Phía sau màu trời hòa bình là bao nhiêu nước mắt

30/04/2022 - 19:25

PNO - Trên ban thờ nhà tôi, di ảnh ông bà bên cạnh di ảnh hai người bác liệt sĩ. Có những sự đoàn tụ đặc biệt như thế.

Cha tôi năm nay 66 tuổi, nhưng hai người anh trai của cha, tức là hai bác tôi, thì mãi mãi tuổi 17, 20. Hai bác xung phong ra trận rồi không trở về nữa. Hình ảnh còn lại của hai bác trong nhà chỉ là hai tấm ảnh thờ đen trắng.

Bao nhiêu năm qua đi, khi ông bà cũng đã mất, anh chị em cũng lần lượt bạc tóc, hai bác vẫn là hai thanh niên phơi phới tuổi xuân, mặc áo lính xanh, đội mũ cối sao vàng.

Tôi nhớ năm mình học cấp II, một hôm cha về nhà thông báo rằng ông bà sẽ được xây một căn nhà tình nghĩa theo chính sách tri ân những người có công với cách mạng. Khi ấy, cả huyện gồm 33 xã nơi tôi sống chỉ được xây 6 nhà tình nghĩa. Ông bà nội có hai con trai là liệt sĩ, nên nằm trong diện được xét duyệt. Sau những cân nhắc, cha tôi quyết định xây nhà tình nghĩa ngay sát cạnh căn nhà mà gia đình nhỏ của tôi đang ở.

Ông bà dọn về căn nhà tình nghĩa. Nơi này không những trở thành niềm tự hào của từng thành viên trong đại gia đình mà còn là tổ ấm tụ họp mỗi khi có dịp. Con cháu đến bên ông bà, cùng rôm rả câu chuyện bên ấm trà, kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện thời xưa và nay.

Tôi lớn lên với những câu chuyện về hầm trú ẩm, về tiếng bom đạn rền vang, với thời đói khổ khoai độn cơm, những tấm tem phiếu thời bao cấp, những chuyến bộ hành lặn lội tay nải hơn mấy chục cây số, hay chuyện ngày Bác Hồ mất, cả đất nước đưa tang… mà người lớn kể lại.

Dưới làn đạn bắn tỉa, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi trú ẩn, trong khi lính Mỹ đang tấn công làng Mỹ Sơn, gần Đà Nẵng, để tìm quân giải phóng - Ảnh chụp lại tại triển lãm “Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến”.
Dưới làn đạn bắn tỉa, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi trú ẩn, trong khi lính Mỹ đang tấn công làng Mỹ Sơn, gần Đà Nẵng, để tìm quân giải phóng - Ảnh chụp lại tại triển lãm “Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến”.

Hai bác đầu hy sinh, cha tôi thành con trai trưởng trong gia đình. Cha tận tình làm công việc của một người con, hết lòng với ông bà từng bữa cơm, từng lần bế ông bà đi tắm, đi vệ sinh, từng đêm thức trọn khi ông bà ốm, cho đến lúc ông bà lần lượt ra đi.

Cũng trong căn nhà tình nghĩa ấy, ông bà tôi bây giờ ở bên hai bác, nhưng là trên chiếc ban thờ. Di ảnh ông bà một bên, di ảnh hai bác một bên. Có những sự đoàn tụ kéo dài bằng cả cuộc đời như thế.

Ở đất nước này, có lẽ hiếm gia đình nào không có người thương binh hoặc liệt sĩ. Chỉ nhìn riêng trong ngôi làng tôi sống, màu áo lính sờn bạc, những đôi dép rọ bộ đội vẫn thấp thoáng đâu đó. Và niềm đau thương, những sự mất mát đã lành sẹo, nhưng có lẽ vẫn còn nhức nhối mỗi khi được nhắc đến.

Ông ngoại của chồng tôi cũng là liệt sĩ. Có lần, tôi hỏi mẹ chồng: “Mẹ có nhớ lúc còn sống ông như thế nào không?”. Mẹ buồn bã bảo: “Mẹ không nhớ nổi gương mặt cha thế nào, chỉ hình dung lờ mờ qua tấm ảnh thờ”.

Mẹ chồng tôi lớn lên, là người con duy nhất vì ông ngoại ra đi không trở về. Mẹ là đàn bà con gái, nay kiêm luôn chuyện thờ cha cúng mẹ. Những cái giỗ của ông bà hẳn đã trôi qua trong niềm tủi thân của mẹ vì không có anh chị em ruột cùng quây quần sẻ chia.

Tôi nhớ, mỗi năm đến dịp 27/2 hay những ngày như 30/4, dù là còn bé hay đã lớn, trong bữa cơm, tôi luôn được nghe cha kể những câu chuyện cũ. Những câu chuyện ấy giúp tôi biết nhìn những người bà, người mẹ quanh mình bằng đôi mắt khác. Tôi biết ơn họ, ngưỡng mộ họ. Tôi cảm phục những người đàn bà phải đi qua sự tàn khốc của chiến tranh trong nỗi đau mất con, mất chồng, mất cha... Nhưng sự thấu hiểu ấy không còn thấy được ở thế hệ sau này, là những đứa con của tôi.

Như dịp lễ này, các con chỉ mừng vui vì được nghỉ học 4 ngày, chứ không hề được giải thích ý nghĩa những ngày lễ. Lời thông báo “Các em được nghỉ vì kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động” giống như làn gió thoảng. Các con reo hò vì không phải tới trường, nhưng không hề biết phía sau màu trời xanh hòa bình là bao nhiêu máu và nước mắt.

Vậy nên, dịp lễ năm nay tôi quyết định chẳng đi đâu xa. Cả nhà quây quần bên nhau, cùng nói chuyện về những người đã khuyết đi trong gia đình, về chiến tranh như cách tôi năm xưa từng được nghe người lớn kể lại. Tôi cũng cho con xem thêm những thước phim về chiến tranh, về lịch sử Việt Nam. Và tôi chọn bộ phim Mùi cỏ cháy để kết thúc ngày 30/4 năm nay.

Phim Mùi cỏ cháy lấy nước mắt hàng triệu người xem
Phim Mùi cỏ cháy lấy nước mắt hàng triệu người xem

Nhìn nước mắt lăn trên gương mặt của hai đứa con lên 7 và lên 9 khi xem thước phim về những người lính ngã xuống ở thành cổ Quảng Trị, tôi nghĩ đó là giọt nước mắt cần thiết trong đời, là điểm khởi đầu của lòng biết ơn...

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI