuốn sách ảnh Đờn ca tài tử ra mắt tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Q.1, TP.HCM sáng 20/9 - Ảnh: Quang Định

Sau thành công của tập sách ảnh Trường Sa - Hoàng Sa, Biển đảo Việt Nam, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á vừa tiếp tục cho ra mắt tập sách ảnh Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương.

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và sức sống của loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo bỗng trở nên sinh động theo từng câu chuyện kể bằng hình ảnh.

Không đơn thuần chỉ giới thiệu chân dung những nhân vật gắn liền với ĐCTT thuộc mọi lứa tuổi ở các địa phương, hơn 1.000 bức ảnh là 150 câu chuyện khác nhau về 150 nhân vật tiêu biểu của nghệ thuật ĐCTT.

Nhân vật của loại hình nghệ thuật ra đời cách đây hơn 100 năm không chỉ có những nghệ nhân, những bậc thầy ở tuổi “xưa nay hiếm”: nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, GS-TS Trần Văn Khê, NSND Viễn Châu, nhạc sư Ba Tu, Nghệ nhân dân gian Tấn Nhì, danh cầm Văn Giỏi… mà còn có cả những tài tử nhí được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ cả niềm đam mê ĐCTT lẫn chất giọng thiên phú.

"Báu vật" của Đờn ca tài tử

Xuất hiện trang trọng ở trang bìa tập sách, bên cạnh GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Ba Tu, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người được xem là "báu vật" của nhạc tài tử Nam bộ. Có lẽ ông khác xa so với hình dung của không ít công chúng về diện mạo, phong thái của người đã bước sang tuổi 97.

Chất tài tử vẫn nguyên vẹn ở ông từ mái tóc trắng như cước đến nụ cười đôn hậu và sự sinh động trong biểu cảm ánh mắt, khuôn mặt… Hình ảnh vị nhạc sư vẫn rất tinh anh, sáng suốt đang “kết nối” với học trò qua chiếc máy vi tính có lẽ là một trong những bức ảnh đẹp và ấn tượng của Nguyễn Á về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Không chỉ nổi tiếng bởi thính lực nhạy bén, bất chấp tuổi tác và tiếng đờn sâu sắc, thâm trầm, đưa người nghe đến cõi tĩnh lặng nhất của tâm hồn, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn là người có công đầu tiên sáng chế loại đàn tranh cải tiến từ 16 dây thành loại đàn tranh kích thước lớn với 17, 19 và 21 dây.

Phia sau nhung buc anh
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Sinh ra trong một gia đình yêu âm nhạc tại làng Mỹ Trà, Q.Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), từ nhỏ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã học đàn với các thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn)... Vừa có sở trường về các loại đàn “ta” như tranh, kìm, cò, gáo, bầu... nhạc sư Vĩnh Bảo vừa thuần thục cả những loại đàn “tây” như mandoline, guitar, violon, piano…

Mới 17 tuổi, ông sáng chế ra dây Tỳ và dây Xề trên cây đàn gáo, đến năm 20 tuổi ông được hãng đĩa BEKA tín nhiệm mời đàn cho cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ) ca.

Tự nhận mình là người sống nội tâm nên cuộc đời làm nghề của ông cũng bình lặng, không ồn ào, không phô trương: “Tôi luôn luôn đứng sau để phục vụ mọi người. Bổn phận là trên hết”.

Không chỉ có rất nhiều học trò trong nước, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho những người yêu ĐCTT đang sống ở các nước trên thế giới.

Khi công nghệ thông tin chưa phát triển, ông ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài. Đến lúc internet trở nên thông dụng, ông chuyển sang dạy học qua mạng cho các học viên ở nước ngoài.

Chắc chắn ít ai ngờ một nhạc sư ở tuổi 97 nhưng vẫn thuần thục những thao tác trên máy tính và hàng ngày vẫn lên mạng kết nối với học trò người Việt lẫn người nước ngoài đang học tập và sinh sống ở các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ... để truyền kiến thức và lửa đam mê nghệ thuật ĐCTT.

Tháng 3/2015, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ 8 do có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống.

Trước đó, ông là một trong năm nhạc sư ở châu Á được vinh danh “Quốc gia chi bảo” tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 diễn ra tại Honolulu, Hawaii (Mỹ) năm 2006; được Tổng thống Pháp tặng huy chương Offi cier des Arts et des Lettres - phần thưởng cao quý của nước Pháp dành những nghệ sĩ có cống hiến to lớn cho nghệ thuật và văn chương năm 2008; giải thưởng Đào Tấn năm 2005, nhưng với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có lẽ niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của ông là được tiếp tục truyền những ngón đờn cho con cháu, học trò.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI